221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
901562
"Xe nhồi, xe nhét" vào Nam
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
'Xe nhồi, xe nhét' vào Nam
,

(VietNamNet) - Sau Tết nguyên đán, hàng ngàn hành khách lại xuôi Nam mưu sinh, trong những chuyến xe nêm người đến... ngạt thở.

Không ăn thì phải ngồi... canh cửa. Ảnh: H.T.

80 người + 400 thùng bia+ hàng hoá/xe 48 chỗ

3h sáng ngày mồng 6 Tết, PV VietNamNet đứng ở một địa điểm bán vé xe chạy Bắc- Nam gần nhà ở huyện Giao Thuỷ (Nam Định) để đón xe vào Đà Nẵng.

Sau đây là nhật ký hành trình chuyến xe khủng khiếp mà anh vừa trải qua:

"Mãi đến 6h, mới có một chiếc xe 48 chỗ ngồi mang biển số 18T- 2425 chịu dừng đón khách.

Đón xe khó, không phải vì quê tôi thiếu xe mà là vì trong ngày hôm đó chỉ có duy nhất một tuyến Giao Thuỷ - Đà Nẵng, còn hàng chục xe khách chạy vào tận TP.HCM hoặc Vũng Tàu không nhận khách đường gần…

Dù phải chịu giá vé 200.000 đồng, nhưng tôi rất mừng, nghĩ tối nay mình có thể vào tới Đà Nẵng. Niềm vui của tôi và những hành khách khác đi Đà Nẵng trên chuyến xe chưa được là bao, đã xuất hiện những dấu hiệu bất an.

Mặc dù xe đã khá kín chỗ, nhà xe vẫn cứ chạy vòng vèo để tiếp tục bắt khách… Mãi tới 10h sáng, xe mới chịu ra khỏi TP. Nam Định (từ nhà tôi ra khỏi thành phố chỉ là 20km). Dọc đường, xe tiếp tục điệp khúc... nhồi và nhét!.

Đến địa phận tỉnh Thanh Hoá, số người trên xe đã lên tới 80 người, nhưng chủ, phụ xe vẫn tiếp tục bắt khách.

Qua TP. Thanh Hoá một quãng không xa, xe nhận được một món khách hời. Một tư thương với 400 thùng bia 333 yêu cầu nhà xe chở vào Đà Nẵng sẽ trả 1 triệu 700 nghìn đồng. Nhà xe đồng ý. Tất nhiên, khách trên xe phải xuống đường để nhà xe xếp bia vào gầm ghế.

Một giờ sau, xe lại tiếp tục chạy.

Mọi người, tuy đứng ngồi chật ních trên xe, vẫn khấp khởi mừng: "Từ đây, khách đã đông, hàng cũng nhiều, chắc xe sẽ chạy một mạch". Ai dè, nhà xe vẫn tiếp tục bắt khách.

Đến địa phận Nghệ An, xe gặp một tốp 4 cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng. Một người mặc cảnh phục CSGT lên xe để... đếm khách. Không quá mất thời gian để... nhìn, anh cảnh sát đã có kết quả báo với người viết biên bản đứng ở dưới đường: “Gần 90 người”.

Trên xe nhốn nháo: “Chắc họ giữ xe lại rồi”. Chủ xe nhanh chóng rời chỗ, phóng tới chỗ mấy CSGT đang đứng, để... trình bày.

5 phút sau, người chủ xe chạy về chỗ xe dừng, ra lệnh cho xe đi, văng tục rõ to: "2 lít (2 trăm nghìn) là êm!".

"Thượng đế" ăn "cơm chém"

Không chỉ bị chịu đựng nhiều chục giờ đồng hồ đứng, ngồi chật như nêm, hành khách còn phải hứng chịu nhưng bữa cơm “chém đẹp” của các ông bà chủ quán dọc đường.

Vé xe không giá. Ảnh: H.T.

Gần 1 giờ chiều, xe tạt vào quán cơm Ba Tùng ở Thanh Hóa để khách dùng bữa trưa. Xe vừa dừng, hai nhân viên của quán đứng bên cạnh cửa xe mời như ra lệnh: “Mời hành khách về đằng sau nhà rửa ráy và đi vệ sinh. Không ai được ra ngoài đường, xe đông nguy hiểm…”.

