221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
858284
Mua nhà sở hữu NN, chạy nước rút vì sợ lỡ tàu
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Mua nhà sở hữu NN, chạy nước rút vì sợ lỡ tàu
,

Theo quy định, thời gian để giải quyết hồ sơ mua nhà sở hữu Nhà nước là 60 ngày làm việc. Thế nhưng hạn chót giải quyết hồ sơ mua nhà sở hữu Nhà nước chỉ còn đúng 2 tháng!

Soạn: HA 939673 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Nhiều người dân tại chung cư 6A - 6B Đinh Bộ Lĩnh - TPHCM đang lo không kịp mua nhà SHNN do đơn vị chủ quản chậm bàn giao Ảnh: N. Triều

Đến hết tháng 12-2006, việc mua nhà sở hữu Nhà nước (SHNN) theo Nghị định 61/CP của Chính phủ sẽ “khóa sổ”. Như vậy, không ít người dân đang thuê nhà SHNN tại TPHCM đứng trước nguy cơ không thể mua được nhà.

Quýt làm, cam chịu

Đó là tình cảnh của gần 30 hộ dân hiện đang cư ngụ tại chung cư 6A và 6B Đinh Bộ Lĩnh, phường 24, quận Bình Thạnh - TPHCM trước nguy cơ không mua được nhà SHNN theo giá ưu đãi. Nguyên nhân do sự chậm trễ của đơn vị chủ quản của chung cư là Công ty Dệt Phong Phú (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) trong quá trình bàn giao quỹ nhà cho Nhà nước để làm thủ tục xác lập sở hữu theo quy định trước khi bán cho người dân. Ông Đỗ Tấn Phải, trưởng ban điều hành khu phố 1 cũng là người cư ngụ ở đây, bức xúc: “Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn cho Công ty Dệt Phong Phú đề nghị bàn giao quỹ nhà về cho TP để làm thủ tục hóa giá nhưng họ cứ nói là “sẽ giao” mà chờ mãi không thấy”. Cách nay vài năm, Công ty Dệt Phong Phú đề nghị mua lại khu chung cư này để xây dựng cơ sở, song do trả giá quá thấp nên không ai đồng ý. Người dân ở đây càng bức xúc hơn khi mới đây Sở Xây dựng (đơn vị được giao chủ trì việc bán nhà 61/CP) ra văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị nhanh chóng lập hồ sơ chuyển giao quỹ nhà do đơn vị tự quản cho ngành nhà đất quản lý trước ngày 30-11-2006. Sau thời điểm này, Sở Xây dựng sẽ không chịu trách nhiệm nếu việc chuyển giao chậm trễ, gây thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của các hộ dân đang sử dụng nhà. Được biết, từ tháng 8-2005, phó tổng giám đốc công ty Phạm Xuân Lập hứa với dân là sẽ chuyển giao chung cư cho ngành nhà đất nhưng mãi đến ngày 10-10-2006, công ty mới có văn bản “đề nghị các cơ quan chức năng và UBND TP hướng dẫn để công ty thực hiện đúng các yêu cầu thủ tục bàn giao chung cư trên”!

Nước đã đến... cổ!

Tình cảnh những người chạy lo thủ tục riêng lẻ gặp cảnh khổ khác. Anh Nguyễn Quang Liêm làm thủ tục xin hóa giá căn nhà ở quận 6 nhưng do trước đây gia đình anh ngụ tại một chung cư quận 3 nên phải về quận 3 xin xác nhận chưa từng được mua hóa giá căn nhà nào. Anh được Công ty Dịch vụ Công ích quận 3 hẹn đầu tháng 11 trả lời. Mới đây, anh lại lo vì chung cư tại quận 3 vừa được xác lập SHNN nên để chứng minh anh chưa có nhà còn phải đợi dài dài.

Hiện theo quy định mua nhà SHNN, thời gian để giải quyết hồ sơ thông thường là 60 ngày làm việc (nếu tính thêm thứ bảy và chủ nhật thì gần 3 tháng), do đó nhiều hộ dân có nhà vừa được xác lập SHNN đang rất lo vì sợ chạy đua không kịp với thời hạn chót để giải quyết là ngày 31-12-2006. Chỉ riêng con số này phải lên đến hàng trăm hộ như: khu nhà tập thể 463 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh; một số hộ dân trên đường Phạm Văn Chí, phường 7, quận 6; khu nhà tập thể lắp máy phường Phước Long B, quận 9...

