221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
822130
Bài 1: Đòi đất - những chuyện cười ra nước mắt
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Bài 1: Đòi đất - những chuyện cười ra nước mắt
,

(VietNamNet) - Có những miếng đất người dân kiên trì đi “đòi” suốt 20-30 năm trời, nhiều lý do đòi đất tưởng như không có thực, chỉ có người đi đòi là thực mà người giải quyết thì nửa thực nửa không...

Soạn: AM 856289 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Con đường giải quyết khiếu nại về đất đai đang còn đầy bề bộn. (Ảnh: Trần Vũ)

Ở nhờ chùa chiếm luôn đất chùa!

Những người viết bài này đã dành nhiều thời gian đến Bộ TN&MT để tìm kiếm trong hàng ngàn đơn khiếu kiện của dân xem người dân hiện nay đang bức xúc điều gì về đất đai. Một trong những điểm nhìn thấy khá rõ: mảnh đất đã là tài sản của dân có được bằng mồ hôi, nước mắt và có khi cả máu nữa của mấy đời người trong gia đình, nay lại xa lạ với chính mình. Nhiều trường hợp mất đất là mất phương tiện kiếm sống cho cả nhà mà phải cắn răng vay mượn mà đi đòi lại nguồn sống. Nhiều trường hợp cũng đủ ăn nhưng mà uất ức nên cũng phải đi đòi cho hả cơn giận, nếu được giải thích an ủi của chính quyền thì cơn giận chắc cũng nguôi. Tất cả rất đa dạng, hơn nghìn trường hợp, chẳng trường hợp nào giống trường hợp nào ...

Bà Nguyễn Thị Kim Hai (73 lô 1, ấp 5, xã Mỹ Yên, Bến Lức, Long An) kể trong đơn khiếu nại: năm 1981, chính quyền xã Mỹ Yên mượn ngôi chùa tư nhân Khánh Vân và nhà mồ của ông Đinh Khánh Vân do hai ông bà Nguyễn Ngọc Tảo và Bùi Thị Khoe (ông Tảo là em ông Vân và là bác của bà Hai) trụ trì để làm trụ sở UBND và trạm y tế xã tạm thời (từ 1988-1990).

Trong thời gian 1988-1989, ông bà Tảo-Khoe cảm thông hoàn cảnh khó khăn túng thiếu của 3 cán bộ xã nên đã giúp cả 3 ông này được cất nhà tạm ở nhờ trên phần đất vườn của ông bà, việc cho họ ở tạm không nói thời hạn và không có giấy tờ gì. Đến năm 1990, khi ông bà Tảo-Khoe được UBND huyện Bến Lức cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) thì một trong 3 ông cán bộ ở nhờ lại được phụ trách đất đai của xã.

"Quan thì xa mà Bản nha thì gần", ông cán bộ phụ trách đất đai xã đã tận dụng quyền của "Bản nha" đã dùng thủ đoạn sửa đổi hồ sơ kê khai đăng ký, lén lút cắt bớt diện tích 2.050m2 đất vườn chùa Khánh Vân nhập vào diện tích đất đăng ký của gia đình mình giữ lại luôn không giao GCN cho ông bà Tảo-Khoe. Khi ông Tảo ốm nặng, "Bản nha" lại tiếp tục "làm méo" giấy thừa kế với nội dung phân chia toàn bộ đất đai của ông bà Tảo-Khoe.

Năm 1992, ông Tảo chết, cả 3 "Bản nha" ở nhờ trên đất chùa Khánh Vân đã ngang nhiên chặt cây trái trong vườn, lấn đất, lấp mương, xây nhà kiên cố cho thuê bất chấp sự phản đối của bà Khoe và con, cháu (trong đó có gia đình bà Hai). Bà Khoe liên tục khiếu nại đến các cấp chính quyền địa phương xã Mỹ Yên và khởi kiện ra tòa án nhân dân huyện Bến Lức. "Bản nha" phụ trách đất đai của xã cũng đã bị kiểm điểm và được chuyển công tác khác, không được phụ trách đất đai nữa. Tờ thừa kế bị "làm méo" đã được hủy bỏ và GCN cấp cho "Bản nha" đó cũng đã được thu hồi.

Như vậy, phần tranh chấp đất chùa tư nhân Khánh Vân với cá nhân các "Bản nha" của xã đã xong, nhưng gia đình các con, cháu ông bà Tảo-Khoe đang tiếp tục khiếu nại để đòi lại đất này mà UBND xã đã mượn để làm trụ sở và trạm y tế.