Hành khách đi xe xong khâu vệ sinh, nhân viên quán tự động đặt trước mặt bàn khách ngồi những đĩa cơm và nói với từng người: “Mời các bác xơi cơm cho nóng… “ Nhìn đĩa cơm, khách tỏ vẻ khó chiu và chỉ ăn vài thìa cơm, húp một ít canh nhưng vẫn phải móc tiền trả cho chủ quán 30.000 đồng/suất.

Anh Tư (quê ở Hải Hậu - Nam Định) cười méo xẹo: "Chú xem, cơm nước kiểu này thì ăn uống cái nỗi gì? 2 muỗm cơm gạo hẩm, vài miếng thịt mỡ chả ra mỡ, nạc chả ra nạc, vài cọng rau xào dối nhưng nếu không ăn thì không biết có bị sao không?".

Anh Tư lo là đúng, bởi mấy người khách định bỏ ra ngoài đường tìm quán cơm để ăn nhưng đều phải quay trở lại vì chủ quán đã chặn đường ra: “Ai không ăn, bỏ ra ngoài thì phải trả tiền nước cho chúng tôi”. Còn ở phía ngoài, hàng quán chỉ có mấy chai rượu và mấy quả ổi chát…

"Nhà xe" xơi... cơm mời

Xin nói thêm là tôi chỉ phải chịu cảnh chen lấn trên xe, còn về vấn đề ăn uống tôi lại "may mắn" hơn mọi người khách cùng đi vì "nhanh trí" đưa thêm 50.000 đồng cho phụ xe khi trả tiền vé, để có suất ngồi ăn chung với nhà xe.

Vậy là cứ đến bữa ăn của cả xe, anh phụ xe tên Hùng (người ở Giao Thuỷ - Nam Định) lại gọi tôi vào bảo" “Mày cứ vào chỗ các anh mà ăn. Nếu ai hỏi thì nói là người nhà xe nhé”.

Theo như chỉ dẫn, tôi tự động bước vào bàn ăn cùng cánh nhà xe. Không thấy ai hỏi gì nhưng tôi vẫn thấy ngỡ ngàng bởi mâm cơm chỉ có 4 người nhà xe, thêm tôi nữa là 5 nhưng thức ăn thì... đủ món: lòng xe điếu, tôm sú luộc, mực xào, thịt kho tàu…

Bến xe, tàu luôn đầy ắp mỗi dịp lễ, Tết.

Không chỉ vậy, mỗi thành viên nhà xe còn vinh hạnh được một em tiếp viên xinh đẹp của quán mời mỗi anh một chai bia Sài Gòn. Cuối bữa ăn lại có đồ tráng miệng và 10 lon bò húc để mang đi đường uống.

Hết quán Ba Tùng ở Thanh Hoá, rồi đến quán Thanh Phúc ở Đồng Hới, tiêu chuẩn ăn của chúng tôi vẫn được giữ y chang, để nhà xe... bảo đảm sức khoẻ (nhà xe vẫn không phải trả xu nào).

Thấy tôi tỏ ra ngỡ ngàng, anh phụ xe bật mí: “Làm ăn bây giờ phải như vậy đấy chú ạ!”

22h, xe chúng tôi lại vào ăn cơm tại quán Thanh Phúc ở đầu phía bắc TP. Quảng Bình. Quán này có vẻ hoành tráng và cách “chiều khách” khác các quán khác. Khách ăn cơm phải mua vé 20.000 đồng/suất. Muốn thêm canh với vài cọng rau cải, 2 con tép bé tý, thì phải trả thêm 5.000 đồng/tô. Quán “chém đẹp” nhưng đến giờ giấc đó, thì gần 100 hành khách đi xe đều đã đói lả, nên đành cắn răng ngậm ngùi nhai những thìa cơm nhão với giá cắt cổ. 

Theo lịch trình, 24h ngày mồng 6 Tết, xe chúng tôi phải đến bến Đà Nẵng. Nhưng đến 6h sáng ngày mồng 7, chúng tôi mới đến... chân đèo Hải Vân. Tất cả hành khách đều mệt lử khi xe đến địa phận TP. Đà Nẵng.

Nhiều khách trên xe mừng rỡ: "May là mình chỉ đi có hơn 500 km, vào 2 quán cơm chứ đi TP.HCM thì... toi".

Phía sau chuyến xe tôi ngồi, phía quốc lộ 1A, hàng đoàn xe khách len chặt cứng người đang mải miết xuôi Nam. Tôi cũng không biết, hàng chục trẻ con lẫn người già trên những chuyến xe kia liệu có đủ sức chịu đựng để vào tới TP.HCM không?!"

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,