(VietNamNet) - Sau 4 năm PV VietNamNet trở lại, bộ mặt trung tâm cơn lũ 2002 Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã thay đổi. Nhưng những nỗi đau bên sông Ngàn Phố có thể đã ''lành da'', nếu lòng nhân ái của đồng bào cả nước dành cho Hương Sơn không bị xà xẻo…
4 năm sau, sông Ngàn Phố vẫn vậy. Nhưng người dân Hương Sơn và Hà Tĩnh lại nói nhiều về chuyện lũ quét đã trôi qua. Hai từ ''cứu trợ'' trước đây được nhắc đến trân trọng. Hai từ ''cứu trợ'' bây giờ đang khoét sâu vào nỗi buồn…
Cận kề bất hạnh ngày... cận giỗ
Lần trở lại Hương Sơn này, chúng tôi đã xin lỗi những gia đình có người chết trong trận lũ 2002 trước khi đề cập đến chuyện "ăn chặn" tiền cứu trợ đang là vấn đề thời sự ở đây. Bởi vì, lần giỗ thứ 4 sắp đến với những gia đình có người thân thiệt mạng trong cơn lũ quét lịch sử ở mảnh đất này, mà phóng viên lại nhắc đến, nhắc kỹ về những con người bất hạnh đã ra đi, đã hoà vào sông nước, đất trời Hương Sơn…
Nhưng chúng tôi về Hương Sơn lần này vì những người còn sống.
Người dân Sơn Kim không lạ lẫm khi chúng tôi hỏi đường vào nhà bà Cù Thị Bé. Họ bảo đến nhà bà ấy mà chứng kiến nỗi khổ ngập ngụa. Ngôi nhà bất hạnh của bà Cù Thị Bé nằm trên một quả đồi thuộc Đội 9, xã Sơn Kim. Cơn mưa và bóng tối của núi rừng trùm lên căn nhà vốn đã u ám, lạnh lẽo từ ngày 14/8/2002 (âm lịch), khi tai hoạ ập xuống. Chồng bà Bé cùng 4 người nữa đã bị một quả núi trên đường 8 vùi lấp trong đợt lũ.
5h chiều mà căn nhà tối thui. Bếp lửa lạnh tanh. Con chó gầy guộc bị đói sủa ăng ẳng trước khách lạ. Trên bàn thờ, tấm ảnh ông Lương Văn May nhoè trong bóng chiều chập choạng, nhìn hắt ra đường số 8, nơi mà ông cùng 4 người nữa cùng xã là nạn nhân của cơn đại hồng thuỷ.
Nghe tiếng gọi, bà Bé vén màn, xiêu vẹo bước ra gian ngoài. Bà bị ốm mấy ngày nay. Hàng xóm bảo, từ ngày ông May ra đi, bà không ốm mới lạ. Khi ông May chưa mất, bà đã ốm triền miên. Từ lúc ông may bị đất đá vùi xuống đường 8, bà gục hẳn về sức khoẻ và tinh thần.
Rồi câu chuyện về cứu trợ ở Hương Sơn đưa bà trở lại nỗi đau mất chồng 4 năm về trước... "Đợt nớ trời mưa to lắm. Mưa ngày mưa đêm. Ông nớ được Hạt giao thông gọi đi san đường lên Cầu Treo bị sạt do mưa lũ. Tui và con can ngăn kiểu gì cũng nỏ được. Ngày thường chỉ có 20.000 ngàn/ngày công, bữa nớ mùa lũ, mưa to nên họ trả 60.000/ngày. Ông nớ bảo làm gì ra 60 ngàn, không đi là phí, mưa thì mưa...''.
Nắng, mưa, lũ, lụt đối với người nông dân chân lấm tay bùn là chuyện bình thường, miễn là kiếm được tiền. Suy nghĩ đơn giản của người nghèo đưa người cựu chiến binh già nua, tiều tụy lao vào mưa gió kiếm 60 ngàn. Ông May bảo với vợ, số tiền ít ỏi này để dành về quê, mãi tận Thái Nguyên. Nhưng rồi ông không có cơ hội về thăm quê nữa.
Bà Bé nói rằng bà chỉ là người dân nghèo, cho sao nhận vậy, làm sao dám so bè, đòi hỏi. Ảnh: Thế Vinh |
Ông Lương Văn May cùng với 4 người nữa bị núi lở trùm lên. Nhưng bà Bé không còn khóc được nữa. Ông không phải là người đầu tiên trong gia đình ra đi. Trước đó, ông đi bộ đội và dính chất độc da cam. Lấy nhau, bà Bé sinh 3 đứa con đầu đều không nuôi được. Không thể sống đến cuối đời với 2 thân già héo hắt tựa vào nhau, ông bà quyết định sinh thêm, mặc bảo người khuyên can. Từ khi đứa con thứ 3 mất, 18 năm sau, đã 42 tuổi bà lại sinh. Ông trời thương, cô con gái Lương Thị Thiện ra đời hoàn hảo, xinh xắn như bù đắp lại những bất hạnh đã trôi qua dưới mái nhà nhỏ.
