(VietNamNet) - Công tác dọn dẹp hiện trường vụ sập 5 căn nhà ở phường 17, Bình Thạnh ít nhất phải mất hơn 7 ngày. Trách nhiệm của các bên liên quan sẽ được cơ quan điều tra xem xét. Tuy nhiên, một lần nữa, vụ sập nhà minh chứng cho những yếu kém về quản lý của địa phương trong lĩnh vực xây dựng.
>>>Chống nghiêng: 1 khách sạn sập, 4 nhà dân sập theo
>>>Vụ sập 5 căn nhà: có dấu hiệu thi công "lụi"
>>>Nhà đang xây bất ngờ đổ sập đè chết ba công nhân
Mất tài sản, mất luôn chỗ ở
Trở lại hiện trường vụ sập nhà hôm 9/1 trên đường Nguyễn Cửu Vân, bày ra trước mắt chúng tôi là cảnh tan hoang như sau một vụ thảm hoạ tàn khốc. Những khối bêtông đổ sụp đè lên nhau ngổn ngang. "Tôi cứ tưởng mình lạc vào nơi nào khác chứ không phải xóm cũ nhà mình"- sau ít ngày xa nhà, chị Bích người dân địa phương không thể tin vào mắt.
Tai nạn kinh hoàng đã làm nhiều gia đình mất chỗ ở. Chị Nguyễn Thị Hiếu (số nhà 46/50) sau cơn thoát nạn đang phải đôn đáo kiếm chỗ tá túc. Toàn bộ cơ ngơi tích góp trên 20 năm bằng công sức vất vả của vợ chồng chị bỗng chốc biến thành đống gạch vụn vỡ nát. Những vật dụng sinh hoạt đắt tiền như tivi, máy lạnh, tủ lạnh...bị hư hại nặng. Căn nhà diện tích khoảng 76m2 của chị Hiếu trước còn ngăn ra nhiều phòng cho sinh viên thuê trọ học và là nguồn thu nhập chính của gia đình bị thiệt hại trên 70%.
Căn nhà thi công sửa chữa "lụi" đã từng bị lập biên bản hai lần, nhưng cán bộ địa chính- xây dựng địa phương không phát hiện chủ nhà thuê nhà thầu gia cố móng. |
Gia đình anh Huỳnh Thanh Tuấn (nhà số 46/44 Nguyễn Cửu Vân) hiện phải tá túc ở nhà người anh. Cả gia đình gồm 4 nhân khẩu bỗng chốc mất chỗ ở.
Còn chị Hoàng Dương Ngọc Phượng (sinh năm 1984), nạn nhân bị thưong nặng nhất trong vụ sập nhà đang nằm điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định với cái chân gãy.
Theo đánh giá của một chiến sĩ thuộc Trung tâm Cảnh sát PCCC khu vực 9 (Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM), chị Phượng là trường hợp sống sót hi hữu. Bởi khi chiến sĩ cứu hộ giải cứu, chị Phượng bị khối bêtông to lớn đè lên và đã bất tỉnh.
Trước tình cảnh trên của các hộ dân gặp nạn, ông Vũ Nam Trung, Chủ tịch phường 17 cho biết, các ban ngành, đoàn thể của phường và quận Bình Thạnh đã giúp đỡ các gia đình bị nạn. Nạn nhân nằm viện cũng đã được hỗ trợ 6 triệu đồng để hỗ trợ tiền thuốc thang chữa trị.
Công việc dọn dẹp hiện trường đang được xúc tiến, dự kiến trong 7 ngày mới có thể dọn xong. Hiện nay, Công ty TNHH Xây dựng- Phát triển nhà Hải Châu (16 Bùi Tư Toàn, phường An Lạc, quận Bình Tân) là đơn vị được thuê để đảm nhiệm phần việc này.
Theo phương án, công nhân của Công ty Hải Châu phá tường từ trên xuống dưới, không giật sập tường thành từng mảng tránh gây chấn động bằng cách đục chân. Đối với những khu vực có khả năng sụp đổ bất ngờ và tại vị trí dùng tời kéo đổ, sàn bên dưới được chống bằng giàn giáo chắc chắn. Giàn giáo neo tránh để những mảng tường sụp đổ bất ngờ về phía các nhà lân cận đã được dựng lên.
Để đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện, Công ty Hải Châu chỉ sử dụng lao động có tay nghề 5- 15 năm trở lên để tháo dỡ công trình. Công nhân tháo dỡ được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động. Công ty đảm trách cam kết trong quá trình tháo dỡ sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu gây ra hậu quả cho người và kiến trúc xung quanh.
Căn nhà nghiêng, sập không có hồ sơ quản lý
Trao đổi với chúng tôi về vụ sập nhà kể trên, "thần đèn" Nguyễn Cẩm Luỹ cho rằng, chuyện chống nghiêng cho các công trình là một kỹ thuật bình thường. Thế nhưng, phương án chống nghiêng bằng cách dằn tải bên trên của Công ty Tư vấn thiết kế và Xây dựng A.C.T là một phương án sai lầm. Đơn vị thi công đã phạm phải nguyên tắc cơ bản trong việc chống nghiêng cho các công trình.
"Thần đèn" cho biết để hạn chế những tai nạn sập nhà cần phải có trường đào tạo bài bản về kỹ thuật và phương pháp chống nghiêng, chống lún, di dời công trình. Vì mỗi công trình đều có phương án khắc phục khác nhau không giống như công trình xây dựng cơ bản do vậy đơn vị thực hiện phải thiết kế phương án phù hợp với từng công trình.
Bà Hồ Thị Kim Loan, Chánh thanh tra Sở Xây dựng nói, sự cẩu thả của công nhân và yếu kém của nhà thầu trôi nổi là nguyên nhân chung nhất dẫn đến sập nhà. Bà Loan giải thích thêm: "
Tuy nhiên, trong vụ sập nhà trên, cũng cần xem xét trách nhiệm của địa phương do sự yếu kém, buông lỏng quản lý. Khó có thể chấp nhận khi cán bộ phụ trách địa chính xây dựng của phường 17 giải thích đã từng kiểm tra và lập biên bản vi phạm 2 lần đối với nhà 46/46 Nguyễn Cửu Vân mà không phát hiện chủ nhà thuê nhân công gia cố móng, chống nghiêng cho nhà.
Khi đề cập đến hồ sơ căn nhà nghiêng, sập, một cán bộ nói: "Phường không có hồ sơ quản lý vì nhà đã xây quá lâu"!
-
Trần Duy