(VietNamNet) - 5 năm qua, kinh phí cho việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ở VN đạt bình quân 468 đồng/người/năm, bằng 39% so với nhu cầu thực tế.
Con số so sánh đáng giật mình này vừa được PGS.TS Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra tại hội thảo “An toàn thực phẩm” do Sở Y tế Đà Nẵng và Công ty Metro Cash & Carry VN tổ chức sáng 8/11.
Theo Cục trưởng Trần Đáng, tổng kinh phí được cấp cho các hoạt động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại VN trong 5 năm 1999 -2005 là 192 tỉ đồng, đạt 80% ngân sách kế hoạch.
Tuy nhiên, nếu tính theo bình quân đầu người thì mới đạt 468 đồng/người/năm. Trong khi đó ở Thái Lan năm 2004 là 12.000 đồng/người/năm. Như vậy, kinh phí cho các hoạt động bảo đảm VSATTP trong 5 năm qua mới đạt 39% so với nhu cầu thực tế đòi hỏi!
Không chỉ thiếu thốn kinh phí, hiện các địa phương cũng chưa đủ bộ máy quản lý chuyên ngành về công tác bảo đảm VSATTP từ tỉnh đến huyện, chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm nên không đủ khả năng quán xuyến chất lượng VSATTP. Đội ngũ cán bộ từ quản lý đến thanh tra, xét nghiệm đều quá thiếu và yếu. Trung bình mỗi tỉnh chỉ có 0,5 cán bộ ở phòng nghiệp vụ y, 0,5 cán bộ thanh tra và 2,9 cán bộ khoa kiểm nghiệm chất lượng VSATTP. Hiện thanh tra công tác VSATTP vẫn do thanh tra nhà nước về y tế kiêm nhiệm, trong khi đội ngũ này trong cả nước chỉ mới có 227 người.
“Do thiếu tổ chức, biên chế nên việc triển khai các hoạt động quản lý VSATTP còn rất hạn chế và không đầy đủ. Đến nay các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý VSATTP đã tương đối đủ để kiểm soát thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”, nhưng việc thực thi các quy định này lại chưa mạnh mẽ vì không có tổ chức và không đủ con người thực hiện” - ông Trần Đáng nhấn mạnh.
Cũng từ những nguyên nhân đó nên theo Cục trưởng Trần Đáng, mặc dù công tác tuyên truyền giáo dục về VSATTP trong 5 năm qua đạt được nhiều tiến bộ nhưng trên thực tế thì nhận thức và thực hành của các nhóm đối tượng tham gia vào chuỗi cung cấp thực phẩm (người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng, người quản lý) đều còn rất hạn chế, thiếu hụt. Nhiều phong tục tập quán lạc hậu trong chế biến và tiêu dùng thực phẩm vẫn còn phổ biến, dẫn tới tình trạng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm vẫn còn cao.
Cục trưởng Trần Đáng cho hay, do công tác kiểm soát VSATTP ở VN mới được thiết lập, còn nhiều hạn chế về hệ thống giám sát, thống kê, báo cáo nên số lượng ngộ độc thực phẩm thu thập chưa đầy đủ. Tuy nhiên con số về ngộ độc thực phẩm ghi nhận được trong 5 năm 1999 - 2005 cũng đã lên tới 1.530 vụ với 35.010 người mắc, trong đó đã có 391 ca tử vong. Đáng quan ngại là nhiều địa phương trước đây chưa xảy ra ngộ độc thực phẩm thì thời gian gần đây cũng xảy ra liên tục (như ở Đà Nẵng), hoặc có vụ lên tới hàng trăm người mắc (như ở Hà Nội).
-
Hải Châu