(VietNamNet) - Về Hương Sơn (Hà Tĩnh) vào thời điểm này, được nghe nhiều người dân bức xúc: "Nghe nói tiền ủng hộ được nhiều lắm nhưng họ ăn đi hết, có thấy mô?''. Với tiền cứu trợ dành cho lũ lụt, đó không chỉ là tiền, mà còn là lòng nhân ái. Nhưng lòng nhân ái cũng bị ''ăn chặn''...
''Họ ăn hết !?''
Biết PV VietNamNet về Hương Sơn, nhiều người dân lôi ra các tập photo những bài báo viết về chuyện ''ăn chặn'' tiền cứu trợ ở đây. Hương Sơn xôn xao như từng xôn xao khi cơn lũ tràn về tháng 9/2002.
Chúng tôi đến làng Tròn (xã Sơn Kim). Làng như một gáo nước úp bên bờ sông Ngàn Phố. Nhớ lại, trước khi cơn lũ đến, nhiều gia đình được xã yêu cầu di chuyển người và dỡ nhà để đảm bảo an toàn. ''Họ hứa ai dỡ nhà thì sau lũ sẽ được ủng hộ, cứu trợ. Nhưng nhiều nhà chỉ được gạo và mì tôm''.
Dân làng An Nghĩa vẫn nhớ ông Nguyễn Khắc Thứ có "hứa" cho dân 1 cây cầu đã 4 năm nay chưa thấy đâu. Ảnh: Thế Vinh. |
Trước khi lũ đến, cả làng đang yên bình với những vụ mùa bội thu từ phù sa sông Ngàn Phố. Sau lũ, nhà nào trôi hẳn được xã hỗ trợ 6 triệu đồng. Nhà nào tự dỡ trước lũ nay mất hết đất, vườn bị lở, đến đất dựng nhà cũng không còn, không nhận được tiền hỗ trợ, phải mượn đất người quen sống tạm. Nông dân không đất như đi thuyền không buồm. Người dân làng Tròn làm đủ nghề để sống, từ làm thuê đến đi phát rừng kiếm củi bán. Họ chẳng biết thực hư số tiền cứu trợ như thế nào!
Nhiều người dân làng Tròn bức xúc: Thực ra, dân đã biết âm ỉ chuyện này từ hồi đó nhưng không nói và cán bộ dặn cái gì chưa rõ ràng thì không nên nói. Và bây giờ, sau khi báo chí đăng thì cả huyện mới xôn xao. "Nghe nói tiền ủng hộ được nhiều lắm nhưng họ ăn đi hết, có thấy mô? Ai cũng nôn nóng biết rõ tiền cứu trợ được phân phát như thế nào nhưng làm sao mà biết? Bất công quá!''.
Cũng như làng Tròn, làng Kim An có nhiều hộ ngập và trôi trong cơn lũ 2002. Sau lũ, đất bị lở lói, hàng chục gia đình phải mượn đất nhà người quen cắm tạm nhà bạt ở trong 2 tháng. Sau khi QK4 xây dựng làng tình nghĩa An Nghĩa tặng bà con, nhưng chỉ nhà nào mất sạch nhà cửa, vườn tược tài sản mới đủ tiêu chuẩn lên đây ở, nhà nào ''mất vừa vừa'' họ đưa bao nhiêu phải nhận bấy nhiêu hoặc đành... tự lo!
Gia đình nhà anh Nguyễn Gia Lương thất vọng: ''Lúc đầu, sau lũ họ hứa nuôi ăn 4 tháng, nhưng chỉ được hơn 1 yến gạo và ít mì tôm!''.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thuận (Kim An) có lẽ là hộ khổ nhất ở khu An Nghĩa. Năm 1996, anh Lê Văn Soa chồng chị bị lũ cuốn trôi trong lúc đi làm nương về qua suối. Một mình chị cặm cụi sống nuôi 2 con nhỏ. Đợt lũ 2002, ngôi nhà nhỏ được xã yêu cầu dỡ ra cho an toàn.
Sau lũ, đất bị lở nham nhở không thể ở được, vườn tược mất sạch, 3 mẹ con phải ở lều bạt 2 tháng rồi được chuyển lên khu An Nghĩa. Nhưng lên đây, người nông dân không được cấp ruộng, có cấp thì cũng toàn ruộng khó làm. Cả khu rủ nhau đi làm thuê, ai mướn gì cũng làm, miễn có tiền nuôi con.