Năm 1997, UBND tỉnh Long An có quyết định (số 940/QĐUB ngày 26/4/1997) công nhận quyền lợi hợp pháp của bà Khoe đối với diện tích chùa Khánh Vân. Sau khi bà Khoe mất, theo di chúc hợp pháp của bà, UBND tỉnh Long An cũng có quyết định (số 3590/QĐUB ngày 5/12/1997) giao vợ chồng bà Hai tiếp tục sử dụng diện tích đất nói trên.

Câu chuyện chẳng tưởng như có hậu bỗng trở nên "chéo ngoe" khi chính quyền huyện Bến Lức và xã Mỹ Yên không thực hiện các Quyết định của UBND tỉnh Long An trong suốt 5 năm (1997-2002), không lập thủ tục cấp GCN cho gia đình bà Hai, đồng thời để cho các "Bản nha" ở xã tiếp tục lấn chiếm, thay đổi hiện trạng đất. Rồi tháng 6/2002, UBND tỉnh Long An lại ra quyết định (số 2065/QĐUB) phủ nhận quá trình xem xét của toà án, các cấp chính quyền trước đó và còn công nhận quyền lợi của các "Bản nha" ở xã.

Một mối quan hệ về đất đai mang tính phức tạp của lịch sử, theo Luật Đất đai năm 1993 thì khó xử lý để trả lại đất cũ nhưng UBND tỉnh đã xử lý vấn đề rất nhân bản để trả lại; theo Luật Đất đai năm 2003 thì trường hợp đất chùa tư nhân Khánh Vân thuộc diện cần được xem xét để trả lại thì UBND tỉnh lại phủ quyết các Quyết định cũ cùng cấp mà xử lý theo tinh thần pháp luật về đất đai chưa đổi mới.

Gia đình bà Hai vẫn đang khẩn thiết kêu cứu sự công bằng...

Đất hiến để xây dựng nghĩa trang bị chia cho người khác!

Một trường hợp đòi đất nghĩa trang của ông Ngô Minh Châu (đội 1, thôn Phước Hòa, xã Phước Bình, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước) cũng rơi vào tình cảnh... hiến vào chỗ này lại nhảy vào tay chỗ khác!

Ông Châu khiếu nại, năm 1978 vợ chồng ông khai hoang 3,5 ha diện tích đất là đồn bốt, bờ rào ấp chiến lược của lính ngụy trước đây để lại, bất chấp nguy hiểm tháo gỡ hàng rào thép gai với từng trái mìn, lựu đạn... Trong lúc họp dân, ông cũng khai báo ở chính quyền địa phương xã Phước Bình cũ, chính quyền xã không có ý kiến.

Năm 1982, xã Phước Bình động viên gia đình ông Châu hiến đất làm nghĩa trang cho toàn dân. Ông Châu “ra” điều kiện là hiến đất làm nơi công cộng, nhất là làm nghĩa trang cho toàn dân thì đồng ý, không được sử dụng riêng cho mục đích cá nhân và ông đã hiến đất đó để làm nghĩa trang. 

Chỉ 5 năm sau (1987), UBND xã lấy phần đất 2.500m2 ông Châu đã hiến để làm nghĩa trang cấp cho bà Trâm và 12 năm sau (Năm 1994), UBND xã Phước Bình lại lấy đất ông Châu hiến để làm nghĩa trang ra xây trụ sở UBND và trường THCS Lý Tự Trọng. Đối với phần đất nghĩa trang còn lại ông Châu đã hiến, UBND xã đã thông báo trục di chuyển mồ mả để đấu thầu làm chợ nhưng không được tỉnh duyệt, UBND xã trả lời để làm khu dân cư. Khúc mắc bắt đầu nảy sinh từ đây.

Theo ông Châu, ông sẵn sàng hy sinh, cống hiến công sức, mồ hôi của gia đình ông khi khai phá mảnh đất cho mục đích sử dụng chung của mọi người, không được sử dụng cho mục đích riêng của cá nhân nào khác. Nay đất đó được giao cho bà Trâm và UBND huyện cũng cấp cả GCNQSDĐ cho người không bỏ chút công sức nào khai phá. Ông đòi lại phần đất mà chính quyền đã giao cho người khác không mất một giọt mồ hôi nào mà được hưởng thành quả lao động trên mảnh đất đó trong khi gia đình ông đang lâm vào nghèo đói, con ông bị ảnh hưởng chất độc da cam, bản thân ông là thương binh 2/4 mất 72% sức khỏe.

''Đất không làm nghĩa trang thì phải trả lại cho gia đình tôi!''- ông Châu khẩn thiết.

