221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
880780
Toàn miền Bắc mất điện do sự cố ở Pleiku
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Toàn miền Bắc mất điện do sự cố ở Pleiku
,

(VietNamNet) - Khoảng 15 chiều nay (27/12), hệ thống điện Hà Nội đột ngột tê liệt trong nửa giờ. Tín hiệu giao thông, một số hoạt động ngân hàng cũng tê liệt trong thời gian trên.

Soạn: HA 501309 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Sửa điện cao thế.
Mất điện trên diện rộng khiến hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng. Điện lực Hà Nội phải huy động toàn bộ cán bộ kỹ thuật tham gia khắc phục sự cố.

Mất điện đột ngột khiến hệ thống đèn điều khiển tín hiệu giao thông tê liệt, gây ra tình trạng lộn xộn trên các ngả đường. Khách hàng của Vietcombank bị nuốt thẻ ATM được "khất" chờ có điện trở lại mới xử lý.

Hệ thống trung tâm tại ngân hàng không bị ảnh hưởng, vì máy chủ thường được trang bị bộ lưu điện. Song tại các máy ATM, khi mất điện sẽ làm gián đoạn giao dịch, chẳng hạn kẹt tiền, kẹt thẻ...

Theo Cụm cảng hàng không miền Bắc, sự cố mất điện không ảnh hưởng đến các hoạt động bay hạ cánh của các hãng hàng không vì đã có hệ thống điện dự phòng như máy nổ...

Tại Hà Nội, ở một số quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng… ngay cả những tuyến phố trung tâm như Hàng Đậu, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai, Bà Triệu, Hàng Trống, Hàng Khay, Lý Thường Kiệt đến Lạc Trung, Lò Đúc, Kim Ngưu… cũng bị tê liệt.

Đáng chú ý, sự cố mất điện đã làm hệ thống giao thông ở thủ đô rơi vào hỗn loạn do không có đèn chỉ huy giao thông. Chắc chắn, sự cố mất điện chiều 27/12 gây thiệt hại nhiều cho các ngành, đặc biệt là lĩnh vực giao dịch tự động và sản xuất. Hiện vẫn chưa có thống kê về thiệt hại này.

Trước khi xảy ra sự cố mất điện, hệ thống điện, đèn sinh hoạt có hiện tượng chập chờn rồi mới tắt hẳn. Trao đổi với một số cán bộ có trách nhiệm của Điện lực Hà Nội ngay sau đó, phóng viên VietNamNet được biết, có thể do sự cố tụt áp, nhưng không phải do hệ thống điện của Hà Nội.

Phóng viên đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (Ao) nhưng đều không thành. Nguồn tin ban đầu cho hay, có khả năng tụt áp hệ thống đường dây 500 KV dẫn đến sự cố mất điện diện rộng như vậy.

Đến 21h30, sau nhiều nỗ lực, VietNamNet cũng đã liên lạc được với ông Đặng Huy Cường, GĐ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, ông Cường cho hay sự cố đang được khắc phục và không cho biết nguyên nhân cũng như không bình luận gì thêm.

Trao đổi với VietNamNet lúc 22h tối 27/12, ông Phạm Lê Thanh, Tổng GĐ Tổng Công ty Điện lực VN cho biết, miền Bắc đang tích nước chuẩn bị phát điện mùa khô năm tới nên phải tải điện miền Nam ra với khối lượng cao nên dẫn đến sự cố nhảy máy cắt ở Pleiku làm cả hệ thống bị ảnh hưởng. Như vậy, nguyên nhân ban đầu của sự cố mất điện toàn miền Bắc chiều 27/12 đã được EVN xác nhận.

Ông Thanh cho biết thêm, hiện nay, hệ thống điện của miền Bắc đang hoạt động thiếu an toàn do phải tải điện từ miền Nam ra với mức cao.

Trước đó, VietNamNet đã có thông tin liên quan đến quá tải điện trước mùa khô. Theo Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN), để đảm bảo cung cấp điện trong mùa khô, hệ thống điện quốc gia cũng như hệ thống điện miền Bắc sẽ luôn ở trong tình trạng báo động cao nhất. Nếu có sự cố các đường dây, nguy cơ rã lưới hệ thống điện miền hoặc hệ thống điện quốc gia có thể xảy ra

Do số lượng nguồn điện đưa vào vận hành ở miền Bắc trong năm 2006 không đáng kể, hệ thống điện miền Bắc và bắc miền Trung thường xuyên phải nhận một lượng công suất lớn từ hệ thống điện miền Nam. Các đoạn đường dây 500KV Phú Lâm - Pleiku, Pleiku - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Hà Tĩnh thường xuyên phải truyền tải cao trong các tháng mùa khô, đặc biệt là tháng 4, 5, 6.

Đặc biệt đường dây 500KV Pleiku - Đà Nẵng mạch 2 có thể phải mang tải tới 160% vào giai đoạn này, có nguy cơ cao gây rã lưới điện một phần hoặc toàn bộ hệ thống điện miền Bắc và  gây nguy hiểm cho hệ thống điện miền Nam.

Theo EVN, các kết quả tính toán cho thấy trong chế độ phụ tải cực đại mùa khô 2006 giai đoạn này lưới truyền tải chưa đảm bảo an toàn khi bị sự cố N-1(sự cố một phần tử bất kỳ trong hệ thống điện), đặc biệt là việc quá tải do truyền điện từ Nam ra Bắc như đã nêu trên. Khả năng bị sự cố N-2 tuy có xác suất thấp, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra trong giai đoạn mùa khô, đặc biệt là sự cố các đường dây chung cột.

Hệ thống ATM có dự phòng mất điện

Việc mất điện đột ngột đã gây ra bất ngờ cho nhiều hoạt động, điều nhiều người lo ngại nhất là xảy ra những sự cố trong thanh toán điện tử và tại các máy rút tiền ATM.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi trong buổi tối ngày 27/12, một chuyên viên trung tâm thẻ Ngân hàng Công thương cho biết, về nguyên tắc, việc mất điện có thể gây ra một số trục trặc khi giao dịch như kẹt thẻ, những máy đang giao dịch nuốt thẻ của khách hàng, sau khi có điện mới trả thẻ và báo hoá đơn dù khách hàng không còn ở đấy.

Tuy nhiên, hầu hết hệ thống thanh toán điện tử và ATM của Ngân hàng Công thương đều có điện dự phòng, ngay khi mất điện hệ thống này đã tự động bật để đảm bảo hoạt động. Cho đến cuối ngày 27/12 ngân hàng chưa nhận được phản ánh sự cố nào từ phía khách hàng. Với một hệ thống máy ATM rộng chủ yếu đặt ngoài hội sở nên có thể sẽ có những sự cố phản ánh trong những ngày tới nhưng mọi việc sẽ được giải quyết nhanh chóng do ngân hàng luôn có hệ thống dữ liệu đầy đủ.

Đại điện Ngân hàng Techcombank cũng cho biết,  việc mất điện xảy ra rất đột ngột sẽ gây nhiều trục trặc cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, do có hệ thống dự phòng nên các dịch vụ đều không bị ảnh hưởng nhiều, hoạt động thanh toán điện tử, thẻ vẫn diễn ra bình thường. Trung tâm giải đáp về dịch vụ thẻ của VIB Bank cũng cho biết, họ chưa nhận được phản ánh sự cố do mất điện gây ra.

  • Thế Vinh - Trần Thuỷ - Phong Vũ

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,