Bà khóc. ''Từ ngày ông ý đi, còn hai mẹ con nỏ làm được chi...''. Ngày ông May mất, trong nhà không có tủ để lập bàn thờ, em ruột ông từ Thái Nguyên vào thương anh chị đã mua tủ, lấy nơi đặt ảnh và bát nhang anh cho tử tế. Thêm cái tivi Hạt giao thông (nơi thuê ông May đi làm hôm bị nạn) mua tặng và người thân cho vài thứ khác, căn nhà đỡ chống chếnh hơn.
Ngày ông May mất, Hạt giao thông đưa bà 3 triệu mai táng ông, sau đó tặng cháu Thiện 1 sổ tiết kiệm 10 triệu đồng để học hành, các tổ chức từ thiện về cho thêm ít nhiều nữa, bà Bé không nhớ được. Còn UBND huyện Hương Sơn đưa qua xã cho gia đình 6 triệu đồng. ''Chỉ có hàng xóm láng giềng tới thăm, nỏ thấy cán bộ huyện mô...''.
Chúng tôi lại đề cập đến chuyện tiền cứu trợ năm đó, bà Bé chỉ bảo mình là người dân, lại trong lúc tang gia như thế họ đưa được bao nhiêu thì biết bấy nhiêu, làm sao dám so bè, đòi hỏi... Rồi trong suốt câu chuyện còn lại, bà không nhắc đến chuyện tiền nữa. Chúng tôi cũng vậy, sợ làm bà thêm buồn.
Trước khi ra về, chúng tôi xin phép được thắp nhang cho linh hồn ông May. Bà Bé bảo nhà không còn que nhang nào, bà ốm không đi mua được. Hôm đó là ngày 1/8 âm lịch, còn 13 ngày nữa là đến ngày giỗ ông May...
''Bay tôi dân đen, kêu răng cho thấu!''
Những người dân nghèo ở Hương Sơn vẫn chờ đợi câu trả lời rõ ràng, kiên quyết xử lý các sai phạm trong việc sử dụng tiền cứu trợ nhân đạo, từ phía các cơ quan chức năng. Ảnh: Thế Vinh |
Chúng tôi tới nhà Đặng Văn Giáp, cháu ngoại bà Đặng Thị Viêng (xã Sơn Kim - Hương Sơn), một người dân bị lũ cuốn trôi trong đợt lũ năm 2002.
Giáp kể... Khi đó gia đình anh có một trang trại chăn nuôi và trồng trọt tại khu vực Nước Sốt. Thỉnh thoảng, bà Đặng Thị Viêng (92 tuổi) vẫn ra trang trại chơi và ở lại. Tai hoạ ập xuống gia đình khi lũ về chỉ có mình bà ở nhà. Nước đổ về, 6 người hàng xóm khoẻ mạnh chạy được, mình bà Viêng chỉ còn biết ôm lấy cột nhà. Nước cứ chảy, cát và đá chảy theo bồi đền đầu gối. Và khi không chịu được sức mạnh từ thiên tai, bà chết trong tư thế ngã, hai chân vẫn còn bị cát, đá chôn chặt...
Là gia đình nạn nhân lũ quét, gia đình Giáp nhận được vẻn vẻn 3 triệu từ huyện Hương Sơn cùng mì tôm, gạo. Các cá nhân, tập thể về trao trực tiếp 4 triệu đồng. Đặng Văn Giáp bảo, ngày đó gia đình có người bị nạn, ai hỗ trợ gì nhận nấy, tâm trạng đâu mà lo chuyện ít nhiều.
Thế nhưng chỉ ngay sau các đợt cứu trợ về Hương Sơn, người dân đã râm ran chuyện cùng một hoàn cảnh như nhau mà người này được nhiều hơn người kia. Bà con dị nghị, nhà nào thân với cán bộ xã, huyện thì được nhiều hơn hoặc là nghe nói tiền nhiều, nhưng chẳng thấy đâu!
''Bầy tui dân đen, có kêu làm sao thấu được!'' - Giáp và mấy người hàng xóm cùng nói một câu chua chát, nhưng là sự thực trong chuyện chia tiền cứu trợ ở Hương Sơn. Cơn lũ không chỉ làm gia đình Giáp mất người, cả trang trại gần trăm triệu đồng cũng bị cuốn trôi. Nhưng vẻn vẻn anh chỉ nhận được 7 triệu đồng, không có một sự trợ giúp nào từ địa phương để ổn định lại sản xuất.
Rồi Đặng Văn Giáp hoài nghi: ''Sau đận đó, mỗi lần ở đâu có lũ lụt, địa phương kêu gọi đóng góp ủng hộ tôi đều đóng. Nhưng liệu tiền của chúng tôi có đến được tay người cần nhận không?''.