Chưa hết, một số căn nhà hiện đang vướng do có tranh chấp lối đi chung, khiếu nại, vướng lộ giới... cũng đang gặp không ít khó khăn và sợ sẽ không giải quyết kịp. Đặc biệt, mới đây TP còn cho tháo khoán đối với các trường hợp trước đây hạn chế bán hoặc quy hoạch dự kiến, do đó chắc chắn sẽ có hàng ngàn căn nữa được đưa ra bán, như vậy sẽ tạo áp lực không nhỏ lên các đơn vị được giao bán nhà SHNN tại TP cũng như các quận, huyện vốn đang quá tải.

Trao đổi với Báo Người Lao Động về những lo âu của người dân, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Danh cho biết, hiện TP còn khoảng 13.000 căn nhà đủ điều kiện bán, chưa tính những trường hợp đang tiến hành thủ tục xác lập SHNN. Do vậy để kịp thời hạn quy định và không làm thiệt hại cho người dân, sở đã đôn đốc các đơn vị tăng tốc giải quyết, bổ sung thêm nhân sự... Đối với các trường hợp không đủ điều kiện bán thì cơ quan quản lý phải trả lời cụ thể, công khai cho người dân. Về thời gian giải quyết hồ sơ, theo ông Danh, sẽ không cứng nhắc theo quy trình mà tranh thủ rút ngắn đến đâu hay đến đó.

Riêng quỹ nhà do các đơn vị tự quản lý thì phải khẩn trương làm thủ tục bàn giao cho TP xác lập SHNN trước ngày 30-11. Nếu người dân không được mua nhà vì lý do đơn vị chủ quản chậm bàn giao, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về thiệt hại của người dân.

Số lượng nhà bán quá thấp

Theo tổng hợp từ các tỉnh, thành, sau 12 năm triển khai, mặc dù công tác bán nhà đã góp phần cải thiện rõ rệt điều kiện về chỗ ở cho hàng vạn hộ gia đình, song tiến độ thực hiện còn rất chậm. Những địa phương có nhiều nhà ở thuộc SHNN đều chưa hoàn thành việc bán nhà ở theo thời hạn mà Chính phủ đã quy định. Bình quân mới có khoảng 45% quỹ nhà Nhà nước trên toàn quốc được tư nhân hóa. T.Dũng

 

Thứ trưởng Bộ Tn-Mt Đặng Hùng Võ:

Nhà bán chậm một phần do sách nhiễu

Hiện tại, tình trạng ùn ứ hồ sơ mua nhà theo Nghị định 61/CP phổ biến ở nhiều nơi. Theo tôi, có 2 nguyên nhân. Một là, do chủ nhà không có nhu cầu mua nhà hoặc không đủ khả năng thanh toán tiền mua nhà. Thứ hai, là tình trạng những cán bộ thực hiện xét duyệt tìm cách nhũng nhiễu trong thủ tục hành chính, gây khó khăn cho những người mua nhà. Để đẩy nhanh tốc độ bán nhà theo Nghị định 61/CP, giải pháp tốt nhất là phải làm thế nào hạ thấp được số tiền phải nộp để những người không đủ khả năng thanh toán có thể tiếp cận. Để làm được như vậy, cách tính tiền sử dụng đất nên áp dụng theo pháp luật đất đai, nghĩa là đất sử dụng ổn định, không tranh chấp từ trước ngày 15-10-1993 thì được miễn, còn sử dụng sau thời điểm này phải đóng 100% theo giá thị trường. Đương nhiên, tiền nhà vẫn sẽ được tính theo Nghị định 61/CP. Nếu áp dụng như vậy, không chỉ tăng được số người mua nhà theo Nghị định 61/CP mà còn bảo đảm sự công bằng. Về chủ trương này, Bộ Tài chính cũng đã bàn và thống nhất với Bộ TN-MT. Do vậy, chúng tôi sẽ sớm có kiến nghị về vấn đề này. Th. Dũng ghi

(Theo Người Lao Động)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,