Nhiều người dân bị lũ lụt cướp nhà đất bức xúc: ''Tại sao họ không dùng tiền cứu trợ để giúp chúng tôi làm ăn, sản xuất, thậm chí vay khoản tiền đó làm vốn, nó sẽ có ý nghĩa hơn nhiều...!''.
Khi chỉ cho chúng tôi con đường từ An Nghĩa ra đường 8, nhiều người dân nói rằng: ''Đáng lẽ các anh đi được đường gần hơn nếu lời hứa của ông Chủ tịch huyện Nguyễn Khắc Thứ thành hiện thực!''. Hỏi ra, được biết cách đây 4 năm, khi khánh thành khu nhà An Nghĩa, Chủ tịch huyện Nguyễn Khắc Thứ có xuống dự và ''hứa'' sẽ cho An Nghĩa 20 triệu để xây cầu bắc qua suối Khe Muội để bà con đi lại đỡ vất vả.
Đã 4 năm, lời ''hứa'' của ông Thứ chủ tịch có lẽ đã phai nhạt khi ông chuyển công tác. Trong khi đó, người dân An Nghĩa vẫn hàng ngày lội suối, dù mùa mưa bão đang cận kề...
''Chặn'' miếng ăn của dân!
Xã Sơn Ninh nằm trên trục đường từ ngã ba Nầm, vượt sông Ngàn Phố qua cây cầu treo vắt vẻo. Sơn Ninh năm 2002 nước ngập trắng trời. Xóm 14 thuộc xã Sơn Ninh nằm ven sông Ngàn Phố, càng bị tàn phá nặng nề.
Vợ chồng ông Ngô Sỹ Dần (ở xóm 14, xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) thuộc diện hộ "cực kỳ" nghèo, đặc biệt nghèo. Cả gia đình đều bị bệnh loà bẩm sinh, riêng vợ ông Dần đến nay không còn nhìn thấy gì được nữa.
Ngày 21/9/2006, chúng tôi có mặt tại thôn 14, rất dễ hỏi thăm căn nhà nhỏ bé tẹo của đôi vợ chồng già đã "nổi tiếng" ở đây mấy năm qua vì đã "đứng lên" đi kiện lại những kẻ "ăn chặn" gạo cứu trợ của ông bà sau trận lũ quét năm 2002. Ngôi nhà vừa được sửa sang lại chút ít, có cái bóng điện bé tẹo, sáng lờ mờ, bởi Hội người mù của tỉnh vừa cho 2 ông bà 3,5 triệu dựng lại.
Tại thời điểm cấp phát gạo cứu trợ năm 2002, 2 vợ chồng ông Dần nhận được 22,6 kg gạo cứu trợ. Sau đó, ông biết được xã khai báo là gia đình ông đã nhận 38,6 kg gạo. Đặc biệt, ông Dần nói rằng ông không hề "được" ký vào bất cứ giấy tờ gì khi nhận gạo, nhưng sau đó trong hồ sơ vẫn có chữ ký của ông. Khi ông lên "phàn nàn" với thôn, xã thì nhận được câu trả lời "Chỉ có vậy".
"Của tôi hao mất 16 lô từ năm đó tới giờ", ông Ngô Dần nói. Chưa hết, ông Dần kể rằng khi ông hỏi về lý do tại sao lại có chữ ký của ông trong danh sách "đã nhận đủ 38,6kg" mà thôn "bắn" lên xã thì nhận được câu trả lời ráo hoảng từ trưởng thôn: "Tôi tự ký đấy".
Ông Ngô Sỹ Giảng nói rằng "Tội ni (ăn chặn tiền cứu trợ nhân đạo của dân - NV) phải xử nặng hơn tội khác". Ảnh: GVT. |
Ông Ngô Sỹ Dần thuật lại: "Gia đình tui là hộ nghèo, tàn tật. Tui biết bọn nớ ăn chặn, tui kiện. Rứa là nhà tui xiêu vẹo từ năm 2002, đến năm 2003 tui lên nhờ trưởng xóm ký cho cái giấy chứng nhận gia đình khó khăn thì hắn không ký. Hắn nói tui rút đơn kiện thì hắn ký cho. Tui nói là anh tham ô gạo của dân thì anh phải chịu, anh không ký thì tui đi chỗ khác ký".
