(VietNamNet)- Trong bài trước, người viết mới chỉ nhắc đến các trường hợp đòi lại đất cũ dẫn đến khiếu nại tố cáo đã cho thấy sự rắc rối và phức tạp của sự việc, cũng như sự quá tải của lượng khiếu kiện tố cáo đất đai ngày càng chồng chất.
Bài 1: Đòi đất - những chuyện cười ra nước mắt
Tổng số trường hợp khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai trên cả nước đến nay khoảng 18.000 trường hợp. Điều quan trọng, còn tới 83,4% trường hợp chưa được giải quyết...
|
Khiếu kiện là... lẽ đương nhiên!
Trong một cuộc trò chuyện về khiếu kiện đất đai mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ nói, chính sách đất đai là một lĩnh vực có nhiều đổi thay nhất. Kể từ năm 1953 đất đai nước ta đã có tới 5 lần biến động lớn ở mức "vật đổi, sao dời". Mỗi lần biến động đều tạo nên thay đổi lớn đối với toàn xã hội và đảo lộn đời sống của nhiều gia đình, có đảo lộn là được, có đảo lộn là mất.
Như vậy, Thứ trưởng Võ cho rằng, trong thực thi chính sách của mỗi lần biến động không tránh khỏi sự thiếu phù hợp thực tế của một số quy định và càng không tránh khỏi yếu tố chủ quan khi thực thi chính sách của chính quyền các cấp tạo nên sai và sót. Sự thiếu phù hợp, những sai và sót ấy cũng tạo nên cái được và cái mất riêng lẻ trong nhiều gia đình mà vẫn được nhìn dưới lăng kính của sự thiếu công bằng giữa trường hợp này với trường hợp khác.
Một lịch sử về đất đai có bề dày như vậy, một đòi hỏi công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước quyết liệt như vậy và việc còn những khiếm khuyết trong quản lý như vậy làm phát sinh khiếu kiện về đất đai ngày càng nhiều là lẽ đương nhiên!- Thứ trưởng Võ nhấn mạnh.
Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tính đến hết năm 2005, tổng số trường hợp khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai trên cả nước là gần 18.000 trường hợp. Các nội dung khiếu kiện bao gồm: 70,6% là khiếu nại về bồi thường, giải phóng mặt bằng; 10,0% là tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; 8,6% là tranh chấp đất đai; 6,8% là đòi lại đất cũ; 4,0% là những trường hợp khác.
Điều quan trọng là còn tới 83,4% số trường hợp chưa được giải quyết hoặc mới có quyết định giải quyết lần đầu. Luật Đất đai năm 2003 đã hướng tới chuyển hầu hết việc giải quyết sang toà án nhân dân (TAND) nhưng mới chỉ có chưa đầy 3% số trường hợp đang do TAND thụ lý.
Khoảng 10 năm trước đây, cơ cấu theo tính chất của khiếu kiện thì khoảng 40% số trường hợp là đòi lại đất cũ, 40% số trường hợp là khiếu nại về bồi thường, giải phóng mặt bằng, 10% là tranh chấp đất đai, 5% là tố cáo các vi phạm pháp luật về đất đai và 5% là các trường hợp khác. |
Bất cập từ chính sách đến thực thi...
Nguyên nhân dẫn đến khiếu nại tố cáo quan trọng nhất hiện nay là việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất còn nhiều bất cập, nhiều bất cập từ chính sách trong lịch sử và cả chính sách hiện tại, nhiều bất cập trong thực thi pháp luật ở địa phương.
Trong số các trường hợp khiếu kiện nêu trên có tới 70% là khiếu nại về giá đất tính bồi thường thấp so với giá thị trường; 20% là khiếu nại đòi bồi thường thêm theo giá đất mới, 6% là khiếu nại đòi bồi thường đối với đất mà Nhà nước đã thu hồi trước đây nhưng không bồi thường; 3% là khiếu nại về chưa thực hiện tái định cư và 1% là khiếu nại về sự thiếu công bằng trong áp dụng chính sách giữa các trường hợp giống nhau.
