(VietNamNet) - 6h45 sáng nay, một trận mưa đá kèm giông lớn trút xuống TP.Hạ Long. Trận mưa kéo dài khoảng 20 phút, với các viên đá lớn bằng đầu ngón tay cái; có viên to gần bằng cái chén, được cho là lớn nhất trong 15 năm nay.
>> Bắc Kạn: Mưa đá lớn nhất trong 5 năm qua
>> Lốc xoáy và mưa đá “quần thảo” Phú Thọ
>> Hà Nội: Mưa đá bất thường trên diện rộng
>> Hà Tây: Mưa đá, lốc xoáy, 500 học sinh phải nghỉ học
>> Mưa đá, lốc xoáy bất thường tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc
Trao đổi với VietNamNet lúc 17h chiều nay, ông Chu Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ninh cho biết, tại TP.Hạ Long đã có 17 người chết và mất tích (13 người chết, 4 người mất tích), trong đó 2 người chết trên bờ, một người do bị đổ nhà, một người do cần cẩu đổ đè lên người, số còn lại chết trên biển do đắm tàu thuyền). Số người bị thương là 21 người.
Trước đó, lúc 14h cùng ngày, ông Phạm Đình Hoà - Phó ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cho biết, 3 tàu du lịch và 1 xà lan chở than bị chìm, hàng trăm cây cối bị đổ.
Nhiều khu vực trong hệ thống điện và điện thoại bị hư hỏng, hơn 10 ngôi nhà bị tốc mái.
Đá to có thể vốc thành vốc. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Đến thời điểm này, điện sinh hoạt vẫn bị cắt ở một số nơi ở TP.Hạ Long (trong đó có trụ sở Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh).
Ông Ngô Hùng, Trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long cho VietNamNet biết, số tàu thuyền bị chìm chủ yếu là của người dân. Mưa lốc đã làm đắm tàu du lịch Hải Long QN 1250 khi trên tàu đang có 3 người (tất cả đều là nhân viên nhà tàu, không có khách du lịch). Lực lượng chức năng đã cứu được 2 người; 1 người mất tích.
Ngoài ra, một tàu mang tên Biển Ngọc trên đường vào bờ cũng bị đắm. Rất may số khách trên tàu được cứu kịp thời.
Xác một nạn nhân xấu số trôi dạt vào bờ. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Tại khu vực bến phà Bãi Cháy lúc 8h45 sáng 21/11, phát hiện xác 1 phụ nữ khoảng 40 - 45 tuổi. đến cuối ngày, người phụ nữ xấu số này được xác định là bà Vũ Thị Bính (sinh năm 1954, trú tại khu 8, phường Cao Xanh, TP.Hạ Long). Còn chồng bà, người đi chung thuyền, là ông Chu Văn Hoành, vẫn chưa tìm thấy.
Tại cảng Cái Lân, 1 cần cẩu cỡ lớn của cảng bị mưa gió kéo xuống biển; ba công nhân thiệt mạng. Hai dàn cẩu khác, chuyên dùng để cẩu hàng container bị sập hoàn toàn. Được biết, mỗi dàn cẩu trị giá 60 tỉ đồng.
Tại Cung văn hoá Việt Nhật, khoảng 20 gian hàng triển lãm bị gió mưa đánh sập; toàn bộ hàng hoá trong đó bị hư hỏng, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Dân làng chài Cửa Vạn vừa thông báo đến Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, 3 người trong làng đã mất tích sau mưa giông.
Đây mới chỉ là thiệt hại ban đầu. Số người chết, mất tích và thiệt hại về vật chất đang được tiếp tục thống kê.
Ngay sau khi xảy ra mưa đá và lốc làm thiệt hại người và tài sản, UBND tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời chỉ đạo UBND TP.Hạ Long và các ban, ngành chức năng khẩn trương huy động người và phương tiện tìm kiếm những người mất tích, trục vớt các phương tiện bị đắm. Công ty môi trường đô thị khẩn trương dọn dẹp cây đổ, khơi thông cống rãnh, tránh gây ùn tắc giao thông trên các tuyến đường.
Bước đầu tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ 2 triệu đồng cho những gia đình có người chết; UBND TP.Hạ Long cũng hỗ trợ 1 triệu đồng cho gia đình có người chết và 500 nghìn đồng cho gia đình có người bị thương.
Hai công điện hỗ trợ khẩn Quảng Ninh
Ngày 21/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương; Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn và nhiều bộ, cơ quan báo chí.
Sau khi gửi lời thăm hỏi ân cần và chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị nạn, Thủ tướng yêu cầu:
1. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo việc tìm kiếm số người hiện còn mất tích; tổ chức động viên, thăm hỏi và hỗ trợ kịp thời các gia đình có người bị nạn.
2. Giao Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn và các cơ quan liên quan phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai công tác khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân vùng bị thiên tai. Tổ chức rút kinh nghiệm để phòng, tránh và hạn chế thiệt hại do thiên tai ./.
Hồi 15h ngày 21/11/2006 Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTW) và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN) cũng ra công điện khẩn yêu cầu Ban chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và TKCN tỉnh Quảng Ninh; các Bộ, ngành:
1. Triển khai mọi biện pháp để tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa những người bị thương; tổ chức chu đáo việc mai táng những người bị thiệt mạng.
2. Hỗ trợ các gia đình có người bị thiệt mạng, mất tích, bị thương.
3. Giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại về nhà ở để nhanh chóng ổn định chỗ ở; giúp các gia đình có tàu thuyền bị chìm trục vớt để sửa chữa.
4. Ban chỉ huy PCLB các bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải và Tổng cục Du lịch chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh để kịp thời khắc phục hậu quả và giúp đỡ các nạn nhân bị nạn.
5. Tổ chức trực ban 24/24h, theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến để xử lý, báo cáo kịp thời về Ban Chỉ đạo PCLBTW.
Danh sách nạn nhân thiệt mạng: |
Hiện đã xác định được danh tính của 7 trong số 14 nạn nhân bị thiệt mạng tại TP Hạ Long gồm: 1. Chị Đào Thị Non, sinh năm 1977, phường Cao Xanh 2. Bà Vũ Thị Bính, sinh năm 1949, phường Cao Xanh 3. Chị Chu Thị Dung, sinh năm 1980, phường Cao Xanh 4. Bà Phạm Thị Liên, sinh năm 1965, trú tại khu 7, khu 8 phường Cao Xanh 5. Bà Lê Thị Dân, sinh năm 1956, trú tại tổ 5B, khu 2,phường Hùng Thắng 6. Anh Lê Văn Ngọc, sinh năm 1982, công nhân của Công ty Gốm Hạ Long 7. Anh Đào Hà Quân, công nhân Cảng Quảng Ninh. |
-
Nhóm PV