(VietNamNet) - Cập nhật đến đêm ngày 1/10, đã bước đầu xác định có 16 người chết (Đà Nẵng 4, Quảng Nam 2, Bình Định 4, Nghệ An 4, Quảng Bình 2).
Nhiều nhà dân bị tốc mái, một số nhà tạm đã sập, cửa kính nhiều nhà cao tầng bị gió giật vỡ. Một số tàu lớn thả neo trong cảng cũng bị sóng nhấn chìm. Nhiều tuyến đường ngập sâu trong nước.
Bấm vào đây để theo dõi diễn biến cơn bão số 6
Nghe tường thuật của phóng viên VietNamNet từ vùng bão sáng 1/10 |
Diễn biến bão ở Thừa Thiên Huế lúc 10h
Tường thuật từ đập Hòa Duân - Thừa Thiên Huế lúc 9h30 |
Đà Nẵng: Ngổn ngang nhà sập, cây đổ, dây điện đứt
Đến tối 1/10, Đà Nẵng chìm ngập trong bóng đêm, không nơi nào có một bóng đèn, toàn thành phố dường như tê liệt.
Trời đã tạnh, gió đã ngớt nhưng thành phố tan hoang. Theo người dân sống lâu năm ở đây thì khoảng 50 năm trở lại đây Đà Nẵng chưa lần nào gặp cảnh tượng này.
Nếu ai có dịp qua Đà Nẵng cách đây 3 ngày sẽ không thể nhận ra "thủ đô" của miền Trung. Mặc dù vậy, trong câu chuyện không ánh đèn, nhiều người dân am hiểu tỏ ra lạc quan: Chỉ cẩn bão lệch sang Quảng Nam hoặc Thừa Thiên Huế thì thiệt hại sẽ nặng nề hơn rất nhiều.
Người dân thành phố Đà Nẵng đã phải trải qua những thời điểm kinh hoàng vì sức mạnh của cơn bão số 6. Đến nay, bão số 6 đã qua, toàn thành phố đang bắt tay khắc phục hậu quả của bão. Đà Nẵng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão số 6 với 4 người chết, hàng trăm người bị thương.
Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng trở nên quá tải khi gần 500 người bị thương vì bão số 6 đã được đưa đến. Giường bệnh viện không còn đủ chỗ, 2 bệnh nhân phải chung 1 giường và nằm cả ra hành lang. Số bệnh nhân vẫn ngày càng tăng.
| ||
Riêng hệ thống nhà trạm, tất cả đều bị tốc mái, vỡ kính, tuy nhiên các trạm này vẫn hoạt động do hầu hết nhân viên đều được huy động để dùng vải bạt, chậu nước hứng mưa.
Bưu điện Đà Nẵng đã phải cho tạm dừng hoạt động hai tổng đài vệ tinh Trưng Nữ Vương và Thuận Phước do nước tạt vào quá nhiều.
Xe máy bị hất tung trên đường phố Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN |
12h30: Gió có phần dịu bớt, mưa đỡ nặng hạt nhưng sức tàn phá của bão chưa giảm. Trên các phố Nguyễn Tất Thành, Bạch Đằng, gió giật, sóng đánh tới tấp trên đường khiến hàng cây hai bên xiêu vẹo. Đây đó, có cả vài chiếc xe máy bị chủ vất chỏng chơ để tránh bão.
Trên cao, dây điện thoại, dây điện, cành cây chằng chịt đứt gãy. Dưới mặt đất, cành cây đổ, các tấm tôn lợp mái, biển quảng cáo bay lả tả. . Toàn bộ hệ thống giao thông của thành phố vẫn đang tê liệt.
Thiệt hại ban đầu của Đà Nẵng: Hàng trăm nhà bị tốc mái, sập (kể cả nhà xây kiên cố, cao tầng), 80 người bị thương, 1 người chết. Liên lạc rất khó khăn. Điện mất.
Tại huyện Sơn Trà, hàng chục nhà dân tốc mái. Đặc biệt vào lúc 4h sáng nay (1/10), tại tổ 6, phường Thọ Quang đã xảy ra cái chết hy hữu của em Thu Ngân, do giá chằng mái tôn bị gió cuốn rơi xuống khi em đang ngủ. Ngoài ra tại huyện Sơn Trà còn có 2 người bị thương nhẹ trong lúc chằng chống nhà cửa.
Tại BV Đà Nẵng, gió lớn cũng thổi bay mái nhà khu cấp cứu đa khoa 7 tầng vừa mới xây dựng; nước mưa xối vào các phòng bệnh nhân khiến nhân viên y tế phải di tản các bệnh nhân. Một bệnh nhân đang điều trị tầng 3 của khu nhà này cho hay: nước vào ngập quá mắt cá chân. Khu nhà kho của bệnh viện cũng bị tốc mái. Bệnh viện đã phải liên hệ với lực lượng cứu hộ.