Các hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ quản lý, cơ quan quản lý, tham nhũng trong quản lý là nguyên nhân chính của các tố cáo về đất đai. Theo khiếu kiện tố cáo thì các hành vi chủ yếu là cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao chiếm ruộng đất, chia chác đất đai trong các chương trình, dự án của Nhà nước (chương trình trồng rừng, dự án mở rộng khu dân cư nông thôn, dự án bố trí nhà tái định cư);
Việc các cán bộ cửa quyền, nhũng nhiễu trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tố cáo đất đai. Các hành vi này được thể hiện trong giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ), thực hiện các giao dịch về đất đai; giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền, không đúng đối tượng, không đúng quy hoạch, thu hồi đất rộng hơn nhu cầu dự án, thu hồi đất không theo dự án; gian lận trong lập phương án bồi thường và thực hiện bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; điều chỉnh phương án quy hoạch xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn không phù hợp nhu cầu điều chỉnh gây xáo trộn trong đời sống nhân dân.
Song song với nguyên nhân trên, những tranh chấp về quyền sử dụng đất cũng là một nguyên nhân chính khi hệ thống hồ sơ địa chính, bản đồ địa chính, GCN QSDĐ chưa hoàn tất.
Từ đó dẫn đến tranh chấp đất đai tập trung vào các nội dung: tranh chấp đất hương hỏa, dòng tộc, đất thừa kế giữa những thành viên của gia tộc, gia đình có cùng quyền lợi; tranh chấp đất nông nghiệp giữa người địa phương với dân di cư, giữa dân địa phương với nông, lâm trường, giữa dân địa phương với đơn vị quốc phòng; tranh chấp về ranh giới thửa đất, ranh giới đất công cộng.
Trong số những đơn thư khiếu nại tố cáo gửi đến Bộ TN&MT cho thấy, việc đòi lại đất cũ mặc dù đã giảm nhưng vẫn tiếp tục là một nguyên nhân chính của khiếu nại. Hiện tượng này tập trung vào việc đòi lại đất trước đây đã đưa vào hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, thực hiện chính sách ''nhường cơm - sẻ áo'' nhưng sau đó được giao cho người khác sử dụng (chiếm khoảng 90%); đòi lại đất cho người khác thuê, mượn để sản xuất, để ở, nhờ người trông coi nhưng nay không trả lại; đòi lại đất do chính quyền của chế độ cũ trưng thu, mượn để sử dụng mà sau giải phóng Nhà nước tiếp quản lý hoặc đã giao cho người khác sử dụng; đòi lại đất mà các cơ sở tôn giáo đã hiến tặng, cho mượn hoặc chính quyền đã giao sử dụng vào các mục đích khác; đòi lại đất đã được xử lý giao cho người khác như đất vắng chủ mà chủ cũ đi sơ tán chiến tranh, tham gia kháng chiến, đi nước ngoài nhưng nay trở về; đòi lại đất có nhà ở thuộc diện có sai hoặc sót trong quá trình cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh.
Theo lãnh đạo Bộ TN&MT, các đơn thư khiếu kiện cũ chưa giải quyết xong thì hàng loạt đơn thư khiếu kiện mới đã đến. Các vụ việc chồng chất làm người dân rất bức xúc và chính quyền cũng bức xúc. Vì quá bức xúc nên giải pháp đã nhiều lúc đã trở nên lòng vòng, thiếu hiệu quả.
Như hiện nay thì không biết đến bao giờ có thể làm giảm đi được tình trạng khiếu kiện tăng lên cả về số lượng lẫn mức độ. Người dân không biết khiếu kiện của mình bao giờ được giải quyết, chính quyền cũng không biết làm thế nào để giải quyết trong tình trạng quá tải bây giờ, tất cả không biết sẽ đi về đâu nếu không có những giải pháp đổi mới mang tính quyết định.
