(VietNamNet) - Xây bệnh viện ở TP này thường theo quy trình ngược: khu điều trị có trước, hệ thống xử lý chất thải mỏi mòn chờ có sau.
Các loại bông băng, bơm kim tiêm... sau khi sử dụng cho bệnh nhân được chuyển thẳng ra bãi rác TP.Đà Nẵng (Ảnh: HC) |
"Sống chung" cùng chất thải y tế
Trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện có 14 bệnh viện (BV), 11 trung tâm y tế, 47 trạm y tế xã phường và trên 700 phòng khám chữa bệnh tư nhân. Tổng lượng nước thải từ các cơ sở y tế này vào khoảng 3.000 - 5.000 m3/ngày đêm.
Tuy nhiên, hiện mới có 6 BV (BV Đà Nẵng, BV C, BV Da liễu, BV 199, BV Bình Dân và BV Hoàn Mỹ) và 1 trung tâm y tế (huyện Hoà Vang) đã vận hành hệ thống xử lý nước thải với tổng lượng nước thải được xử lý khoảng 1.200m3/ngày đêm. 3 đơn vị khác đang trong giai đoạn hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải.
Đặc biệt, có đến 7 BV, 8 trung tâm y tế và 700 phòng khám chữa bệnh hoàn toàn chưa có hệ thống xử lý nước thải.
Việc xử lý rác thải, nếu có, hầu hết mới ở mức độ "thô". Trong khi 0,6 tấn rác nguy hại (trong 3 tấn rác thải y tế mỗi ngày) là mối nguy hiểm tiềm tàng cho sức khoẻ con người: chứa mầm bệnh truyền nhiễm, gồm các thành phần độc, tế bào nguy hiểm, chứa đồng vị phóng xạ; các vật sắc nhọn có thể gây tổn thương...
Hiện ở Đà Nẵng chỉ mới BV da liễu, BV C và BV 199 có lò đốt rác thải y tế, với công suất 150 - 200kg/ca/lò. Còn rác thải y tế từ các cơ sở y tế khác thì đều được tập trung tại khu trung chuyển bên trong BV để chờ Công ty Môi trường đô thị đến thu gom và xử lý chung rác rác thải sinh hoạt hàng ngày của TP tại bãi rác Khánh Sơn.
Tuy nhiên theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường Đà Nẵng thì: "Hầu hết các khu trung chuyển rác thải của các BV có điều kiện vệ sinh không đảm bảo, một số điểm tập trung rác thải y tế không có mái che, không có hàng rào bảo vệ... Chỉ có một số ít BV có nơi lưu giữ chất thải rắn đạt tiêu chuẩn quy định".
Chưa kể, trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng chưa có xe chuyên dùng để chở rác thải BV.
Còn tại bãi rác Khánh Sơn, tuy rác y tế đã được phân loại theo từng màu bao bì tuỳ thuộc tính chất độc hại, nhiều người vẫn đổ ra để... lấy bao nilon bán phế liệu.
Trung tâm y tế quận Hải Châu đã được mở rộng khu điều trị nhưng hệ thống xử lý nước thải thì vẫn còn chờ... thiết kế (Ảnh: HC) |
Quy trình ngược nguy hiểm
Lãnh đạo ngành y tế Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân chính của tình trạng xây BV theo... quy trình ngược.
BS Đoàn Võ Kim Ánh, Phó GĐ Sở Y tế Đà Nẵng phân tích: "Xây mới các BV, trung tâm y tế hầu như chỉ chú ý đến những đơn nguyên điều trị, còn phần xử lý nước thải, rác thải y tế thì lại ít quan tâm chú ý".
Tại Đà Nẵng, BV Lao và bệnh phổi, là BV có đặc thù rất dễ gây lây nhiễm, đã xây xong, nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải.
TT Y tế Q.Hải Châu cũng đưa vào sử dụng khu điều trị 5 tầng từ tháng 2/2006, nhưng hệ thống xử lý nước thải đi kèm đến giờ vẫn chưa xong.
Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, khi xây bệnh viện, trước tiên sẽ xây hệ thống nước thải, đảm bảo nước thải này khi ra hệ thống nước thải chung, không còn ô nhiễm. Rác thải cũng phải được quan tâm xử lý ngay từ khi đặt móng các bệnh viện, vì mục tiêu bảo vệ sức khoẻ con người.
-
Hải Châu