Những tấm mái tôn bay vèo trong không trung và chém đứt tất cả những gì nó gặp. (Ảnh: TTXVN) |
Tại sân vận động Chi Lăng, giàn mái che của khu khán đài A mới xây dựng và đưa vào hoạt động cũng bị gió lột sạch. Hàng trăm tấm tôn nhựa và thanh nhôm bay xuống khu dân cư gần đó. Công an P.Hải Châu 2 đã cho lực lượng xuống hiện trường bảo vệ tài sản Nhà nước, nhưng vẫn thất thoát nhiều do người dân tranh thủ kéo các tấm tôn về nhà mình.
10h: Cây to đổ rất nhiều. Nhiều nhà cửa, tường rào ximăng sập ngổn ngang. Mái tôn lăn lóc, cành cây gãy ngập đường. Mưa to, gió lớn khiến mọi hoạt động ngưng trệ. Không ai dám bước chân ra đường bởi có thể bị gió xô ngã ngay.
Mặc dù công tác chuẩn bị phòng chống bão diễn ra rất khẩn trương và chu đáo, nhưng không thể lường trước được thiệt hại.
Tàu neo đậu tại các vùng biển vẫn có khả năng bị chìm, và trên thực tế, rất nhiều tàu đã bị gió mạnh nhấn chìm ngay trong cảng Đà Nẵng.
May mắn, từ Đảo Lý sơn và Cù Lao Chàm, không thấy có báo cáo thương vong.
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng lo lắng nghe tình hình bão. (Ảnh: Trường Giang) |
9h: Ban chỉ đạo tiền phương đối phó với cơn bão số 6 của Trung ương tại Đà Nẵng họp khẩn cấp, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng chủ trì, trong một căn phòng không điện.
Báo cáo sơ bộ tại cuộc họp cho biết, đến 9h sáng nay (1/10), chưa thể thống kê số lượng nhà bị tốc mái (dù rất nhiều). Riêng tại Đà Nẵng, đã có 7 người bị thương được đưa đi cấp cứu, 2 tàu đánh cá đang neo đậu ở Âu Thuyền Thọ Quang bị đẩy trôi ra biển, được tàu của lực lượng Hải quân vùng 3 cứu vào bờ an toàn. Do toàn thành phố bị mất điện nên ngay tại Đài khí tượng thuỷ văn Trung Trung Bộ cũng không có điện để cập nhật thông tin. Một máy phát điện lớn được điều ngay đến Đài khí tượng.
Khẩn cấp cứ nạn người dân trong bão số 6. |
Trong khi Ban chỉ đạo tiền phương đang họp tại tầng 6 ở Khách sạn Bạch Đằng - bên bờ sông Bạch Đằng - thì khách sạn này bị tốc mái. Các thành viên Ban chỉ đạo phải di chuyển xuống tầng 1 để họp tiếp.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong việc đảm bảo đến giờ phút này chưa để xảy ra thiệt mạng về người. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tuyệt đối cấm người dân đi ra đường. Việc sơ tán dân đã tạm ổn nhưng phải tính thêm việc ăn ở, điều kiện vệ sinh cho bà con (chăn màn ấm cho trẻ em, giường cho người già, phụ nữ mang thai ngả lưng). Tàu thuyền vào neo đậu ở Âu Thuyền Thọ Quang đã tương đối ổn định nhưng do mật độ tàu dày nên đã xảy ra va đập có thể dẫn đến một số thiệt hại.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo tiền phương tiếp tục có các biện pháp tiếp theo như có phương án khôi phục lại nguồn điện, bảo vệ nhà cửa nhân dân, cấp cứu kịp thời những người bị thương... Các ngành giao thông, công an, thuỷ sản, nông nghiệp... tiếp tục nắm sát tình hình ở các địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trưởng ban chỉ đạo tiền phương Lê Huy Ngọ cho biết, sáng nay sẽ tiếp tục cử các thành viên của ban chỉ đạo xuống trực tiếp các địa phương xung yếu nhất của Đà Nẵng, Huế và Quảng Nam. Trong việc tính toán các biện pháp đối phó với bão số 6 cần lưu ý lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi.
Chỉ cách nhau vài mét là không nhìn thấy gì vì bụi nước trong không khí. (Ảnh: Trường Giang) |
8h30: Đà Nẵng chìm trong những đợt cuồng phong dữ dội, gió rất mạnh, một vài người liều lĩnh đi xe máy trên đường nhưng bị mưa tạt, gió quất xiêu vẹo. Mưa to, gió lớn khiến từ bên này đường không thể nhìn thấy bên kia đường.