Khúc mắc từ ''nhường cơm sẻ... đất” 

Trong đơn khiếu nại gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) mới đây, ông Đinh Văn Chúc, sinh năm 1936 (ấp Việt Hùng, xã Long Hòa, thị xã Gò Công, Tiền Giang) nêu: "Năm 1960, cha vợ tôi là Lê Văn Hân để cho tôi sử dụng 1ha70 sào đất ruộng. Năm 1977, tôi nhường cơm xẻ áo cho các gia đình cán bộ phụ nữ hết 20 sào theo chỉ đạo của ông chủ tịch xã Phước Trung, phần còn lại gia đình tôi canh tác đến năm 1984.

''Năm 1985, hợp tác xã lấy hết đất khiến gia đình tôi trắng tay, sau đó cấp lại cho mỗi nơi một ít, gom lại được 49 sào. Không tiện canh tác, tôi khiếu nại xin lại đất gốc nhưng không được giải quyết. Năm 1988, HTX giải thể và trả lại toàn bộ cho tôi''- ông Chúc viết trong đơn.

Cuối năm 1989, sợ bị lấn hết diện tích đất, ông Chúc sang lại cho người khác 1,1ha đất, hiện gia đình ông đang đòi lại 4.000m2 mà theo ông đã được xã chia cho 9 hộ khác sử dụng. Ông Chúc bức xúc: “Gia đình chúng tôi có 10 nhân khẩu phải tha phương cầu thực, cuộc sống hết sức cùng cực bởi vì đất ruộng của chúng tôi là tài sản duy nhất của gia đình tôi đã bị cán bộ xã lấy…”.

Cũng tại Tiền Giang, bà Nguyễn Thị Hà sinh năm 1943 (ấp Thọ Khương, xã Bình Phú, huyện Gò Công Tây) trình bày: năm 1964 bà Hà và chị gái tên Trần Thị Kiến được chính quyền cách mạng nhường cơm xẻ áo cho 80 sào ruộng, hai chị em bà canh tác 80 sào ruộng có đóng thuế cho cách mạng được ông bí thư xã Bình Phúc Phạm Phước Phèn xác nhận.

Nhưng năm 1977, chính quyền xã Bình Phú lấy hết 80 sào ruộng của 2 chị em bà Hà giao cho du kích xã làm. Năm 1982, du kích không làm nữa thì ông Nguyễn Văn Giỏi tài chính xã Bình Phú đã lấy 80 sào ruộng này giao cho con trai ông là Nguyễn Văn Ơi làm cho đến nay trong lúc gia đình ông Ơi đã có ruộng rồi.

Khi bị mất ruộng gia đình tôi có 18 nhân khẩu, không còn ruộng để sản xuất phải chịu cảnh đói nghèo”- bà Hà bức xúc.

Nhận định về các vụ đòi lại đất cũ, Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ cho rằng: đòi lại đất cũ là một phạm vi rất nhạy cảm, càng nhạy cảm hơn khi đất đai là đối tượng được tham gia thị trường bất động sản. Vài năm trước đây, tỷ lệ trường hợp đòi lại đất cũ chiếm khoảng 45% số lượng đơn thư, tỷ lệ trường hợp khiếu nại về bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) chiếm 45% số lượng đơn thư.

Đến nay, tỷ lệ đòi lại đất cũ chỉ còn 8,6% số lượng đơn thư, tỷ lệ khiếu nại về bồi thường, GPMB tăng tới 70,6% số lượng đơn thư. Tỷ lệ đòi lại đất cũ giảm đi nhiều là do khá nhiều trường hợp đã được giải quyết nhưng lý do chính là do số trường hợp khiếu nại về bồi thường GPMB tăng lên quá cao.

Các trường hợp đòi lại đất cũ tuy đa dạng nhưng hiện nay tập trung chủ yếu vào 5 dạng sau:

một là, đất nông nghiệp thuộc các tỉnh phía Nam tham gia phong trào nhường cơm - xẻ áo, tham gia tập đoàn sản xuất nhưng sau đó người được nhường đất không sử dụng nữa nên chính quyền địa phương giao cho người khác không đúng đối tượng cần được nhường.

Hai là, đòi lại đất đã cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân mượn, ở nhờ, nhờ trông nom, thuê nay người đang sử dụng không chịu trả lại.

Ba là, đất thuộc các tỉnh phía Nam mà trước đây chính quyền cũ đã thuê, mượn, trưng dụng của dân nhưng Ta đã xử lý như đất của chính quyền cũ nên giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng.

Bốn là, đất vắng chủ có lý do, có cả lý do đặc biệt là chủ nhà để lại ruộng vườn đi lên chiến khu tham gia cách mạng, nhưng bị cơ quan nhà nước quản lý giao cho người khác như vắng chủ không có lý do chính đáng.

Năm là, đòi lại đất có sai, sót trong thực hiện các chính sách đất đai trong lịch sử.

  • Kiều Minh - Quý Nhân

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,