221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
818591
Bài 1: Mái tranh nghèo xóa mộng đời thường!
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Cuộc chiến chống bọn buôn người:
Bài 1: Mái tranh nghèo xóa mộng đời thường!
,

(VietNamNet) - Trên 4.500 phụ nữ, trẻ em đã bị bán ra nước ngoài thông qua nhiều hình thức: kết hôn với người nước ngoài; hứa hẹn được đổi đời; công việc tốt nhất ở vùng đất hứa...

 

Con số trên chỉ mới dừng lại ở những trường hợp được phát hiện từ năm 1998 đến nay, chưa tính đến hàng ngàn phụ nữ, trẻ em người Việt bị bán ra nước ngoài mỗi năm đang lênh đênh xứ người. Họ bị biến thành nô lệ tình dục, nhân phẩm lẫn thể xác bị xâm hại nghiêm trọng... 

 

PV VietNamNet đã đi sâu, điều tra, phản ánh về vấn nạn này. Dưới đây là những nhân vật có thật cùng với những câu chuyện khổ nhục nơi xứ người mà một cô gái Việt trải qua. Cũng qua tìm hiểu của PV VietNamNet, đã cho thấy những nỗ lực lớn lao của các chiến sĩ cảnh sát nhân dân Việt nam trong cuộc chiến chống lại bọn buôn người, nhằm giành giật lại cuộc đời của những cô gái từ tay bọn tội phạm mất nhân tính này...

 

Ảo mộng đổi đời trên đất khách

 

"Sợ lắm, biết đi sẽ khó có ngày về! Nhưng thấy nhà túng quẫn, ngày nào cũng có hàng chục người đến đòi nợ. Em nhắm mắt đưa chân làm liều, cho tròn chữ hiếu..."!

 

Tôn Thị Linh (tên nhân vật đã được thay đổi ), 23 tuổi, ngụ tại ấp Mỹ Phú, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, bắt đầu câu chuyện 365 ngày lênh đênh tại Đài Bắc... mắt đỏ hoe, nghẹn ngào, cô kể bằng một giọng đứt quãng.

 

Huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang từng là tâm điểm của trào lưu "lấy chồng Đài Loan", hồi những năm đầu thế kỷ XXI. Con gái ở huyện này cứ lũ lượt kéo nhau qua bến phà Bắc Cần Thơ, lên TP.HCM, và mong được lọt vào mắt xanh của người đàn ông xứ Đài, để được đổi đời trên đất Đài Loan, thay vì cứ lam lũ nơi ruộng đồng, hoặc mò mẫm bên bến đò mò ốc, bắt cua...

 

Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Phụng Hiệp, từ năm 2000-6/2006, huyện này đã có 2.290 cô gái đi lấy chồng nước ngoài, trong đó, chiếm khoảng trên 90% lấy chồng Đài Loan, số còn lại rải đều ra 9 nước khác.

 

"Trên thực tế, con số còn cao hơn gấp nhiều lần, nhưng chúng tôi chưa nắm được số liệu cụ thể!" - chị Huỳnh Thị Ngà, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phụng Hiệp nói.

 

Ít ai ngờ, thay vào giấc mộng đổi đời nơi đất khách, là những ngày tháng khổ ải. Thể xác bị đày đoạ, tinh thần bị tổn thương, nhân phẩm bị tước đoạt và họ trở thành những món hàng trong những khu "chợ thịt người" nơi đất lạ. Không ít cô gái trẻ đã bị đánh đập, rồi bị bán nhiều lần, bị đưa sang nhiều nước, để phục vụ cho "công nghệ tình dục" trong nhiều nhà thổ của các đường dây buôn người.

 

Tôn Thị Linh gạt những giọt nước mắt lăn nhanh trên khuôn mặt hốc hác, sạm đen, trở lại câu chuyện với lời gạ gẫm của người chị bà con, khuyên lấy chồng nước ngoài, hưởng cuộc sống giàu sang, được đổi đời, lại có tiền trả nợ cho cha mẹ.

 

Sau vài ngày suy nghĩ, Linh gật đầu đồng ý và cùng lên TP.HCM với người chị bà con.

 

"Vì cái nghèo, em đã đưa chân làm liều...", ký ức buồn của một lần xuất ngoại vẫn còn ám ảnh Linh. Ảnh: Phan Công

Linh được đưa qua một địa điểm thuộc phường 6, quận 6. Sau khi giao Linh cho một người phụ nữ lạ mặt, người chị bà con quay về. Còn lại đơn độc một mình trên thành phố, Linh bị chuyền tay qua nhiều người lạ mặt khác, sau đó đưa đến nhà một người đàn bà dắt mối.

