221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
903490
Chuyện ''hôn thú'', ''vượt cạn'' của hổ Mi ở Vườn thú HN
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Chuyện ''hôn thú'', ''vượt cạn'' của hổ Mi ở Vườn thú HN
,

(VietNamNet) - Các cán bộ chăm sóc thú tại Vườn thú Hà Nội vui mừng khoe hổ Mi đã sinh ''mẹ tròn con vuông'' và đầy đủ ''cả nếp cả tẻ, 2 trai, 2 gái''. Đây là lần thứ 2 hổ Đông Dương hoang dã sinh con thành công trong điều kiện... ''nhớ rừng''.

''Hôn thú'' của Mi!

Hổ Mi đã sinh ''mẹ tròn con vuông'' tại Vườn thú Hà Nội.

Ngày 1/3/2007, sau 2 tháng hổ Mi (tên hổ mẹ) sinh hạ, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó TGĐ Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Vườn thú HN gọi điện cho chúng tôi để chia sẻ niềm vui và sẵn sàng mời phóng viên đến ''xông đất'' gia đình hổ. Ông Hùng cho biết, vì lần sinh trước của hổ Đông Dương (4/2003) nuôi rất khó nên lần này, sau 2 tháng cho 4 chú hổ con ''cứng cáp'' lên mới dám mời nhà báo đến.

Khu vực nuôi thú dữ của Vườn thú Hà Nội rộn ràng những âm thanh và mùi vị... hoang dã. 4 chú hổ con và hổ mẹ đang quây quần vui đùa bên nhau trong một không gian rộng rãi. Hình như quá ''thoả mãn'' và ''tự hào'' với thành quả đẻ 4 đứa con trong khi bị nuôi nhốt, hổ mẹ nằm duỗi 4 chân lên trời, rống lên những âm thanh nguồn cội núi rừng. 4 chú hổ con, ''2 nếp, 2 tẻ'' tung tăng chạy trong nắng xuân, chốc chốc lại vật lộn đùa nhau. 4 chú hổ, mỗi chú một tính. Có chú hay đùa, suốt ngày vật ''người thân'' ra cắn. Có chú suốt ngày lủi thủi một mình. Có chú không lúc nào rời được bầu sữa căng tròn của mẹ... 

KS Nguyễn Thị Hà, GĐ XN chăn nuôi và phát triển động vật và bác sĩ Nguyễn Danh Cường là những người trực tiếp ''môi giới hôn thú'' và tận tình chăm sóc cho ''bà bầu'' tên Mi. Đây quả là một quá trình không đơn giản chút nào!

4 hổ con, mỗi ''dứa'' một tính nết nhưng lúc nào cũng quấn quít bên mẹ.

Chị Hà kể, hổ Mi mang thai khoảng 105 đến 110 ngày. Nhưng quá trình thụ thai của nó mới hay. Khi hổ Mi đến tuổi ''cập kê'', cán bộ chăm sóc phải ''nhạy cảm'' để phát hiện ra và ''tìm giai'' cho nó. Hổ đực được đưa đến. Lúc đầu, hổ đực chỉ được phép đến với hổ cái trong khoảng thời gian ngắn. Sau đó, ''đôi uyên ương'' sẽ được tách ra để theo dõi. Thế là hổ Mi có biểu hiện bỏ ăn, ''nhớ hơi giai'' và lầm lỳ cả ngày.

Nắm được điều này, cán bộ chăm sóc quyết định cho hổ đực và hổ cái phối giống. Anh Cường cười cười kể, cứ 5 phút chúng lại ''nhảy'' một lần. Buổi sáng hổ được ''nhảy'' trong 2 tiếng đồng hồ sau đó được tách ra để ''giải lao'' và ăn uống cho lại sức. Sau khi ăn, hổ được ''gần nhau'' thêm 1 tiếng đồng hồ của buổi chiều. Trong vòng 4 ngày liên tục như thế, đến ngày cuối, hổ đực ''no xôi chán chè'' thì được tách ra để theo dõi quá trình thụ thai của hổ Mi.

Sau một tháng, cán bộ chăm sóc kiểm tra xem thai có ''đậu'' không bằng cách cho hổ đực gặp hổ cái. Nếu hổ cái vẫn thích ''nhảy'' thì lần thụ thai này đã hỏng, còn nếu hổ cái từ chối ''chuyện chăn gối'' thì coi như đã có thai, phải ''kiêng'' chuyện ấy!

''Vượt cạn''!

0h3 phút ngày 30/12/2006 là thời điểm đáng nhớ của bác sĩ thú y Nguyễn Danh Cường và cán bộ công nhân viên Xí nghiệp chăn nuôi và phát triển động vật (Vườn thú Hà Nội). Đó là sự chào đời của 4 chú hổ con Đông Dương.

''Bảo mẫu hổ'' Nguyễn Danh Cường bên một chú hổ con.

Bình thường, hổ là một trong những loài thú ăn tốn nhất Vườn thú Hà Nội. Đến những tháng ngày mang thai, hổ Mi được cưng chiều nhất. Mỗi ngày Mi được ăn 5 cân thịt bò, 1 cân sườn, 2 lạng tim hoặc gan lợn. Khi có chửa, Mi được nâng suất ăn thêm một con thỏ sống lột da.

Cứ thế, suốt 3 tháng trời, Mi được chăm sóc tận tình và cẩn thận đến từng chi tiết. Khi hổ Mi có biểu hiện biếng ăn, cả xí nghiệp lo ngay ngáy. Bác sĩ Nguyễn Danh Cường, KS Nguyễn Thị Hà và nhiều công nhân khác ngày nào cũng ở bên cạnh Mi.