Thời điểm này, trên các tuyến đường của trung tâm TP.Đà Nẵng như Ông Ích Khiêm, Lê Duẩn... (vốn đông nghẹt phương tiện giao thông và người qua lại) không một bóng người. Các cửa hàng, cửa hiệu đóng chặt cửa. Trung tâm thương mại Chợ Cồn sầm uất nhất Đà Nẵng giờ này cũng vắng tanh. Hầu hết các tuyến đường của thành phố đều thấy cây đổ, nhà sập...
Phòng làm việc của VTV tại Đà Nẵng bị bão đánh tung cửa. |
Từ sáng sớm, ôtô đã không đi qua được các tuyến đường như Hải Phòng, Phan Chu Trinh... vì cây đổ chắn ngang đường. Trên tuyến đường Hải Phòng, một đoạn tường rào của cơ sở mới trường Phan Chu Trinh đã bị đổ sập. Còn tại cơ sở cũ của trường Phan Chu Trinh, một cây xà cừ trên 100 tuổi đã bị mưa bão đánh bật gốc, đổ ngang.
Cây cối gãy đổ đã làm đứt nhiều dây điện và điện thoại. Đến giờ phút này, hầu như cả TP.Đà Nẵng không có điện, nước máy.
Thông tin ban đầu cho biết, các quận ven biển như Thanh Chiểu, Thanh Khê đã có hàng trăm nhà tốc mái. Theo thống kê chưa đầy đủ, tại phường Hòa An, quận Cẩm Lệ đã có 10 nhà bị sập, lực lượng cảnh sát 113 đưa phương tiện lên kịp thời đưa 3 người dân đi cấp cứu.
Tại phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu còn có thông tin nhà sập và người bị đè, tuy nhiên do sóng biển tràn qua mặt đường xe không thể qua được nên lực lượng cứu hộ chưa đến được khu vực này.
3h20: Theo thông tin phóng viên VietNamNet vừa chuyển về, TP. Đà Nẵng bắt đầu ngập nước. Xe cộ đi lại rất khó khăn và di chuyển giữa các phố và sang các địa bàn lân cận là việc không thể.
Những hình ảnh ghi được từ phòng làm việc của VTV tại Đà Nẵng. |
Toàn TP.Đà Nẵng đã mất điện. Nhiều cây to đã đổ đè lên đường dây điện, mái tôn bị tốc cũng chém đứt dây. Điện lực Đà Nẵng cũng cử người đi khắc phục nhưng không khắc phục được ngay do mạng lưới bị hỏng trên diện rộng.
Đường dây nóng nhận tin bão |
Quý vị có tin tức về bão, hãy gọi điện về tòa soạn VietNamNet theo số điện thoại: 0902206999 hoặc gửi email về tòa soạn theo địa chỉ: hotnews@vasc.com.vn |
Thừa Thiên - Huế: Nước dâng cao ngoài biển, trong nội thành
12h30: Gió bão lên tới cấp 9, nhiều cột điện và cây xanh bị gãy đổ, cửa kính các toà nhà cao tầng bị vỡ. Hầu hết các biển quảng cáo dọc các tuyến đường nội thành bị giật tung.
Tại huyện Phú Lộc (giáp ranh với TP.Đà Nẵng), theo thống kê đến 11h hôm nay, đã có gần 800 ngôi nhà bị sập, tốc mái, giao thông bị tắc nghẽn. Từ 10h sáng nay, toàn bộ thông tin liên lạc qua hệ thống bưu điện với huyện Phú Lộc bị cắt đứt.
Tại cửa biển Tư Hiền, nước biển dâng cao đã tràn vào khu dân cư. Ông Cao Vĩnh Tuấn , Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết: hiện huyện và các lực lượng cứu hộ đang tập trung bảo vệ các vùng đông dân cư, đặc biệt là địa điểm dân cư sơ tán đến tập trung. Hiện ở đầm Cầu 2 lên nhanh, có khả năng gây nguy hiểm cho các vùng dân cư quanh cầu Tư Hiền.
Nơớc sông Hương tràn vào đường phố. (Ảnh: Thế Vinh) |
Theo thống kê ban đầu đến 10h sáng nay tại Huế đã có 5 người bị thương nặng. Chưa có ai thiệt mạng. Hơn 1.000 ngôi nhà ngập nặng.
Tại sông Hương, mực nước sông đang dâng lên cao. Dự kiến đến tối nay, có thể lên tới 4,5m (vượt báo động III 0,5m).
10h: Tại TP. Huế, mưa to làm cho các tuyến đường nội thành, nội thị bị ngập sâu. Trước đó 2 giờ, toàn thành phố bị mất điện. Hơn 100 cây xanh đã bị gió quật ngã. Nước sông Hương dâng khá nhanh, chỉ còn cách mặt cầu Tràng Tiền 1m. Các phường thấp trũng trong nội thành đã ngập.
Toàn bộ các huyện trong tỉnh cũng đã bị mất điện.
Phóng viên VietNamNet có mặt tại đập Hoà Vân - con đập chắn biển Thuận An và Phá Tam Giang - cho biết, trong cơn bão đập Hoà Vân được coi là điểm trọng yếu của Thừa Thiên Huế.