 

Tại đây, Linh nhận được "hợp đồng", nếu Linh chịu đi nước ngoài, ba mẹ cô sẽ được trả 22 triệu đồng.

 

Thêm một lần nữa, Linh gật đầu. Nhưng cái gật đầu lần này dứt khoát, không đắn đo, không mặc cả. Cô hi vọng chứa chan với một tương lai xán lạn mà những kẻ bán cô vẽ nên bằng lời.

 

"Em không biết được số nhà, chỉ biết ngôi nhà nằm gần một cái cầu ở phường 6, quận 6. Em ở chung với rất nhiều cô gái trẻ cùng độ tuổi. Tất cả đều đến đây với một đích lấy chồng ngoại.

 

Trong thời gian chờ đợi, tụi em được ăn uống, nghỉ ngơi thoải mái, không phải tốn đồng nào. Thỉnh thoảng, mỗi đứa thay nhau vệ sinh trong nhà, hoặc phụ bưng bê tại một quán cà phê của bà dắt mối...".

 

Linh say sưa kể lại những ngày tháng ở tại nhà của người đàn bà dắt mối, mà đến giờ cô cũng chưa được biết tên, với khuôn mặt thản nhiên, khiến chúng tôi và có lẽ cả cô cũng chớm quên những giọt nước mắt vừa lăn, ngỡ còn ấm gò má của cô.

 

Cứ vài hôm, cách khoảng 5-7 ngày, lại có một đoàn khoảng 3-5 người nước ngoài (chủ yếu là Đài Loan) đến căn nhà dưới chân cầu tại quận 6 mà Linh đang ở. Mỗi lần có khách lạ đến, tất cả các cô xôn xao áo quần, phấn son, rồi tập trung lại ra mắt khách. Cũng trong một lần như thế, Linh và một vài cô gái cùng được chọn.

 

Con đường xuất ngoại mở ra. Người chị bà con quay lại đón Linh và một bạn đồng hương của cô quay về Hậu Giang làm giấy tờ. Đến lúc này, câu chuyện úp úp mở mở về tuổi tác của Linh mà chúng tôi đang hoài nghi, được Linh nói toạc ra.

 

"Thật ra, lúc đó em vừa học hết lớp 9, chỉ mới 16 tuổi, nên em phải về quê làm lại giấy tờ. Em lấy hộ khẩu ở nhà, mang ra xã làm lại năm sinh. Cũng may, hộ khẩu của nhà em có chi tiết sai. Tên lót của anh trai em bị thêm chữ "...Thị...", nên em dễ dàng đổi lại tên và tuổi của mình".

 

Thế còn người bạn gái cùng tuổi với em, liệu hộ khẩu nhà bạn em có cùng chi tiết sai đó? Chúng tôi thắc mắc.

 

"Không. Em không biết. Nhưng sau đó, bạn em cũng sửa lại được năm sinh, nâng thêm 2 tuổi. Nhờ địa phương xác nhận chưa có hôn nhân. Rồi tụi em quay lại thành phố, đưa giấy tờ cho người ta. Đến giai đoạn này, tất cả hồ sơ, thủ tục xuất ngoại đều do bà dắt mối làm hết. Em chỉ biết đến ngày cầm vé máy bay, qua Đài Loan thôi!".

 

Khoảng 2 tháng sau, ba mẹ Linh lên TP.HCM, tiễn con gái đi Đài Loan, khi đã nhận đủ 22 triệu đồng từ tay người đàn bà dắt mối. Linh còn nhớ như in cảm xúc khi đó.

 

"Khi qua cửa cách ly ở sân bay Tân Sơn Nhất, em sợ lắm. Sợ đến nỗi muốn bỏ trốn mất tiêu luôn, nhưng lại sợ người ta bắt ba mẹ em, vì họ đã trả 22 triệu đồng rồi. Ngồi trên máy bay, cảm giác tủi thân lẫn lo sợ vẫn không hết. Nhưng khi nghĩ đã làm tròn được chữ hiếu, qua bên kia biết đâu lại sướng hơn nên cố gắng vui...".

 

Cũng như bao cô gái khác, khi cầm tấm vé máy bay, được xuất ngoại, cái cảm giác lo sợ lẫn hy vọng đổi đời trên đất khách luôn làm các cô bồi hồi, và khi nghĩ về những đồng ngoại tệ tuồn tuồn gởi về cho gia đình, khiến nhiều cô vui muốn ngất đi... Nhưng đó chỉ là ảo mộng theo lời những người dắt mối!