Một trăm lẻ một nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện
Cũng vẫn theo Thứ trưởng Đặng Hùng Võ, nguyên nhân thứ nhất là hệ thống pháp luật về khiếu nại, tố cáo thiếu đồng bộ và chưa hoàn chỉnh. Mặc dù Luật Khiếu nại, tố cáo cũng như Luật Đất đai đã sửa đổi nhiều lần nhưng đến nay 2 Luật vẫn không thống nhất về nội dung giải quyết khiếu nại. Ví dụ, Luật Khiếu nại, tố cáo không có quyết định hành chính giải quyết cuối cùng mà mọi khiếu nại đều được khởi kiện ra TAND; trong khi đó Luật Đất đai lại có quyết định hành chính giải quyết cuối cùng mà sau đó không được khởi kiện ra TAND.
Thứ nữa, một số khái niệm cần thiết lại chưa được hướng dẫn cụ thể. Ví dụ, một người có quyết định hành chính của cơ quan có thẩm quyền giao cho nhà ở thuộc diện nhà vắng chủ, sau nhiều năm nay chủ cũ về và muốn đòi lại nhà; trường hợp này là khiếu nại quyết định hành chính giao nhà trước đây hay tranh chấp nhà ở giữa chủ cũ và chủ hiện tại.
Cho đến nay, vẫn chưa có một hướng dẫn cụ thể về mối quan hệ trong giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa cơ quan hành chính và TAND, giữa Bộ quản lý chuyên ngành và Thanh tra chính phủ. Khá nhiều trường hợp người dân phải cầm đơn chạy đi, chạy lại nhiều lần giữa TAND và UBND nhưng không được ai tiếp nhận.
Nguyên nhân thứ hai, việc quản lý đất đai làm chưa tốt. Việc thực thi pháp luật về đất đai còn nhiều bất cập, quy hoạch sử dụng đất chưa đủ và chất lượng quy hoạch chưa cao, hệ thống tài chính về đất đai còn nhiều khiếm khuyết, bộ máy hành chính trong quản lý đất đai chưa phục vụ tốt nhân dân. Tham nhũng trong quản lý đất đai, lãng phí trong sử dụng đất đai đã giảm nhưng vẫn còn nhiều. Quản lý đất đai chưa tốt tất sinh khiếu kiện về đất đai.
Nguyên nhân thứ ba, áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu kiện của UBND và TAND các cấp chưa đáp ứng yêu cầu của dân. Trước hết là trình tự, thủ tục chưa theo đúng quy định, vượt quá thời gian quy định của pháp luật, người giải quyết chưa có đủ tận tâm. Thứ nữa, còn một số không ít trường hợp quyết định giải quyết cuối cùng của UBND hoặc bản án của TAND không phù hợp pháp luật. Người dân biết là giải quyết chưa đúng nhưng không biết đi đâu nữa để tìm cho ra chân lý. Đến nay người dân mọi nơi đề có suy nghĩ thiếu tin tưởng vào các cơ quan có thẩm quyền của địa phương, muốn hướng tới một quyết định khách quan của cơ quan ở Trung ương.
Nguyên nhân thứ tư, nhận thức pháp luật của người dân còn thấp nhưng Nhà nước chưa hỗ trợ đủ để nâng cao nhận thức này. Bộ máy hành chính chưa làm tốt công tác tiếp dân, chưa kết hợp tiếp dân với hướng dẫn pháp luật cho dân, "đường dây nóng" có trách nhiệm tiếp nhận phát hiện, kiến nghị của dân nhưng chưa giải thích chu đáo khi phát hiện, kiến nghị đó chưa đúng. Chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Chính phủ đã triển khai nhưng chưa đủ mạnh để chuyển tải những nội dung cần thiết đến người dân.
Chính Thứ trưởng Đặng Hùng Võ- một trong những vị lãnh đạo đầu ngành về đất đai cũng phải thốt lên: ''Con đường giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của dân về đất đai còn đầy bề bộn. Tâm của dân chưa yên thì niềm tin cũng khó mà bền chặt''.
Bài 3: Tranh chấp đất- bài toán rối từ giả thiết đến kết luận!
-
Kiều Minh - Quý Nhân