Ông Ngô Sở cũng ở xóm 14 không có vợ con, nhà cửa trôi hết sau trận lũ quét, một mình lụi cụi ra gặp nhà báo để than phiền: "Tui đợt đầu lên nhận được 5kg gạo cứu trợ, về cân lại thì chỉ được 4,5kg. Sau đó theo danh sách nhận gạo tui lên hỏi đội trưởng 6,2 yến gạo còn lại. Rứa là đội trưởng Đào Thâu nói với tui: "Ra ngoài bãi (bãi sông - NV) mà ăn".
Ông Sở kể: Trên giấy tờ thì ông nhận được 1,1 tạ gạo, nhưng "thực tế thì tui chỉ nhận được 4,8 yến".
Chưa hết, ông Sở cho hay: Khi cân phát gạo cứu trợ, có người còn "độn" thêm thanh sắt vào trên mặt cân để "ăn bớt" gạo của ông.
Sau khi phát hiện được sai phạm trong việc cấp phát gạo cho dân, người dân ở xóm 14 xã Sơn Ninh đã lập ra một Ban Thanh tra xóm, yêu cầu đối chiếu, kiểm tra sổ sách cấp phát ở xóm và đối chiếu với xã.
Kết quả điều tra "thô" chỉ bằng cách cộng các con số báo cáo của riêng thôn 14 xã Sơn Ninh cho kết quả bất ngờ: Có 2 bản danh sách quyết toán cấp phát gạo cứu trợ của xóm. Bản "quyết toán cho dân" ghi tổng số gạo là "2.513, 6 kg", còn bản quyết toán "bắn" lên xã ghi số gạo đã chia "2. 937,8 kg". Số gạo chênh lệch giữa 2 bản quyết toán mà người dân xóm 14 phát hiện được là 424,2kg.
Ông Ngô Sỹ Đình (53 tuổi), người đã tham gia Ban Thanh tra xóm 14 còn nhớ như in những con số chênh lệch: "Sau trận lũ quét năm 2002, chỉ riêng xóm được trên cấp phát 4.228kg gạo cứu trợ, nhưng chỉ chia cho dân 2.513,6kg gạo. Vị chi, các "ngài quan" xóm đã "ăn chặn" của dân mất hơn 1,7 tấn gạo".
Sự việc sau khi bị phát hiện đã khiến người dân nơi đây bất bình, gửi đơn tố cáo khắp nơi. Ít nhất, phóng viên một tờ báo Trung ương đã về đây điều tra, đăng bài rồi sự việc... chìm nghỉm. Ông trưởng xóm 14 tên Đào Xuân Thâu bị nhân dân "điều tra" từ năm 2004, đến ngày 20/6/2005 Chủ tịch xã Sơn Ninh ký quyết định "xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo" vì "sai phạm nguyên tắc tài chính trong cấp phát gạo bão lụt năm 2002...".
Ông Ngô Sỹ Đình "bình luận" công văn kỷ luật này của UBND xã Sơn Ninh đối với ông Đào Xuân Thâu là "tờ giấy khen thì đúng hơn". Ảnh: Đức Pha. |
Còn ngày chúng tôi về đến xóm 14 xã Sơn Ninh,người dân "ùa" ra phản ứng dữ dội. Kiên nhẫn hỏi ra, chúng tôi mới "té ngửa" người khi biết sau "quả" bị xử lý kỷ luật, "ăn" án cảnh cáo được vài tháng, ông Thâu lại "đắc cử" chiếc ''ghế'' xóm trưởng xóm 14.
Ông Ngô Sỹ Đình "bình luận" tờ quyết định kỷ luật số 22 của UBND xã Sơn Ninh đối với ông xóm trưởng Thâu "chẳng qua gọi là tờ giấy khen thì đúng hơn" (!).
Ông Ngô Sỹ Giảng (78 tuổi) nhà kế bên cũng tìm gặp chúng tôi than: "Nhân dân ở dưới ni (này - NV) bức xúc vô cùng. Tham ô tiền ở mô thì dân chưa nói, chứ ở đây đến bát cháo cứu đói cho dân cũng bị cướp trên mồm thì dân uất hận không hết được.
Đề nghị Trung ương cho người về Hà Tĩnh, xuống cơ sở mà nghe dân nói. Cán bộ có tội thì phải xử cho đúng. Nhưng cái tội ni là khác hơn tất cả mọi tội".
