(VietNamNet) - Qua email, một người con đã gửi tin nhắn tới người mẹ đang mắc kẹt tại Lebanon lời "cầu mong mẹ cùng mọi người sớm về bình yên"
>>>Người Việt ở Lebanon: "Đang đếm từng ngày để trở về"!
>>>Danh sách cập nhật những người Việt chuẩn bị sơ tán
Ngay sau khi đọc bản danh sách 147 người Việt Nam đang mắc kẹt tại Lebanon, anh Nguyễn Văn Hiệp (23 tuổi) đã gửi email về VietNamNet: "Tôi có mẹ là Hoàng Thị Tuyết đang ở Lebanon. Hiện tại tôi rất lo lắng cho mẹ và mọi người bên đó. Xin quý báo biết được tin gì về mẹ tôi hãy cho tôi được biết..".
Một phụ nữ Pakistan được di tản khỏi Beirut vui mừng gặp lại người thân sau khi đặt chân xuốngsân bay Islamabad ngày 27/7. Ảnh: Reuters. |
VietNamNet đã có cuộc điện đàm ngắn với anh Hiệp chiều nay (27/7):
- Xin chào, có phải là số máy của anh Hiệp. Tôi gọi từ báo điện tử VietNamNet. Chúng tôi có nhận được email của anh muốn hỏi thông tin về bà Hoàng Thị Tuyết...
- Vâng. Tôi là Hiệp đây ạ. Tôi có đọc qua quý báo thấy có tên mẹ tôi là Hoàng Thị Tuyết. Tôi rất mong biết tin tức hiện nay của mẹ tôi bên đó. Hiện cả gia đình đang rất lo lắng, nhưng liên lạc qua điện thoại thì không gọi được.
- Cuộc điện đàm cuối cùng mà gia đình liên lạc được với bà Tuyết cách đây bao lâu rồi?
- Cũng đã mấy ngày rồi ạ. Do mẹ ở bên đó gọi về. Sau đó thì gọi qua thì không liên lạc được nữa, nên gia đình rất lo lắng, không biết tình hình cụ thể ra sao.
- Gia đình nhận được thông tin về bà Tuyết bằng cách nào?
- Đọc báo anh ạ. Hiện em đang ở TP. HCM nên có đọc được báo hằng ngày. Nhưng ở quê em ở Thái Bình thì không có điều kiện như vậy. Mà em gọi cho mẹ thì cũng không được. Lo quá...
- Những ngày này việc liên lạc giữa gia đình với mẹ như thế nào?
- Trước tới giờ thị mẹ em gọi về. Nhưng mấy hôm rồi không liên lạc được nữa, nên cả nhà rất lo. Em đọc báo biết mẹ đang ở trong vùng bị đánh bom... (tiếng Hiệp chùng hẳn lại).
- Mẹ anh đã sang Lebanon bao lâu rồi? Anh có biết mẹ sang Lebanon bằng con đường nào và làm gì bên đó không?
- Được 5 năm rồi anh ạ. Qua báo chí thì biết được mẹ làm giúp việc cho 1 ông cựu Bộ trưởng bên đó. Hồi trước mẹ em đi theo sự giới thiệu của 1 công ty môi giới, nhưng lâu quá rồi em cũng không nhớ được tên công ty đó nữa.
Mẹ em đi suốt từ hồi đó tới giờ, chưa có về thăm nhà được lần nào.
- Ở quê Hiệp có nhiều người sang Lebanon như vậy không? Chắc các gia đình cũng khó khăn lắm?
- Quê em ở Thái Bình. Gần nhà cũng có vài người đi như vậy. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn thôi ạ. Gia đình em làm ruộng, giờ chỉ còn bố ở nhà. Em đang học năm thứ 2 đại học tại TP.HCM, còn đứa em trai thì đang học nghề ở Hà Nội.
- Vậy điều cả nhà mong muốn nhất hiện nay là mẹ sớm về...?
- Chắc chắn rồi ạ. Em chỉ mong mẹ và mọi người bên đó bình an trở về. Chỉ còn biết cầu mong cho mẹ và mọi người về bình an thôi. Nếu quý báo có liên lạc được với mẹ em, cho em nhắn với mẹ là: "Chúng con cầu mong mẹ sớm bình an trở về. Cả nhà mong mẹ lắm".
Cuộc điện đàm cuối cùng VietNamNet nối được tới địa điểm chị Hoàng Thị Tuyết lưu trú lúc 23h ngày 26/7. Trả lời máy là một phụ nữ giúp việc người Philippines. Người phụ nữ này cho hay chị Tuyết đã rời nhà lúc xế trưa sang tá túc cùng một người bạn.
Rất có thể, hôm nay, bà Tuyết đã lên đường về Beirut để tập trung cùng những người Việt trước khi di tản.
Bà Hoàng Thị Tuyết năm nay 46 tuổi, quê ở Tiền Hải, Thái Bình. Bà là 1 trong số 3 phụ nữ người Việt được xác nhận còn vướng trong vùng bị đánh phá ở phía Nam Beirut (ngoài chị Xoa đã về được Beirut hôm qua (26/7)).
Trước khi sơ tán, chủ nhà nơi bà Tuyết làm việc đã mang theo toàn bộ hộ chiếu, giấy tờ tuỳ thân của chị. Đồng thời, toàn bộ số tiền lương và tiền dành dụm mà bà có (khoảng 2.300 USD) cũng bị gia chủ mang theo.
Cũng trong cuộc trao đổi với VietNamNet đêm qua, anh Hoàng Minh Trung (đầu mối thông tin của những người Việt Nam tại Lebanon) cho hay, anh đang nỗ lực đàm phán với chủ nhà mà bà Tuyết phục vụ để thoả thuận về việc trả lại tiền lương và giấy tờ tuỳ thân cho chị.
Hôm nay (27/7), Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập Trần Việt Tú đã có mặt tại Beirut để khớp danh sách, hỗ trợ những người Việt Nam mất giấy tờ được cấp mới nhanh chóng, đồng thời lên kế hoạch di tản.
Qua điện thoại, người con trai cả của bà Hoàng Thị Tuyết nghẹn lời: "Cả gia đình đang đếm từng giờ. Em rất mong sớm đón được mẹ trở về".
-
Hà Lam