(VietNamNet) - Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) thông báo, cúm gia cầm đã xuất hiện tại Hà Nội ngày 4/3. Tuy chưa lây lan nhanh nhưng dịch bất ngờ bùng phát lẻ tẻ tại các địa phương trong cả nước.
>>Xuất hiện ổ cúm gia cầm ở Hà Tây
>>Dịch cúm gia cầm quay trở lại Vĩnh Long
>>Toàn quốc phải quản lý chặt các lò ấp, đàn gia cầm
>>Cúm gia cầm đe dọa toàn miền Bắc
>>Cúm gia cầm tái phát ở Hải Dương đúng mùng 1 Tết
Bộ NN-PTNT cho ấp nở mới thuỷ cầm từ 15/3. Trong ảnh là một trại vịt ở Hà Tây. |
Theo Chi cục Thú y TP. Hà Nội, ngày 4/3, dịch cúm gia cầm tái phát trên đàn gà 1.300 con gà của hai hộ chăn nuôi ở thôn Hậu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Trong đó, có 1.150 con bị chết (gồm 200 con gà ta 2 tháng tuổi, 500 con gà ta 3 tháng tuổi và 600 gà giống Ai Cập 3 tháng tuổi, chưa được tiêm phòng vắc-xin). Biểu hiện của đàn gà chết có triệu chứng cúm gia cầm.
Kết quả xét nghiệm cho thấy dương tính với virus cúm H5N1. Chi cục Thú y Hà Nội đã phối hợp với địa phương tổ chức tiêu huỷ toàn bộ đàn gia cầm trên, tiêu độc khử trùng ổ dịch; đồng thời, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia cầm và người.
Ngay trong chiều nay (7/3), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm Cao Đức Phát đã có Công điện 16 yêu cầu các địa phương chỉ đạo các cấp, các ngành chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, hoá chất, tài chính, trang bị bảo hộ lao động... phục vụ chiến dịch tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đợt I/ 2007.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng nhắc các địa phương cần tổ chức thực hiện ngay các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch, như tăng cường công tác giám sát dịch đến từng hộ gia đình; quản lý chặt chẽ các lò ấp con giống gia cầm và đàn gia cầm được ấp nở mới; tổ chức tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, cơ sở giết mổ, chế biến gia cầm, chợ buôn bán gia cầm sống, khu vực có nguy cơ cao, các ổ dịch cũ.
Dịch cúm gia cầm đã tái phát tại miền Bắc từ ngày 14/02, bắt đầu ở tỉnh Hải Dương. Đến nay, một số địa phương khác như Vĩnh Long, Hà Tây, Hà Nội... đều có thông báo gia cầm ốm, chết có triệu chứng giống bệnh cúm. Nguy cơ dịch tiếp tục xuất hiện ở nhiều địa phương khác trong cả nước là rất cao.
Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương chủ yếu tập trung chuẩn bị cho việc tiêm phòng vắc- xin mà không chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch đồng bộ khác. Trong khi đó, tiêm phòng vắc- xin chỉ là một trong nhiều biện pháp tổng hợp phòng chống dịch.
-
Hà Yên