 

Sự thật phũ phàng!

 

Số tiền 22 triệu đồng đủ cho cha mẹ Linh trả nợ và sống một khoảng thời gian thoải mái hơn ở vùng quê nghèo, thu nhập chủ yếu dựa vào nghề làm nông. Còn Linh bắt đầu những ngày tháng nhọc nhằn trên đất khách.

 

Những túp lều tranh, ngôi nhà nổi đã không che chở được những giấc mộng đẹp, khiến số phân họ cứ lênh đênh theo con nước. Ảnh: Phan Công

Linh có phần may mắn hơn nhiều cô gái khác, người chồng ở Đài Bắc của cô không khuyết tật, không già nua đến độ "gần đất xa trời", hơn Linh 16 tuổi. Một ngày, cô chỉ thấy mặt người chồng chưa đầy 4 tiếng, cả thời gian còn lại cô quần quật trong nhà.

 

Linh không thể giao tiếp với ai, ngoài người chồng với tiếng được tiếng mất, dù đã có gần 3 tháng học cấp tốc tiếng Hoa, nhưng không thể giúp cô hơn được.

 

Cô như một cái bóng trong gia đình người Đài kia. Họ xem cô như một vật được mua về. Cứ vậy, một tháng cô bị bó mình trong nhà. Chẳng thể chịu nổi cảnh sống như vậy. Cô bỏ đi.

 

"Em không chịu được nữa. Chẳng nghĩ được điều gì, ngoài việc bỏ đi!" - Linh nói, rồi đôi mắt to tròn của cô lại nhòe. Cô từ chối kể về những chi tiết khiến cô phải bỏ đi. Nhìn Linh vội đưa tay lên dụi mạnh vào mắt, tôi có cảm giác, cô không chỉ lau nước mắt. Dường như, Linh đang muốn ấn mạnh vào, để nước mắt chảy ngược vào trong nhưng không thể. 

 

Ngừng một lúc, Linh quay lại câu chuyện và kể về những ngày lăn lộn bên đất khách để kiếm tiền trở về nước. Sau khi ra khỏi nhà chồng tại Đài Loan, Linh lần theo địa chỉ, tìm đến những người quen biết trước đó tại Việt Nam. Cô được giới thiệu đến làm việc tại một xưởng bánh cùng ở Đài Bắc, Đài Loan. Tại đây, Linh gặp khá nhiều người Việt.

 

Linh kể, trong thời gian làm việc tại xưởng bánh, vẫn thường xuyên có người đến gạ gẫm cô tiếp tục đi lấy chồng Đài Loan. Nhưng cô đã quá sợ hãi với chuyện vừa xảy ra trước đó, nên đều từ chối và lẩn trốn những lời gạ gẫm. Cô cố gắng làm việc và dành dụm ít tiền. Đúng một năm, kể từ ngày đặt chân đến Đài Loan, cô vội vã mua vé máy bay và trở về...

 

Đường về buồn tênh

 

"Hôm về, em không báo cho ai biết. Cứ lặng lẽ xuống sân bay, thuê xe chạy thẳng về Phụng Hiệp. Về đến nhà, em vẫn chưa hoàn hồn, cứ nghĩ mình đang mơ. Em mừng đến nỗi không ngủ được, cứ ôm mẹ nói chuyện thâu đêm suốt sáng. Em nói với mẹ, chẳng bao giờ con dám đi lại nữa đâu. Mẹ con ôm nhau khóc..."

 

Số tiền Linh góp nhặt những ngày ở Đài Loan thêm một lần nữa giúp ba mẹ cô tiếp tục trả nợ. Trong vài tháng tĩnh lặng tại quê nhà, cô chẳng dám bước ra khỏi ấp. Lời dị nghị của hàng xóm, và nỗi ám ảnh của một lần xuất ngoại lấy ngoại kiều đã khiến cô không thể bước ra khỏi ngạch cửa. Nhưng, cái khó, cái khổ, dồn đến túng quẩn, buộc Linh phải mưu sinh.

 

Linh lên TP.HCM, xin được một chân bồi bàn tại một quán cà phê ở quận Tân Bình. Tiền lương ít ỏi hàng tháng được Linh tích góp gửi về cho cha mẹ.

