221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
870862
Sinh viên trong “cơn lốc” đa cấp trực tuyến
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Sinh viên trong “cơn lốc” đa cấp trực tuyến
,

Thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng thường nhắc nhiều đến hình thức “bán hàng đa cấp”. Tại Hà Nội thời điểm này cũng đang xôn xao với hình thức gọi là mua bán trực tuyến trên mạng (bản chất cũng là bán hàng đa cấp).

Đặc biệt, trong số thành phần tham gia chiếm một lượng không nhỏ là học sinh, sinh viên...

Nguồn gốc

Một buổi “Giới thiệu dự án GSO-Media và cơ hội kinh doanh trên mạng Internet”.

Tham gia một buổi học có tên “Giới thiệu dự án GSO- Media và cơ hội kinh doanh trên mạng Internet” của Cty Savicom mới thấy được quy mô rộng lớn của hình thức kinh doanh này.

Qua lời giảng của ông Phạm Thành Công - Giám đốc Cty thì đây là dự án bắt nguồn từ Tổng Công ty chính tại Mỹ: GBS (Global Business Solution). Chi nhánh tại Việt Nam là Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Sao Việt (Savicom), trụ sở chính tại tòa nhà 17, T9 khu đô thị mới Trung Hòa, Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội). Ngoài ra, công ty này cũng đã mở chi nhánh tại: Hải Phòng, Gia Lai, Hà Tây và Thái Nguyên...

Với lịch thuyết trình dày đặc liên tục (tại khách sạn làng Sinh viên – Thanh Xuân, Hà Nội), chương trình này đã thu hút rất đông người tham gia. Sau hai năm, số lượng thành viên đã lên đến 270.000 người, trong đó sinh viên chiếm 2/3.

Dễ dàng thành VIP

Thực chất, dự án này là trang web được lập ra dưới hình thức diễn đàn. Trang web có tên: www.gso_media.com. Để trở thành thành viên, bạn tham gia vào ba cấp độ. Trước hết, bạn phải đăng ký để trở thành thành viên miễn phí (sử dụng miễn phí các dịch vụ như: truy cập thư viện, rao vặt, tìm bạn, xem phim)... Đồng thời, bạn sẽ được cấp một mã số tài khoản với đơn vị tiền tệ nội bộ GSO- Money (một điểm GM tương đương một đôla Mỹ).

Trong diễn đàn này có nhiều cửa hàng đăng ký quảng cáo và khi mỗi thành viên đọc những mẩu quảng cáo đó sẽ được trả một khoản tiền, khoảng 0,01 USD/ một lần đọc.

Chương trình thứ hai là sử dụng thẻ ưu đãi GSO- Media. Khi có một số USD (số điểm GM) nhất định, bạn sẽ có thẻ ưu đãi và được giảm giá khi đến mua sắm ở một số cửa hàng có đăng ký trên diễn đàn.

Chương trình VIP là chương trình đặc biệt nhất của trang web. Những người được gọi là VIP phải có 100 điểm trong tài khoản và được một thành viên khác là VIP giới thiệu vào. Là VIP, bạn có nhiều quyền lợi về truy cập mạng cũng như thu thập điểm GM (USD) nên hầu hết thành viên đều tìm cách để đạt danh hiệu này.

Thoạt đầu, có thể nói đây là dự án bình thường với những hình thức khuyến mại thu hút khách hàng hấp dẫn. Nhưng khi tìm đến một trong những trụ sở tại Hà Nội (tầng 8, nhà T6, khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính) mới thấy có nhiều điều lạ.

Thứ nhất, theo lời các anh chị đi trước thì để trở thành VIP, nếu chỉ dựa vào đọc quảng cáo để tích trữ đến 100 điểm là rất khó thực hiện. Cách phổ biến mà mọi người thường làm là mua điểm từ những người đã là VIP.

Thành viên muốn thăng chức đưa tiền mặt 1,6 triệu đồng cho một VIP và nhận vào tài khoản của mình 100 điểm GM (tương đương 100 USD). Số điểm của họ sau đó tăng nhanh hay chậm tùy vào khả năng giới thiệu thành viên và mua bán điểm của họ.

Thứ hai, điểm GM của thành viên dự án đều tăng lên bằng cách giới thiệu thành viên mới tham gia. Thường thì người đầu tiên (gọi là thành viên ở tầng một) sẽ giới thiệu hai người khác, mỗi người trong hai người đó (gọi là thành viên ở tầng hai) lại giới thiệu hai người khác tham gia. Đến lượt người thứ 8 thì dừng lại.

Mỗi lần có thành viên mới tham gia, những người ở các tầng trước đều được hưởng hoa hồng (tính theo điểm GM). Trung bình chỉ cần giới thiệu hai người tầng hai, sau đó “không làm gì” thì người tầng một vẫn được hưởng ít nhất 80 USD/một lượt.

Khi tài khoản có trên 100 điểm, thành viên có quyền rút tiền ở Cty hoặc bán điểm cho người mới tham gia để lấy tiền mặt (bắt buộc để lại trong tài khoản 50 điểm).

Chỉ là lợi nhuận?

Nhiều sinh viên đã thừa nhận sai lầm khi tham gia chương trình này. Để trở thành VIP ngay lập tức họ phải có trong tay 1,6 triệu đồng tiền mặt. Số tiền đó là quá lớn với sinh viên, chỉ có thể lấy từ vay nợ hoặc tiền trợ cấp của bố mẹ.

Minh là sinh viên trường Quản trị kinh doanh ngậm ngùi: “Sau hai tháng, thấy dự án có vẻ mập mờ và khó hiểu, mình bán lại số điểm và rút lui. May mà vẫn đủ để nộp học phí, còn tiền nhà giờ vẫn nợ...”.

Bên cạnh mất tiền, nhiều sinh viên khác đã đánh mất cả những mối quan hệ tốt đẹp. Để kiếm được số điểm cao cho mình, họ phải tìm được những thành viên mới.

Những người đó chủ yếu là bạn bè thân hoặc họ hàng. Người cũ bán điểm cho người mới, người mới trao tiền cho người cũ để mua điểm, và lại bán điểm để lấy tiền từ người quen khác của họ.

Rõ ràng là, bên cạnh khoản tiền “trên trời rơi xuống” đó, đã có không ít sinh viên phải nợ nần, chi tiêu những khoản tiền dành cho học tập và  mất đi những mối quan hệ tốt để tham gia vào hình thức gọi là “thương mại trực tuyến”.

Số tiền 100USD (1,6 triệu đồng) mỗi người có được thực chất chuyển từ tay người này sang người kia, còn lãnh đạo dự án không can thiệp. Câu hỏi đặt ra là:

Số tiền hoa hồng trả cho việc giới thiệu thành viên; số tiền đầu tư cho thẻ ưu đãi khi mua hàng; trả cho việc đọc quảng cáo và truy cập Internet miễn phí từ đâu ra? Tại sao lại có một chương trình rất lớn thu hút đông đảo người tham gia gọi là “thương mại trực tuyến” mà chủ yếu lại chỉ để mua bán điểm? 

(Theo Tiền Phong)

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,