''Không có chuyện gì to tát cả''!
Người dân xóm 14 xã Sơn Ninh mất lòng tin sau "sự kiện" quan xóm ăn chặn gạo cứu trợ của dân chỉ bị xử lý qua quýt để dẹp yên dư luận. Bà con lại càng phẫn uất bởi chỉ sau đó vài tháng, ông xóm trưởng cũ lại tái đắc cử đúng vị trí mà ông ta đã bị kỷ luật vì sai phạm trong việc cấp phát gạo cứu trợ cho dân chỉ sau vài tháng cho dư luận bớt... ồn ào.
Cái sự "nghiêm minh" đó của UBND xã Sơn Ninh đã tạo thành một hiệu ứng "đổ dầu vào lửa".
Cấp thôn, xã thì vậy, cấp huyện cũng chẳng khá hơn. Với hàng loạt sai phạm (đã được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Hà Tĩnh kết luận), nguyên Chủ tịch, sau đó là Bí thư huyện uỷ Hương Sơn Nguyễn Khắc Thứ "đàng hoàng" nhận "án" kỷ luật theo hình thức điều chuyển từ vị trí đứng đầu huyện Hương Sơn "lên tỉnh" làm Phó Ban quản lý dự án khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo.
Vẫn rất tự tin khi gặp VietNamNet, ông Thứ không ngần ngại cho rằng "không có chuyện gì to tát cả. Tham nhũng thế nào được"(?!). Ngoài ra, với trách nhiệm là người đứng đầu huyện Hương Sơn tại thời điểm bị phát hiện sai phạm, ông Thứ không tiếc lời "đổ" hết trách nhiệm cho tập thể khi "mọi chuyện đều đem ra bàn với Thường vụ hết rồi". Còn cấp dưới "ai "ăn" thì người đó phải chịu".
Chỉ cá nhân ông Thứ thì cam kết "riêng tôi thì tôi không ăn".
Người dân xóm 14 xã Sơn Ninh cực kỳ bức xúc khi gặp phóng viên VietNamNet về tìm hiểu vụ việc. Ảnh: Đức Pha. |
Chưa hết, ông Thứ cũng không thèm "giữ gìn" gì nữa khi bảo thẳng với cánh nhà báo rằng chính ''ông Đàn (Bí thư Tỉnh uỷ Trần Đình Đàn-NV) bảo tôi lên đó (vị trí Phó Ban quản lý dự án khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo-NV) vài năm rồi về nghỉ (nghỉ hưu-NV) cho khoẻ!". Còn trước những sai phạm mà UBKT Tỉnh uỷ đã kết luận, ông Nguyễn Khắc Thứ không tiếc lời "họ làm việc theo kiểu cứng nhắc".
Rất tiếc, hiện nay ông Trần Đình Đàn không có mặt ở Hà Tĩnh để chúng tôi có dịp đối chứng lại những thông tin này.
Việc xử lý cán bộ theo kiểu "đối phó dư luận" phải chăng đã trở thành "di căn" ở tỉnh Hà Tĩnh. Với những sai phạm rành rành ở huyện Hương Sơn, CQĐT đã vào cuộc rồi rốt cuộc lại đề xuất hướng xử lý theo kiểu "không có chuyện gì": "Chấm dứt điều tra". Cán bộ cấp thôn chỉ sau vài tháng chịu "án" cảnh cáo lại tái đắc cử...
Chữa bệnh mà không chịu được đau, thử hỏi tới bao giờ trong các văn bản báo cáo gửi ra Trung ương, Hà Tĩnh cắt được dòng chữ "Hà Tĩnh là một tỉnh nghèo" (!?).
Lòng nhân ái của con người dành cho con người không "cân, đong, đo, đếm" được nhưng có sức mạnh vô hình. Không ai có quyền chà đạp lên bất hạnh của nạn nhân lũ lụt để ''ăn chặn'', xà xẻo!
Công luận đang chờ cuộc "đại phẫu" nghiêm minh từ Hà Tĩnh, để lấy lại lòng tin từ những người đã "sẻ áo nhường cơm", chắt chiu từng đồng tiền giành dụm được để đùm bọc, sẻ chia khi Hà Tĩnh gặp nạn.
-
Thế Vinh - Hà Trường - Chi Mai