Phía trước là hàng rào bằng gang đúc. Hàng rào xung quanh khuôn viên, nửa dưới xây gạch, nửa trên kéo dây kẽm gai. Vào phủ thờ có cầu bê tông bán nguyệt xây trên ao nuôi cá, trồng sen.
Phủ thờ chính rộng 36 m2 mái mái ngói, rồng phượng uốn lượn. Cửa ra vào bằng gỗ nhập từ Inđonesia. Phía sau là ngôi nhà rộng hơn 100 m2 được xây khá kiểu cách. Sân nơi thì lát tấm đan, nơi thì có đá chẻ. Cây kiểng rất nhiều, nhất là các loại mai.
Anh Phạm Văn Tú, quê ở Đồng Tháp, đang làm công cho gia đình ông Lộc kể: Không chỉ mình tôi mà còn nhiều bà con khác cũng có công ăn việc làm tại phủ thờ như chăm sóc cây kiểng, bảo quản phủ thờ. Mỗi ngày mỗi người được trả 25.000 đồng.
Theo bà Trương Hoài Thanh, vợ ông Viện trưởng Trần Công Lộc, phủ thờ này lớn nhất vùng thì không sai. Tiền xây cất hết chừng 500 triệu đồng. Còn thợ xây mướn ở Cà Mau lên, thợ phụ mướn tại địa phương...
Bà Trần Mỹ Lệ - Chị thứ 6 của ông Lộc cho biết: Gia đình có 9 anh chị em, hiện còn 7 người, 2 người hy sinh. Anh chị em đều là cán bộ đảng viên, nhiều người đã về hưu. Ông Lộc là em thứ 8 trong gia đình. Về việc xây phủ thờ, bà Lệ nói: “Đất rộng trên 7.000m2 do bà đứng tên. Tiền bạc anh em góp mỗi người một ít, ông Lộc có điều kiện nên góp nhiều hơn”.
Một số bà con địa phương khi được cho biết khu phủ thờ xây dựng chỉ hết khoảng 500 triệu đồng thì ngạc nhiên, cho là quá rẻ. Theo bà con địa phương thì chỉ san lấp mặt bằng và xây hàng rào cùng cầu, cổng đã hết chừng đó tiền. Việc xây phủ thờ hoành tráng ở một vùng quê xa nghèo khó như thị trấn Ngã Năm đang làm xôn xao dư luận địa phương.
Theo Tiền Phong