Đợt lũ 2002, hàng chục người dân huyện Hương Sơn mất mạng trong cơn cuồng nộ của núi rừng, trong đó, thiệt hại nặng nhất là Sơn Kim. Toàn xã bị ngập sâu trong bùn đất. Trường học, trạm xá bị bùn đóng cửa. Lũ cào qua nghĩa trang xã, bốc cả những nấm mồ nằm sâu dưới lòng đất lên, cuốn theo dòng nước dữ. Những ngày đó, hàng chục người ngày ngày men theo bờ suối, gào khóc lần tìm xác người thân.
5 ngôi mộ trắng nằm dàn hàng ngang ngay bên đường đèo. Hàng vạn tấn đất đá vùi mất 5 công nhân đi làm đường trở về giữa cơn mưa rừng khủng khiếp. Những công nhân khi khôi phục tuyến đường này đã dựng lên 5 bia mộ để nhắc những người đi qua nhớ đến bi kịch khủng khiếp của thiên nhiên. 5 nấm mộ trắng im lìm giữa rừng núi âm u, thê thảm nhắc người qua đường nhớ cái chết oan nghiệt của họ. Chắc chắn, họ không thể ngờ được, những sẻ chia của đồng bào cả nước cho Hương Sơn và cho chính những người thân của mình đã bị "xà xẻo" như thế nào?
Bà Bé tiễn chân phóng viên với sự im lặng như một câu hỏi rõ ràng mà người dân Hương Sơn đang chờ đợi: Sai phạm trong việc dùng tiền cứu trợ lũ quét sẽ được xử lý ra sao? Ảnh: Thế Vinh |
Một gia đình ở khu vực Đại Kim có 4 người con, cha vừa mất 2 năm trước, chưa kịp đoạn tang thì mẹ bị núi lở vùi mất xác khi đang vượt đèo trở về. Chị tên Trần Thị Hương (1966), người xã Sơn Kim. Những tiếng khóc trẻ thơ nghẹn lời bên dòng Ngàn Phố vừa dịu dàng, vừa hung dữ.
4 đứa trẻ dìu nhau lớn lên, dựa vào tình thương của người thân và những tấm lòng hảo tâm xa gần. Đưa con đầu Hồ Quốc Anh năm nay đã 21 tuổi, được nhận vào làm tại Cty taxi Mai Linh - Tp.HCM. Gần 50 triệu đồng cứu trợ của các tấm lòng gần xa được lập sổ tiết kiệm gửi ngân hàng, lấy tiền lãi nuôi các cháu lớn lên.
Sau ngày mất mẹ, Linh bị sốc, lảm nhảm đòi mẹ suốt ngày, hơn 1 tháng trời nằm tại bệnh viện Hà Tĩnh. Sức học từ đó cũng sút đi nhiều. 4 năm mồ côi, nhờ những tấm lòng gần xa, các cháu bây giờ cũng đang yên tâm học hành, nguôi ngoai dần nỗi đau lớn.
"Các cháu ăn uống tiết kiệm lắm, nỏ tốn kém chi nhiều. Có bữa nhìn mâm cơm toàn rau trong vườn, tui cứ ứa nước mắt chú ạ" - một người thân của các cháu. "Kinh tế thì nhờ tiền tiết kiệm, bà con làng xóm, o chú giúp đỡ nên nỏ thiếu lắm. Chỉ có điều, chúng nó cứ lủi thủi suốt ngày, nhìn tội lắm".
Thêm nữa, người dân kể trong cơn lũ 2002, có trường hợp thương tâm khác ở Hương Sơn, ông bố bị lũ cuốn trôi để lại vợ và 4 đứa con dại. Như bao người dân xấu số khác, anh chết trong lúc sinh nhai. Nhà không còn gì ăn, anh ra suối đánh cá và bị lũ cuốn trôi. Sống bên sông Ngàn Phố, anh chết vì lũ sông Ngàn Phố… Nhưng rồi, bà con bảo phần cứu trợ cho gia đình anh, ngoài mì tôm và gạo, số tiền chẳng được bao nhiêu nhưng phận đàn bà, trẻ nhỏ chẳng biết kêu ai, hỏi ai...
* * *
Khi chúng tôi đang ngồi viết những dòng này tại mảnh đất nghèo Hà Tĩnh, những cơn mưa như trút báo hiệu cơn bão số 5 sắp tràn vào miền Trung. Người dân Hà Tĩnh lại đang có một cơn ''bão lòng'' trước thông tin tiền của và tấm lòng của người dân cả nước dành cho cơn đại hồng thuỷ 2002 tại đây bị xà xẻo.
''Tại răng lại đục khoét vào nỗi đau của họ rứa?'' - Rất nhiều người dân Hà Tĩnh đặt ra câu hỏi, và trăn trở: ''Nói dại, bây chừ bão số 5 mà đổ về Hà Tĩnh, ai dám thương mình nữa hề?''.
-
Thế Vinh - Hà Trường - Chi Mai
Kỳ II: ''Ăn chặn'' cả lòng nhân ái...