(VietNamNet) - Trước vấn nạn buôn người đến mức báo động, Việt Nam đã lao vào cuộc chiến chống lại loại tội phạm nguy hiểm này trên nhiều mặt trận, giành giật từng số phận từ tay bọn buôn người...
Vừa đấu tranh trực tiếp trên mặt trận chống tội phạm buôn người do lực lượng cảnh sát đảm nhiệm, vừa tăng cường tương trợ tư pháp quốc tế đối với các nước trong khu vực, nhằm nâng cao năng lực chống loại tội phạm này.
>>Bài 1: Mái tranh nghèo xóa mộng đời thường!
>>Bài 2: Tội phạm buôn người giết cả tình mẹ, nghĩa thầy
Đặc biệt, để ngăn ngừa nguy cơ tiềm ẩn đối với phụ nữ, trẻ em ở các tỉnh nghèo thường là nạn nhân của bọn buôn người, hàng loạt các chương trình nâng cao nhận thức, dạy nghề, lập nghiệp cho phụ nữ, trẻ em đã được triển khai, góp sức vào cuộc chiến chống bọn buôn người
Dạy nghề, trang bị nhận thức và tặng phương tiện
"Cũng vì nghèo quá, cộng với thiếu hiểu biết do hạn chế về trình độ văn hóa, nên nhiều phụ nữ và trẻ em sa vào cạm bẫy của bọn buôn người. Khi nào xóa sạch cái dốt, và không còn hộ nào nghèo nữa, lúc đó, tội phạm buôn người sẽ khó còn đất sống!" - chị Dương Thị Lánh, Chủ tịch Hội LHPN xã Hoà Mỹ, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang tâm sự.
"Khi nào xóa sạch cái dốt, cái nghèo, tội phạm buôn người không còn đất sống" - chị Dương Thị Lánh nói. Ảnh: Phan Công |
Chính việc nhận thức được nguồn gốc khiến cho bao cô gái trẻ nhẹ dạ, cả tin vào bọn buôn người, từ năm 2004 đến nay, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với các tổ chức quốc tế, thực hiện hàng loạt các chương trình hỗ trợ phụ nữ, trẻ em, nằm trong dịên có nguy cơ cao (từ 18-35 tuổi), có thể bị buôn bán ở các tỉnh nghèo.
Chúng tôi ghé thăm khu vực dạy nghề may cho phụ nữ, nằm sau trụ sở UBND xã Hòa Mỹ. Nơi đây có 30 đầu máy may và 30 cô gái trẻ đang say sưa theo từng đường chỉ. Chị Lánh cho biết:
"Các chị em đang theo học nghề tại đây nằm trong đối tượng phục vụ của Chương trình Phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Ngoài lớp học may tại đây, còn có một lớp dạy kỹ thuật đan mỹ thuật, cũng có hơn 30 phụ nữ tham gia. Sau khi kết thúc khóa học, các chị em trong chương trình này sẽ được trang bị đủ kỹ năng làm việc, cũng như nhận thức bảo vệ mình trước nạn buôn người".
Không chỉ được học miễn phí hoàn toàn, các học viên trong chương trình này còn được hỗ trợ cả vốn để làm ăn. Kết thúc khóa học, mỗi học viên được tặng một đầu máy may mới, nếu không muốn lấy máy may, sẽ nhận được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, với số tiền tương đương giá trị đầu máy may. Riêng các học viên có nhu cầu làm việc tại các xí nghiệp may, tổ chức phụ nữ xã sẽ giới thiệu đến các công ty, khu công nghiệp, để làm việc lâu dài.
"Trước đây, ấp em có nhiều chị lấy chồng Đài Loan lắm, vì nghèo, lại không có việc làm..." em Võ Thị Yến tâm sự. Ảnh: Phan Công |
Với cặp mắt tròn xoe, chăm chú vào mũi kim, em Võ Thị Yến, 18 tuổi, ngụ ấp Long Trường, xã Hoà Mỹ cho chúng tôi biết, trước đây ở ấp của em, có nhiều chị gái lấy chồng Đài Loan lắm, vì nhà nghèo, không có nghề, không có việc làm nên phải đi lấy chồng. Còn giờ, ở ấp của Yến, rất ít nghe người ta xôn xao, bàn tán chuyện lấy chồng nước ngoài nữa.
Chị Lánh cũng thừa nhận: “Từ khi triển khai dự án, đạt được hiệu qủa khá cao, tỉ lệ đi lấy chồng Đài Loan giảm rõ rệt”.
Không chỉ có riêng xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, chương trình hỗ trợ phụ nữ, tạo việc làm để có cuộc sống ổn định đã được triển khai hầu hết tại các điểm nóng của nạn buôn người, như Lạng Sơn, Quảng Ninh, An Giang, Tây Ninh, TP Cần Thơ... Theo bà Dương Thị Xuân, Trưởng ban Tuyên giáo, Trung ương Hội LHPN Việt
Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, trong năm 2005, chương trình này đã tạo việc làm cho hơn 1.300 phụ nữ. Trong khi đó, tại 2 thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, đã tiếp nhận được 135 phụ nữ, trẻ em từng là nạn nhận của bọn buôn người. Số nạn nhân này hịên đã được tạo việc làm ổn định và hồi gia; không ít trong số đó đã lập gia đình và có mức thu nhập hàng tháng từ 750.000 đồng - 1,4 triệu đồng/1 tháng.