Theo quan sát của phóng viên, một số đoạn đập Hoà Vân bị nước tràn qua nhưng rất may chưa vỡ. Hiện các đơn vị bộ đội biên phòng và cơ quan chức năng đang khẩn trương hộ đê Hoà Vân. Được biết, trận bão năm 1999 con đập này đã bị vỡ gần 1km.
Gió bão tăng mạnh, đặc biệt là tại các vùng ven biển Lăng Cô (Phú Lộc) và Thuận An (Phú Vang). Gió giật trên cấp 10 làm tốc mái và sập nhiều nhà tạm tại huyện Phú Lộc.
Tại xã Vinh Hiền của huyện này, bờ biển bị xâm thực sâu 5m, dài 30m.
Theo ước tính của Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh, thiệt hại ban đầu do bão số 6 gây ra không thể kể hết. Hàng trăm ngôi nhà, công sở đã bị tốc mái, tập trung tại các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Nam Đông. Hàng trăm cây xanh trên địa bàn thành phố cũng bị đổ. Một trạm biến áp ở Phong Điền bị nổ, gây mất điện toàn bộ khu vực vùng ven biển của huyện.
Ngay trong sáng nay, lãnh đạo Thừa Thiên - Huế đã trực tiếp đến các vùng xung yếu để chỉ đạo tại chỗ công tác phòng chống bão. Bộ Tư lệnh Quân khu IV và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tiếp tục điều lực lượng quân đội và các phương tiện, xe quân dụng đến ứng cứu tại những vùng có nguy cơ thiệt hại nặng.
6h30: Nước biển tại Thừa Thiên Huế dâng cao từ 3 đến 4m và có khả năng dâng thêm. Trong lúc đó, mực nước các sông cũng lên cao. Đây là hiện tượng rất nguy hiểm với TP.Huế khi bão đổ bộ.
Tại TP. Huế có mưa rất to, lượng mưa đo được trên 120mm, vùng thượng nguồn sông Hương trên 200mm. Nước biển đã tràn qua từ 0,8-1m tại một số khu vực, như thôn Tân Lập, xã Phong Thuận huyện Phú Vang và khu vực Cầu Hai, Lăng Cô, huyện Phú Lộc. Đáp Hoà Dân đã bị xâm thực và nước tràn qua ở mức báo động.
Cầu Trường Tiền mịt mù trong bão còn sông Hương chỉ trực trào lên bờ. (Ảnh: Thế Vinh) |
5h30: Gió bão mạnh cấp 8, giật trên cấp 9, sau tăng lên cấp 10, giật trên cấp 11, vùng ven biển Phú Lộc giật trên cấp 12. Điện đã cắt trên địa bàn toàn tỉnh.
Tuy chưa có thống kê chính xác nhưng đã có nhiều nhà dân bị tốc mái, có một số nhà tạm đã sập, nhiều cây cối đã đổ, một số đường giao thông đã ngập trong nước, một số thuyền trên sông Hương đã bị giật ra khỏi nơi neo đậu an toàn. Tại TP. Huế, cửa kính nhiều nhà cao tầng đã bị gió giật vỡ.
Các điểm trú ẩn của nhân dân vùng xung yếu vẫn an toàn. Ngay cả khi gió và mưa ở Thừa Thiên Huế chưa lớn, người dân nơi đây, theo kinh nghiệm về nhiệt độ không khí và mưa như hiện nay, khẳng định: ảnh hưởng của bão đến Huế sẽ rất mạnh.
Quảng Nam: Mưa xối, nước ngập diện rộng
10h: Mưa tại huyện Tam Kỳ lớn như dội nước. Các đường phố bắt đầu ngập sâu. Người dân ai cũng lo lắng vì gió và mưa rất to. Hiện toàn tỉnh đang thực hiện phương án phòng chống 4 tại chỗ. Duy tại xã Bình Minh, người dân có sáng kiến làm hầm cát trú ẩn tránh bão, nay vẫn an toàn.
Cây to cây nhỏ đều bật gốc. (Ảnh: Phan Công) |
Theo Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Nam, 5h30 sáng nay, gió đã ở cấp 8-9, có khả năng giật trên cấp 13. Rất nhiều hàng quán, nhà tạm bị đổ. Nước sông Vu Gia, Thu Bồn đang lên nhanh. Tại vùng hạ lưu, nước lũ cùng bắt đầu dâng cao.
Quảng Ngãi: Mất điện từ nửa đêm
10h: Từ xã Bình Thị (huyện Bình Sơn), phóng viên VietNamNet cho hay, bão số 6 không đổ bộ vào Quảng Ngãi như đã dự báo. Ông Phạm Đình Khối, quyền Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ngãi cho biết: Sáng nay, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão của tỉnh đã có cuộc họp với Bộ Quốc phòng, xác định: bão số 6 sẽ không đi qua Quảng Ngãi.