10 ngày trước khi hổ Mi trở dạ, xí nghiệp đã cử anh em trực 24/24h để đề phòng chuột xâm nhập và sẵn sàng can thiệp nếu Mi đẻ khó. Các tình huống ứng phó với cơn ''vượt cạn'' của hổ Mi đã được tính kỹ càng. Camera theo dõi diễn biến ''sinh nở'' của hổ Mi được lắp đặt, từng cử động nhỏ của ''bà bầu'' đều được ghi chép lại từng phút.

Rồi giây phút mọi người chờ đợi nhất cũng đã đến. Đúng 0h3 phút ngày 30/12/2006, hổ Mi sinh con. 4 chúa sơn lâm đẹp như tranh. Khi sinh ra, mỗi con nặng 1 kg. Đến bây giờ, sau 2 tháng, mỗi con đã nặng 6 kg.

''Khi hổ Mi đẻ, cả đêm đó chúng tôi không chợp mắt được. Rồi những băn khoăn về quá trình sống và sinh sản của loài hổ ở vườn thú ập về. Đó là làm sao chọn được giống tốt, phát hiện đúng chu kỳ động đực để chăm sóc, đẻ rồi thì chăm sóc như thế nào...''. - Cả KS Hà và bác sĩ Cường trăn trở trước bầy hổ con vừa chào đời.

Thành công vượt trội của Vườn thú HN trong điều kiện nuôi nhốt, hổ Đông Dương vẫn sinh sản.

Thế rồi, bao nhiêu kinh nghiệm, tình yêu, nhiệt huyết họ dồn vào chăm sóc 4 con hổ con. Chăm hổ thậm chí còn hơn chăm con. Quên ăn quên ngủ vì một biểu hiện bất thường của hổ mẹ, hổ con. Trại được tuyệt đối cách ly, người lạ không được phép bén mảng vào. Trời rét, mẹ con nhà hổ có máy sưởi, lúc nào trong ''căn nhà hạnh phúc'' của mẹ con hổ Mi nhiệt độ cũng khoảng 20 độ. Anh Cường nhìn lũ hổ con chăm chú rồi nói: ''Được cái, hổ mẹ rất nhiều sữa và nuôi con khéo. Hổ con bây giờ đã biết tranh nhau ăn, đã có phản xạ giữ mồi...''.

Khó thể tả những người chăm sóc hổ ở đây hạnh phúc như thế nào. Điều kiện nuôi nhốt trong lồng, khí hậu... gây nhiều khó khăn cho việc sinh sản của hổ Đông Dương tại vườn thú Hà Nội lâu nay. Nhớ đợt năm 2005, một con hổ đẻ nhưng sức đề kháng kém, trời lại quá rét nên bị... viêm phổi và chết.

Lần thứ 2...

Đây không phải lần đầu tiên hổ sinh con tại vườn thú Hà Nội. Lần đầu tiên là vào ngày 20/4/2003, một con hổ tên là Lâm Nhi đã sinh bốn con tại đây. Cũng là lần đầu tiên một con hổ Đông Dương hoang dã sinh con thành công trong điều kiện bị nuôi nhốt tại Việt Nam. Và hổ Mi là một trong 4 con của hổ Lâm Nhi bây giờ lại sinh hạ.

Theo tài liệu, hổ mẹ Lâm Nhi thuộc loài hổ Đông Dương được Hiệp Hội bảo vệ thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp vào loại có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất hiện nay. Theo IUCN, năm 1994 ở Việt Nam có khoảng 200 đến 300 con hổ nhưng đến năm 1995, chỉ còn không đến 200 và con số này ngày càng giảm dần.
Người dân thích thú với sự xuất hiện của mấy chú hổ con.

Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, mẹ của hổ Mi là hổ Lâm Nhi có ''quê'' tận Thừa Thiên - Huế. Nguyên do là hổ Lâm Nhi được Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên-Huế cứu thoát vào năm 1998 khi bắt giữ một vụ buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Lúc đó, hổ Lâm Nhi bị thương ở bàn chân trước vì sập bẫy của lâm tặc và đã được điều trị vết thương. Không thể thả Lâm Nhi về lại rừng vì nó đã bị thương như thế, nên cuối cùng Lâm Nhi được chuyển về Vườn thú Hà Nội để tiếp tục chữa trị và nuôi dưỡng đến bây giờ.

Hổ Lâm Nhi được đặt tên vào tháng 9/1998 do em Nguyễn Thị Chính, học sinh trường PTTH Lê Xoay (Vĩnh Phúc) đặt. Cái tên này được chọn trong 10.000 cái tên tham dự cuộc thi đặt tên cho Hổ do báo Hoa học trò tổ chức.

Được chăm sóc chu đáo, ngày 20/4/2003, hổ Lâm Nhi đã sinh được 4 con. Hổ Mi bây giờ là một trong 4 con của hổ Lâm Nhi.

Thành công của Vườn thú Hà Nội khi lần thứ 2 nuôi dưỡng và chăm sóc hổ Đông Dương sinh con, sinh nhiều sẽ tạo động lực cho những cán bộ đang ngày đêm chăm sóc các loài thú quý hiếm. Hơn bất cứ thứ gì, niềm vui lớn nhất của họ có lẽ là sự ra đời của các loài vật quý hiếm, đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

  • Thế Lê Vinh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,