(VietNamNet)- Các cơ sở sản xuất hoá chất vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) phải khắc phục ngay, hoàn thành các công trình xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn VN trước 31/12/2007...
Chất thải từ tàu cũ gồm amiăng, oxit chì, thuỷ ngân, thạch tín...vô cùng độc hại. (Ảnh: ST) |
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng vừa có công văn 5383/VPCP-KG yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương thực hiện một số giải pháp để giải quyết, xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do ngành công nghiệp sản xuất hoá chất và hoá chất tồn lưu gây ra.
Theo đó, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành có liên quan giải quyết ngay việc cung cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân ở các khu vực có nguồn nước sử dụng cho sinh hoạt bị ô nhiễm, đặc biệt ở các khu vực bị ô nhiễm do tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật, chất độc hoá học và xăng dầu do chiến tranh để lại.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng được giao chỉ đạo kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT đối với các cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật về BVMT; tổ chức kiểm tra, điều tra, khảo sát các khu vực bị ô nhiễm do hoá chất còn lại trên địa bàn, trên cơ sở đó xử lý, khắc phục ô nhiễm và phục hồi chất lượng môi trường; yêu cầu các cơ sở sản xuất hoá chất vi phạm các quy định của pháp luật về BVMT phải có biện pháp khắc phục ngay các vi phạm, hoàn thành cải tạo hoặc xây dựng các công trình xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam trước ngày 31/12/2007.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo ngành y tế địa phương tổ chức khám, chữa bệnh và theo dõi sức khoẻ của nhân dân ở các khu vực bị ô nhiễm do lưu tồn thuốc bảo vệ thực vật, chất độc hoá học và xăng dầu do chiến tranh để lại, cũng như ở các khu vực bị ô nhiễm do các cơ sở sản xuất hoá chất gây ra; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) thực hiện "Đề án điều tra cơ cấu bệnh tật và lập hồ sơ sức khoẻ - môi trường của nhân dân ở các khu vực bị ô nhiễm do hoá chất gây ra", tổng hợp và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2007.
Một số giải pháp cấp bách, cần làm ngay đối với Bộ Công nghiệp và các Bộ, ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chấn chỉnh ngay công tác BVMT ở các cơ sở sản xuất hoá chất nói riêng và các cơ sở sản xuất công nghiệp nói chung, bảo đảm các chất thải công nghiệp khi thải ra môi trường phải đạt tiêu chuẩn Việt Nam.
Bộ Quốc phòng tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường ở các cơ sở sản xuất hoá chất và khu vực lưu tồn chất độc hoá học do chiến tranh để lại thuộc Bộ quản lý, đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2006.
Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) chủ trì, phối hợp với Bộ Thương mại, Bộ Công an và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có đường biên giới, cửa khẩu, cảng hàng không, cảng biển tăng cường công tác kiểm soát nhằm ngăn chặn có hiệu quả việc nhập lậu thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành có liên quan thực hiện "Đề án tổng thể điều tra, xác định và xây dựng kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do hoá chất gây ra trên phạm vi toàn quốc", báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2007.
-
Kiều Minh