Vạch rõ các thủ đoạn của bọn buôn người
Bên cạnh việc giải quyết khó khăn về kinh tế trước mắt cho những phụ nữ ở vùng quê nghèo, nằm trong khu vực nóng của nạn buôn người, Hội LHPN các cấp còn phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể khác, thực hiện các biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức cho phụ nữ trẻ.
Các buổi tuyên truyền được lồng ghép vào các buổi dạy nghề, nhóm họp tổ phụ nữ và tất cả các buổi sinh hoạt.
"Gốc cần phải làm được đó là phòng ngừa. Bên cạnh công tác tạo việc làm cho người dân. Chúng tôi đẩy mạnh vận động và tuyên truyền cho người dân hiểu buôn người đó là tội ác, để cả cộng đồng tham gia chống loại tội phạm này. Đã có nhiều đội ngũ tuyên truyền viên tại cộng đồng được thành lập, những nhóm này đi sâu vào trong các trường học, đến tận các ấp, xã... Mục tiêu chương trình là đạt 80% phụ nữ nhận thức và biết được các thủ đoạn của bọn buôn người" - bà Dương Thị Xuân cho biết.
Theo đó, nhiều câu lạc bộ của phụ nữ được ra đời, tập hợp những người có hoàn cảnh khó khăn, nằm trong độ tuổi có nguy cơ bị lừa bán hoặc những nạn nhân thoát được khỏi vòng vây của bọ buôn người trở về. Nhiều phụ nữ vừa là đối tượng phục vụ của chương trình, đồng thời là những tuyên truyền viên đắc lực cho hoạt động phòng chống buôn người.
Thống kê của Hội LHPN Việt
Chị Dương Thị Lánh, vui vẻ kể cho chúng tôi nghe thành quả của tổ chức Hội phụ nữ ở xã Hoà Mỹ. Chỉ cách hôm chúng tôi đến địa phương này mấy ngày, hội phụ nữ xã đã thuyết phục 2 cô gái trong xã tự nguyện từ chối kết hôn với người nước ngoài.
Chị Lánh kể: "Khi 2 cô gái này đến xã xin xác nhận chưa có gia đình, chúng tôi nghi là 2 em đang có ý định lấy chồng nước ngoài, liền phân công nhau đến hỏi thăm. Khi đó mới phát hịên ra, em đã đồng ý với một bà dắt mối ở TP.HCM đi lấy chồng nước ngoài, nhưng chồng thì chưa thấy ra mặt, chỉ nghe bà dắt mối hứa vậy thôi. Ngay lập tức, chúng tôi liền nói chuyện và vận động em nên suy nghĩ lại. Trong khi 2 em đang ngập ngừng, chúng tôi đưa cả hai đến tham gia sinh hoạt với câu lạc bộ phụ nữ xã. Sau vài ngày tham gia, 2 em nhận thấy được nguy cơ là nạn nhân của bọn buôn bán phụ nữ trẻ em, nên đã tự nguyện thay đổi ý định".
Lớp dạy nghề may cho phụ nữ, nằm trong chương trình Phòng chống BBPNTE, do Hội LHPN VN tổ chức tại xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang. Ảnh: Phan Công |
Sau khi 2 cô gái chấp nhận ở lại địa phương, hội phụ nữ xã đã tạo điều kiện cho 2 cô học nghề và giúp đỡ vốn làm ăn. Đây là một trong những trường hợp tiêu biểu cho sự nỗ lực của Hội phụ nữ, trong cuộc chiến dành giật từng số phận phụ nữ, trẻ em đang diễn ra trên các điểm nóng.
Không ít nơi, tại những vùng quê hẻo lánh như An Giang, Quảng Ninh, các thành viên trong Hội phụ nữ từ tỉnh đến huyện đến xã, không quản khó khăn, vượt qua đường dài, cả trong đêm, để đi đến từng khóm, ấp, tuyên truyền cho người dân nhận thức và đề phòng các thủ đoạn của bọn buôn người.
Và ngay cả lúc này đây, nơi những vùng quê không yên tĩnh, vẫn có những con người thầm lặng, đến từng điểm nóng tập trung những phụ nữ, trẻ em trong độ tuổi tiềm ẩn nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người; để rỉ tai họ từng câu chuyện của những nạn nhân trước đó và lắng nghe những suy tư về khó khăn của họ để về lập kế hoạch giúp đỡ.
Cuộc chiến giành giật từng số phận người vẫn đang diễn ra, đầy cam go... chúng tôi ra về còn nhớ mãi câu nói của chị Lánh: "Khi nào xóa sạch cái dốt, và không còn hộ nào nghèo đói nữa, lúc đó, tội phạm buôn người sẽ không còn đất sống!"
· Phan Công