Thăm bà con sơ tán ở Quảng Ngãi. (Ảnh: H.Minh) |
Tuy nhiên hậu quả do bão gây ra là không thể tránh. Tại huyện đảo Lý Sơn, một số nhà bị tốc mái, 4 - 5 thuyền nhỏ bị gió nhấn chìm; tất cả thuyền khác trong bãi đậu đều an toàn.
Tính đến 17h chiều ngày 29/9, công tác di dân đã hoàn thành ở 7 điểm với trên 3.700 hộ. Các hộ sơ tán được đưa vào nơi trú ẩn an toàn như trường học, cơ quan. Đến sáng nay, khi biết bão không vào Quảng Ngãi, nhiều người dân đề nghị được về nhà.
Tuy nhiên, đến 13h chiều nay chính quyền địa phương mới có quyết định cụ thể. Tỉnh Quảng Ngãi đã chủ trương chi 3 tỷ đồng lo đời sống cho dân trong bão và khắc phục hậu quả cơn bão.
2h30: Phóng viên VietNamNet tại Quảng Ngãi cho biết, gió rất to đang ập vào, toàn thành phố đã mất điện.
Thừa Thiên Huế tối 30/9. (Ảnh: Dân Trí) |
Quảng Bình: Sóng đánh vỡ 2,5 km kè đê biển
Tính đến sáng 1/10, Ban PCLB tỉnh đã tổ chức di dời 1.331 hộ với trên 4.300 dân thuộc các địa phương trên địa bàn huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hoá ra khỏi vùng nguy hiểm.
Toàn bộ 3.450 tàu thuyền và trên 18 ngàn ngư dân của Quảng Bình đã được gọi vào bờ và di chuyển đến nơi neo đậu an toàn. Tại cảng Gianh, đã có gần 1.100 tàu thuyền vào neo đậu (trong đó có 250 tàu của các tỉnh khác), với khoảng gần 8.000 ngư dân tạm trú. Lực lượng Bộ đội biên phòng đã hướng dẫn cho hơn 400 tàu các tỉnh bạn vào khu vực xa cửa sông Gianh để bảo đảm an toàn.
Tại TP.Đồng Hới, Xí nghiệp cây xanh đã tập trung lực lượng cắt, cưa cành hơn 400 cây xanh có nguy cơ gãy đổ ở những tuyến đường nội thị nơi có đông dân cư và có những tuyến đường dây điện đi qua. Tại một số vùng xung yếu khác trẻ em và người già đã được đưa đến vùng cao, có nhà cửa chắc chắn.
Đại tá Nguyễn Văn Phúc - Phó Chỉ huy trưởng tham mưu tác chiến Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh cho biết: “Lực lượng bộ đội biên phòng đã tăng cường cán bộ chiến sỹ về tận các xã để tham gia phòng chống lụt bão. Đội tàu 7 chiếc của Hải đội 2 và 7 ca nô luôn trong tình trạng sẵn sàng ứng cứu trong bão. Đã thành lập 3 đài vô tuyến điện tại Trung tâm, cửa Gianh, đồn Nhật Lệ nhằm bảo đảm thông tin liên lạc…”.
Tại xã Cảnh Dương (Quảng Trạch), từ sáng đã có hàng trăm người dân cùng toàn bộ lực lượng bộ đội biên phòng đồn 184 tập trung hộ tuyến đê biển bao quanh thôn Yên Hải. Mọi phương tiện đều đã được huy động. Ông Võ Vĩnh Danh, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: “ Xã huy động hàng ngàn bao tải, hàng chục xe công nông chở cát cho vào bao chắn sóng…”.
Tuyến đê kè biển Quảng Phúc bị sóng lớn đánh dập vào bị vỡ khoảng 1 km; kè Lý Hoà (Bố Trạch) cũng bị vỡ gần 1,5 km. Tuy nhiên, chưa có thiệt hại gì về người và tài sản.
Trưa nay, một đợt gió mạnh đã làm tốc mái 26 nhà dân vùng biển Ngư Thuỷ Nam (huyện Lệ Thuỷ), trong đó có 10 nhà bị hư hỏng nặng. UBND huyện đã kịp thời huy động lực lượng và hỗ trợ cho những hộ gia đình này ổn định nơi ăn nghỉ.
Từ chiều nay, mưa lớn dần, gió bão có lúc giật lên cấp 10 (đo được tại thành phố Đồng Hới). Đến 16h, Quảng Bình vẫn chưa có thiệt hại lớn nào. Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, và nhân dân vẫn tiếp tục căng mình chống bão.
Quảng Trị: Sạt lở diện rộng, đối mặt nguy cơ lũ quét
13-14h ngày 1/10 cường độ mưa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị rất lớn, một số nơi đạt 50mm/h. Mực nước ở các sông ở mức báo động II và đang lên. Gió đo được tại trạm khí tượng Cồn Cỏ là cấp 9, giật cấp 10.
Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, tính đến chiều ngày 1/10, toàn tỉnh có 274 ngôi nhà bị sập và tốc mái, 100 ngôi bị xiêu vẹo ở các xã ven biển huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh. Khu tập thể giáo viên ở xã Gio Mai, huyện Gio Linh bị tốc mái. Đê cát xã Trung Giang bị vỡ, đường cơ động ven biển Cửa Tùng bị sạt lở nhiều đoạn khoảng 50m, vào sâu 2m, có nhiều đoạn thủy triều dâng ngập sâu 1-1,5m. Nhiều cây cối bị đổ gây ách tắc giao thông ở thị xã Đông Hà.
Sạt lở và ngập nhiều tuyến đường như ở đoạn Km 10 đường Hồ Chí Minh, tuyến Tân Long-A Túc-Pa Tầng bị tắc đoạn Km30+900 do ngập sâu trên 1,5m, tuyến Khe Sanh-Sa Trầm bị tắc tại Km 12+500. Đê kè Trung Giang, Vĩnh Thạch, Vịnh Mốc bị sạt lở hàng trăm mét. Trung tâm huyện Đakrông bị chia cắt với các vùng: Triệu Nguyên, Ba Lòng, A Vao.
Sáng 1/10, 1 trung đội chiến sĩ công an huyện Triệu Phong tập trung ở phòng trực tác chiến. Tình hình bão lụt ở địa phương và các tỉnh luôn được cập nhật từ ban chỉ huy huyện và theo dõi tường thuật trực tiếp qua VTV. Ban chỉ huy PCLB CA huyện Triệu Phong cho biết: lúc 10h ngày 30/9, anh Nguyễn Thanh Triển (30 tuổi, ở thôn Linh Yên, xã Triệu Trạch) đã bị sét đánh chết khi đi chăn bò trên đồng.
Tại Văn phòng chỉ đạo lụt bão CA thị xã Đông Hà, ông Trần Đức Việt - Phó trưởng CA thị xã luôn liên lạc qua bộ đàm với các đội cơ động đóng ở các phường thấp trũng trên địa bàn.
10h30 sáng 1/10, đội phường Đông Giang báo lên: nước bắt đầu dâng lên ngập các khu phố 6, 7, 8, 9, không đi được, người dân đang tập trung tại trường học Hoàng Hoa Thám. Tiếp đó, đội Đông Lễ báo cáo: khu phố 7, 8 đã bị ngập. Lúc 3h ngày 1/10, tàu thống nhất từ Hà Nội đi TP.HCM phải dừng lại ở ga Đông Hà. Ba tổ CA thị xã đã tuần tra liên tục, đảm bảo an ninh trật tự.
8h, ở Quảng Trị bắt đầu mưa tầm tã, gió thổi mạnh. Trên đường rất ít người đi lại, nhà dân đều đóng kín cửa. Một số nhà ở thị xã Đông Hà đã bị gió thổi bay mái tôn. Càng về trưa, vùng Triệu Phong, Hải Lăng mưa giữ dội, gió giật rất mạnh, không thể chạy xe máy trên đường QL.1A được. Một số đoạn đường như ở chợ Đông Hà, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ đã bị ngập nước gần hết bánh xe. Thị xã Đông Hà đã bị mất điện cục bộ một số nơi, văn phòng BCH PCLB tỉnh ở đường Hùng Vương cũng bị mất điện, phải chạy máy nổ.
BCH PCLB&TKCN tiếp tục họp rút kinh nghiệm và bàn chỉ đạo nhân dân chằng chống nhà cửa, tiếp tục di dời những hộ dân trong vùng nguy hiểm, gia cố đê bao các hồ. Khắc phục khẩn cấp, gia cố 110m mái đập hồ Trung Chỉ bị sạt lở.
Tối 30/9, đã hoàn thành phương án thông xe cầu tạm và xử lý mố cầu Dài bị sạt lở trên QL 1A. Kiểm tra, chỉ đạo Sở Giao thông vận tải gia cố đê pha sông biển Cửa Tùng, triển khai lực lượng để thông tuyến trên những đoạn đường bị sạt lở. Chuyển một số cơ số hàng dự trữ PCLB như mì ăn liền từ các kho của Công ty Thương mại tỉnh về văn phòng BCH PCLB để chủ động trong cứu trợ.
Theo dự đoán, tối 1/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sẽ có mưa to, nước dâng ngập một số vùng. Vì thế tất cả các cơ quan chức năng đang sẵn sàng, chuẩn bị lên đường đi cứu trợ.
Nghệ An: 4 người chết
Không trực tiếp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 6, tuy nhiên, đã có mưa lớn ở huyện Thanh Chương (Nghệ An). Tại đây, đã có 4 người thiệt mạng. Cả 4 người này bị chết trong khi đang đánh bắt cá trên sông.