 

Được thoát khỏi cái nghèo, bước ra khỏi vùng quê hẻo lánh, vẫn còn là ước mơ lớn của nhiều cô gái trẻ. Ảnh: Phan Công

Trong thời gian này, lại có thêm vài người lạ đến gạ gẫm cô đi làm ăn xa hoặc lấy chồng nước ngoài. Với dáng vẻ nhanh nhẹn và còn khá xinh gái, không tháng nào Linh được yên với những lời gạ gẫm kiểu: "Như em sao lại chịu ngồi xó này. Em nên đi theo chị, làm công việc nhàn hơn, tiền lại nhiều. Không thì chị giới thiệu cho thằng chồng nước ngoài, sống cho nó sung sướng".

 

Vết thương cũ đã hằn sâu vào tận xương tủy cô, chẳng bao giờ Linh dám đối mặt với lời gạ gẫm để trở lại con đường cũ. Cô chấp nhận công việc bưng bê, tạp vụ tại quán cà phê và mong học được một nghề đàng hoàng.

 

"Ngày xưa, em ước sẽ trở thành cô giáo. Nhà khó, nhưng em cố gắng học lắm. Em đạt danh hiệu học sinh xuất sắc đó. Nhưng cái nghèo đã không giúp em... trở thành cô giáo. Ngay cả khi đi làm ở quán cà phê, cố gắng để dành tiền đi học nghề nhưng cũng chẳng được. Tháng nào cũng phải gửi tiền về cho cha mẹ". Linh tâm sự.

 

Nhà Linh có 4 chị em. Linh là con út, tất cả anh, chị đã lập gia đình và ra riêng. Nhưng cha mẹ Linh chỉ dựa vào một mình cô gái út.

 

Cứ vậy, tháng ngày trôi qua, Linh cứ lầm lũi trong quán cà phê và ôm mộng làm cô giáo. Cho đến ngày gặp người thanh niên hiện là chồng cô. Chàng trai bỏ qua quá khứ của Linh và đến với cô. Chồng Linh cũng như cô, chẳng có nghề nghiệp gì.

 

Nghe hàng xóm kháo nhau, chồng Linh là một tay ăn chơi ở đất Sài thành. Khi Linh và cậu ta muốn lấy nhau, gia đình nhà trai cấm. Nhưng người thanh niên kia quá quyết tâm, cuối cùng cha mẹ anh cũng đồng ý, với điều kiện: cả hai phải kéo nhau trở về Phụng Hiệp sống.

 

"Có ngày tụi em kiếm được khoảng 10.000 đồng, thậm chí có ngày chẳng được đồng nào. Thỉnh thoảng có người thuê đi làm mía, mới có thêm tiền, nhưng cũng chỉ được vài ngàn. Thỉnh thoảng, mẹ chồng gửi về cho vài trăm ngàn. Khổ lắm, nhưng chẳng biết làm sao... Em đang dự định đi học nghề làm tóc, hoặc trang điểm, nhưng không có tiền..." - Linh than thở.

 

Chia tay Linh, chúng tôi gửi tặng một phong bì có vài trăm ngàn, để chia sẻ với sự khó khăn của cô. Cầm cái bao thư, Linh cúi gằm mặt, cố che đi nỗi buồn đang trào lên trên mắt.

 

Chiếc xe cứ xốc liên tục trên đường gập gềnh được đắp đá tạm bợ đưa chúng tôi ra khỏi xã Hoà Mỹ, huyện Phụng Hiệp, để lại sau lưng những dãy nhà tranh nứa lụp xụp, buồn bã trong cơn mưa chiều tháng 6.

 

Tôi còn nhớ lời của Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc phát biểu tại hội nghị Triển khai chương trình phòng chống tội phạm buôn người, được tổ chức tại TP.HCM vào tháng 3/2006: "...Trong lịch sử Việt Nam, người phụ nữ chưa bao giờ bị đem bán để làm vợ người nước ngoài. Đây là nỗi đau nhức nhối, sự ô nhục của dân tộc".

 

Phải chăng, mái nhà tranh kia đã không đủ sức nuôi mộng làm cô giáo của Linh? Vâng, Linh cũng chỉ là một trong hàng ngàn nạn nhân của cái nghèo tại huyện nhỏ bé này. Một trong những lý do quan trọng khiến nhiều cô gái trẻ dễ dàng bị dỗ ra đi... và họ sẽ còn bị dụ dỗ nữa, nếu cái sự nghèo ở đây không được giải quyết, nó sẽ như một bài phóng sự không có đoạn kết...

 

      (Kỳ sau: Tội phạm buôn người giết cả tình mẹ, nghĩa thầy)

  • Phan Công
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,