(VietNamNet) - Ổ dịch này xuất hiện từ cuối tháng 2/2007 tại thôn Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Tây nhưng hôm nay mới được Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) xác nhận tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm.
>>Dịch cúm gia cầm quay trở lại Vĩnh Long
>>Toàn quốc phải quản lý chặt các lò ấp, đàn gia cầm
>>Cúm gia cầm đe dọa toàn miền Bắc
>>Cúm gia cầm tái phát ở Hải Dương đúng mùng 1 Tết
Ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết, theo báo cáo từ Chi cục Thú y Hà Tây, ổ dịch này xuất hiện cùng thời điểm xảy ra dịch cúm ở Vĩnh Long.
Hiện tượng chết rải rác đã xảy ra trên một đàn gà 550 con giống Lương Phượng (250 con gà 2 tháng tuổi, 300 con 1 tháng tuổi) của một hộ gia đình ở thôn Canh Nậu, huyện Thạch Thất. Số gà này chưa tiêm phòng vắc-xin.
Ngày 26/2, sau khi thấy gà chết có biểu hiện bất thường, chủ nhà đã mang đến Trung tâm Chẩn đoán Thú y TƯ để xét nghiệm. Kiểm tra lâm sàng và sơ bộ cho thấy gà chết do virus cúm. Ngay sau đó, Chi cục Thú y Hà Tây đã tổ chức tiêu huỷ toàn bộ đàn gia cầm trên, tiêu độc, khử trùng ổ dịch. Đồng thời, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia cầm và người. Đến nay, tình hình dịch vẫn ổn định.
Trong khi đó, dịch cũng đã tái phát tại các tỉnh ĐBSCL do công tác quản lý đàn vịt chạy đồng lỏng lẻo. Việc tiêm phòng vắc-xin cũng không được làm chặt chẽ. Hiện mầm bệnh đang tồn tại khắp nơi, trên đàn thuỷ cầm, chim hoang và chim dư trú. Thời tiết ẩm ở miền Bắc và Trung bộ cũng sẽ làm cho nhiều ổ dịch bùng phát.
Ông Quang Anh nói rằng một đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đang có mặt tại các tỉnh Vĩnh Long, Hà Tây, Hải Dương để giám sát diễn biến dịch trên gia cầm và người.
Trước việc công bố dịch có vẻ chậm trễ, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát yêu cầu, chủ trương của Bộ là công bố ngay khi phát hiện có ổ dịch. Việc công khai thông tin sẽ giúp người chăn nuôi sớm có biện pháp bảo vệ đàn gia cầm cho mình. Mặt khác, những người buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm cũng sẽ cảnh giác hơn, giúp hạn chế thấp nhất khả năng mắc bệnh cúm tuýp A (H5N1).
Theo Bộ trưởng Phát, việc quan trọng nhất là chỉ đạo các địa phương tiêm phòng: thống kê gia cầm cần tiêm, lên lịch tiêm, chuẩn bị cán bộ và phương tiện thú y... Đến 10/3, 20 triệu liều vắc-xin sẽ về đến Việt Nam, sau đó thêm khoảng 100 triệu liều nữa, để kịp thời tiêm bổ sung cho gia cầm.
Thứ hai tới (12/3), Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức Hội nghị toàn ngành thú y để rút kinh nghiệm công tác tiêm phòng vắc-xin gia cầm năm qua, chuẩn bị biện pháp đối phó dịch cúm năm 2007. Đồng thời, hội nghị cũng sẽ hướng dẫn các địa phương về công tác tiêm phòng.Cục trưởng Bùi Quang Anh bày tỏ sự lo lắng khi hiện nay, Việt Nam không chủ động được vắc-xin để tiêm phòng mà phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Do vậy, việc sản xuất được vắc-xin trong nước là rất cần thiết.
Về dịch lở mồm long móng (LMLM), hiện toàn quốc có 10 tỉnh có dịch xảy ra chưa qua 21 ngày là Kon Tum, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Quảng Bình, Quảng Trị, Đăk Lăk, Thừa Thiên - Huế và Lai Châu.
Cục Thú y nhận định, dịch đang có chiều hướng gia tăng. Các ổ dịch diễn biến phức tạp, lây lan cho cả trâu bò, lợn và có xu hướng lan rộng. Các ổ dịch mới đều liên quan đến việc vận chuyển gia súc trái phép, giết mổ gia súc bừa bãi hoặc người dân tự mua gia súc từ nơi khác về đia phương làm bùng phát dịch. Cùng thời điểm này năm ngoái, dịch LMLM đã bùng phát tại hơn 50 tỉnh trên toàn quốc.
- Hà Yên