Ngay sau khi nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người thân bị chết và cảnh báo với người dân trên địa bàn, nhất là những hộ gia đình sống cạnh sông, suối cần cảnh giác cao khi mùa mưa bão đã đến; trong mưa bão không nên đến các sông, suối để đánh bắt cá.
Kiên Giang: 9 tàu chìm,141 hộ dân phải di dời
Tính đến 16h chiều 1/10, theo báo cáo nhanh của BCH PCLB&TKCN tỉnh Kiên Giang, bão số 6 đã gây mưa, giông, sóng to gió lớn, gây thiệt hại tại một số địa phương trong tỉnh.
Tại huyện An Minh, lốc đã làm sập một căn nhà ở xã Vân Khánh Đông và 2 căn nữa ở xã Vân Khánh Tây.
Ngoài ra, lốc cũng làm tốc mái 8 căn nhà khác ở Vân Khánh Tây và 1 căn ở xã Đông Hưng. Ở ấp Bãi Bàng, xã Lại Sơn (Kiên Hải), một tàu 30CV đã bị chìm, hiện các lực lượng đang được huy động để trục vớt.
Trong khi đó, bão số 6 đã ảnh hưởng nhiều đến huyện đảo Phú Quốc. Theo số liệu thống kê từ BCH PCLB&TKCN huyện này, bão đã làm chìm tổng cộng 8 chiếc tàu, làm sập 8 căn nhà ở thị trấn Dương Đông và 2 căn ở xã Hàm Ninh.
Song song đó, do mưa lớn cộng với triều cường nên Phú Quốc có 45 cơ sở sản xuất (trong đó có 20 cơ sở sản xuất nước mắm) bị ngập. Đáng lưu ý, có 406 căn nhà bị ngập, trong đó 110 căn ở thị trấn Dương Đông, 3 căn ở thị trấn An Thới, 75 căn ở Cửa Cạn, 125 căn ở xã Cửa Dương, 85 căn ở Hàm Ninh và 8 căn ở Dương Tơ.
Theo BCH PCLB huyện Phú Quốc, số hộ ngập lụt phải di dời đến nơi an toàn là 141 hộ với 587 khẩu.
Tin từ Ban chỉ đạo tiền phương
9h: Theo Ban Chỉ đạo PCLB TW, lúc 6h sáng nay, tâm bão đã ảnh hưởng vào đất liền và dự kiến thời gian ảnh hưởng đến khoảng 11h trưa. Thông tin liên lạc vẫn đảm bảo thông suốt.
Đến nay, chưa có thiệt hại về người
Hiện Ban chỉ đạo tiếp tục tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin về cứu hộ, cứu nạn; theo chặt chẽ lũ trên các triền sông để ứng cứu kịp thời khi có lũ quét; theo dõi và chỉ đạo xử lý kịp thời về sự cố hồ chứa, đập dâng và sẵn sàng xử lý các thông tin về cứu trợ. Văn phòng Ban chỉ đạo PCLB TW sẽ tiếp tục nắm thông tin, cập nhật về diễn biến, công tác đối phó, sơ bộ tình hình thiệt hại của cơn bão số 6, sẽ có báo cáo nhanh vào 15h chiều nay.
6h: Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng vừa thông tin trên VTV: Chỉ còn ít phút nữa là tâm bão vào đất liền. Tất cả nhân dân dọc bờ biển đã được sơ tán. Ngư dân trên biển cũng đã vào bờ. Tất cả đã sẵn sàng đón tâm bão và ứng chiến trước mọi tình huống.
Một số ngọn núi đã sạt lở. Các thành phố, thị xã đều đã mất điện. Nhiều cây lớn bật rễ, cột điện đổ ngang. Bão số 6 sẽ tàn phá nặng nhất từ Huế đến Quảng Ngãi, nhưng ngư dân chắc chắn an toàn. Một số người đã bị thương được đưa đi cấp cứu. Hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái hoặc sập đổ nhưng không có người bên trong. Đến thời điểm này, chưa có thiệt hại về người. Tối qua, cứu hộ được một tàu của Ninh Thuận, ngư dân trên tàu đã vào bờ an toàn.
Từ đêm qua, Đà Nẵng đã nghiêm cấm người ra đường. Các sự cố đứt dây điện, đổ cột đã được ngành điện lực khắc phục ngay. Công trình thủy lợi, giao thông chưa bị hư hại; tuy nhiên thành phố này vẫn không chủ quan bởi bão số 6 có thể gây sạt lở và lũ quét.
Tâm bão: Từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam
Tin từ Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn T.Ư lúc 9h sáng nay, bão số 6 đã đi vào đất liền thuộc địa phận TP. Đà Nẵng. Tại đây, bão đã gây gió mạnh cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 12.
Tại thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam), gió mạnh cấp 8, giật trên cấp 12. Tại TP.Huế cấp 7, giật cấp 8. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Binh, Quảng Trị, gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 8. Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to.
Theo Trung tâm Dự báo KTTV TW, 9h sáng nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,0 độ vĩ bắc; 108,1 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km/giờ), giật trên cấp 12.
Hồi 7h sáng nay (1/10), vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 16,0 độ vĩ bắc; 108,5 độ kinh đông, ngay sát bờ biển phía đông thành phố Đà Nẵng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km/giờ), giật trên cấp 12.
Cũng vào lúc 7h, tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đo được gió mạnh cấp 8, giật cấp 12. Tại Đà Nẵng: cấp 10, giật trên cấp 12, Tam Kỳ (Quảng Nam): cấp 8, giật trên cấp 10; Huế: cấp 6, giật cấp 9; Cồn Cỏ (Quảng Trị): cấp 7, giật cấp 9; Đồng Hới (Quảng Bình): cấp 6, giật cấp 10; Kỳ Anh (Hà Tĩnh): cấp 6, giật cấp 8. Hiện nay ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi đang có mưa to đến rất to.
Lượng mưa đo được trong 6 giờ qua (tính đến 7hsáng ngày 01/10/2006) ở một số nơi như sau: Thị xã Quảng Ngãi: 64 mm; đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi): 240 mm; Tam Kỳ (Quảng Nam): 223 mm; Thành phố Đà Nẵng: 97mm; Thành phố Huế: 88 mm; Thị xã Đông Hà (Quảng Trị): 21 mm...
Bão số 6 tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km; khoảng từ 8 - 9 giờ sáng nay, vùng tâm bão đổ bộ vào thành phố Đà Nẵng. Sau đó bão tiếp tục di chuyển về phía tây, đi sâu vào đất liền và suy yếu thêm.
Như vậy, sáng nay bão tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Quãng Ngãi và bắc Tây Nguyên.
Do ảnh hưởng của bão, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi sáng nay có gió bão mạnh cấp 7, giật trên cấp 8, riêng các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 12.
Ngoài ra, do tác động của hoàn lưu bão, khu vực phía nam Biển Đông, vùng biển ngoài khơi Nam Trung Bộ và Nam Bộ có gió tây nam mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh.
Các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cần chủ động phòng tránh lũ quét và sạt lở đất trên các sông suối miền núi và ngập sâu ở vùng đồng bằng ven biển.
Lũ dâng cao trên các sông Trung bộ
Từ 13h30 chiều 30/9, các sông ở Thừa Thiên Huế đã xuất hiện lũ. Hiện nay, tại các khu vực thượng nguồn tiếp tục mưa to, trong đêm nay, mức lũ vượt báo động 2 và xấp xỉ báo động 3. Các khu vực nội thành và vùng hạ lưu ngập nặng.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam đang lên nhanh. Mực nước lúc 4h ngày 1/10, trên sông Bồ tại Phú ốc là 2,73m, dưới báo động II (báo động II) là 0,27m, trên sông Hương tại Kim Long là 1,76m, dưới báo động II là 0,24m, trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 5,21m, dưới báo động 1 là 1,19m.
Dự báo, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam và khu vực Bắc Tây Nguyên tiếp tục lên. Đến chiều tối và đêm nay, mực nước tại Kim Long có khả năng lên mức 3,4m, trên báo động III là 0,4m, tại Phú ốc lên mức 4,0m, dưới báo động là 0,5m; trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và khu vực Bắc Tây Nguyên lên mức báo động II và trên báo động II.
Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; ngập úng ở vùng đồng bằng ven biển và nước dâng cao vùng cửa sông các tỉnh trên.
Tiếp tục cập nhật...
-
Hải Châu - Ng.Tâm - Thế Vinh - Kỳ Nhân - Hà Trường - Chi Mai - P.Công - H.Yên - Lệ Hà - H.Minh - Mẫn An - Quang Nam - Trí Phương
Bão số 6 bắt đầu ảnh hưởng đến đất liền Dự đoán về cơn bão Xangsane rất khác nhau Đà Nẵng, 21h42, ngày 30/9 - Đêm trực bão số 6 Bão số 6 tiến sát bờ biển miền Trung Miền Trung: Dân đã sơ tán, tàu đã vào nơi trú ẩn Tối nay, gió bão mạnh nhất sẽ quất vào miền Trung Quảng Bình: 2.000 dân đã được di dời khỏi vòng nguy hiểm Miền Trung chạy đua tránh bão số 6 trong lo âu Phi đội trực thăng sẵn sàng cứu nạn bão số 6 Thủ tướng tiếp tục ra công điện khẩn huy động tránh bão Quảng Bình hoàn thành di dân, sẵn sàng đón bão Vietnam Airlines hủy toàn bộ chuyến bay nội địa
|