221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
905796
Hà Nội: 4 biệt thự mọc trên đất tòa đang xử
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Hà Nội: 4 biệt thự mọc trên đất tòa đang xử
,

(VietNamNet) - 10 năm ròng khiếu kiện tranh chấp đất đai giữa hai hộ dân, tòa xử 3-4 lần vẫn chưa "hạ hồi phân giải". Trong khi đó, một trong 2 hộ đã "nhanh tay" xây 4 ngôi biệt thự trên đất này.

Khu đất trống được Toà sơ thẩm và Toà phúc thẩm xác định chia thừa kế.

''Dài cổ'' chờ toà quyết...

Ông Nguyễn Đức Hùng (trú tại Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội) đến toà soạn VietNamNet trình bày về vụ kiện đòi di sản thừa kế giữa các bà Nguyễn Thị Dần, Nguyễn Thị Bé, Nguyễn Thị Hợi (do ông Hùng con bà Dần làm đại diện) với bà Lê Thị Toan, hiện đang sống trên 1.292m2 gồm đất thổ cư, đất vườn ao, đất khu mộ trong khuôn viên chung của cụ Nguyễn Đức Thơ (ông nội ông Hùng mất năm 1974) và cụ Nguyễn Thị Doan (mất năm 1946) để lại. 

Diện tích đất này thuộc địa bàn tổ 50, cụm 13 phường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Từ năm 1972 về trước, các con của cụ Thơ và cụ Doan trưởng thành, tách mỗi người một nơi, chỉ có ông Nguyễn Đức Vy và vợ là bà Lê Thị Toan ở chung. Khi cụ Thơ và cụ Doan mất, không ai để lại di chúc. Năm 1978, ông Vy (chồng bà Toan) kê khai đứng tên trong sổ địa chính của xã nhưng thực tế chưa chính thức được UBND cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trao đổi với VietNamNet, ông Hùng cho biết, năm 1993, gia đình ông Hùng đại diện cho 3 người em còn lại của ông Vy kiện đòi chia thừa kế. Sau 3 lần Toà xét xử, đều công nhận quyền hưởng thừa kế hàng hợp pháp của các nguyên đơn là con cụ Thơ và cụ Doan (bà Bé, bà Hợi và bà Dần).

Tuy nhiên, việc chia thừa kế tại bản án phúc thẩm chia cho con của hai cụ (bà Bé, bà Hợi và bà Dần) và các con của bà Dần (nhận chung 600m2 đất) cần phải đo đạc lại và xem xét kỹ hiện trạng đất, ao và các công trình xây dựng trên đất đang tranh chấp để phân chia cho hợp lý và chính xác, đảm bảo quyền lợi của các đương sự.

Ngày 28/2/1997, Uỷ ban Thẩm phán TAND tối cao đã quyết định huỷ bản án phúc thẩm số 35 ngày 12/4/1996 của Toà phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội, giao hồ sơ vụ án cho Toà Phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm lại.

Ngày 1/8/1997, vụ kiện đòi chia thừa kế này bị tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm, đợi quy định mới của UB Thường vụ Quốc hội mới xét xử tiếp vì vụ kiện này có liên quan đến nhân tố nước ngoài (3 đương sự đang sinh sống tại Canada).

Từ thời điểm đó đến nay đã 10 năm, người nhà ông Hùng ''dài cổ'' chờ xét xử quyền được chia thừa kế. Mới đây, 8/1/2007, gia đình ông Hùng nhận được giấy của Toà Phúc thẩm tại Hà Nội, triệu tập gia đình ông ngày 24/1/2007 tới tham gia tố tụng trong phiên toà phúc thẩm. Sau đó, Toà Phúc thẩm lại hoãn sang ngày 5/3/2007 với lý do có sự thay đổi trong kế hoạch xét xử.

Ngày 5/3/2007, PV VietNamNet cũng tới tham dự phiên phúc thẩm về trường hợp gia đình ông Hùng kiến nghị. Tuy nhiên, do không có sự tham gia đầy đủ của cả hai bên gia đình nên phiên Toà tiếp tục... hoãn!

Tuy nhiên, sự việc không chỉ dừng lại ở đó...

... Biệt thự nối tiếp mọc trên đất đang tranh chấp

Trao đổi với VietNamNet, gia đình ông Hùng cho rằng, vụ kiện của gia đình họ kéo dài đến 14 năm không làm họ ''nóng ruột'' bằng việc 600m2 đất được nêu trong 3 phiên toà trước đây hiện nay đã ''bị'' gia đình bà Toan xây lên 4 công trình.

Gia đình ông Hùng cho rằng: "Để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép khi toà chưa có quyết định cuối cùng, có sự 'giúp sức' của...UBND phường Dịch Vọng Hậu và UBND quận Cầu Giấy''.

Đi tìm câu trả lời về việc 4 biệt thự mọc lên trên đất toà đang xử, PV VietNamNet đã trao đổi với Chủ tịch phường Dịch Vọng Hậu, ông Đỗ Đức Hồng Quang.

Ông Quang cho biết, vụ kiện tụng này đã có cách đây nhiều năm, phường Dịch Vọng Hậu mới thành lập nên tiếp quản xử lý.

Theo ông Quang, phường cũng tiếp nhận 2 loại văn bản từ cả hai phía, theo đó, hiện tại bà Toan cũng đang có kiến nghị trở lại. Bà Toan bác lại kiến nghị của ông Hùng và giải trình về nguồn gốc đất ở lâu năm, ổn định, nộp thuế đất đầy đủ của gia đình bà.

Theo như trình bày của bà Lê Thị Toan, nhà ở của cụ Thơ và cụ Doan không còn nữa vì gia đình bà đã làm lại từ năm 1972 và 1975, đất ở trên do ông Vy đứng tên trong sổ địa chính và gia đình bà đã quản lý sử dụng ổn định mấy chục năm nay nên không còn là di sản của hai cụ. Vì vậy bà Toan và các con không đồng ý chia thừa kế.

Ông Chủ tịch phường Dịch Vọng Hậu cũng cho rằng, vụ kiện tụng này cuối cùng toà quyết định xử lý vì đó là dân sự kiện tụng đòi đất trong họ hàng.

Trước câu hỏi, "là cấp quản lý trực tiếp (phường), tại sao lại để xảy ra việc xây dựng trên đất đang tranh chấp?", ông Quang cho rằng, khi công trình được xây dựng, hồ sơ, các văn bản mà phường đang lưu và giấy tờ gia đình xuất trình đều chứng minh đây là loại đất ở ổn định.

Còn với những công trình xây dựng không phép thì vị lãnh đạo phường khẳng định, phường vẫn theo quy định, yêu cầu gia đình làm thủ tục xin phép. Triường hợp  không xin phép thì phường thực hiện biện pháp... phạt thủ tục hành chính!

Và mức phạt hành chính cao nhất đối với công trình xây dựng sai phép, không phép hiện nay là 200.000 đồng!

Thanh tra Xây dựng quận Cầu Giấy cho biết, mới đây quận cũng mới nhận được đơn kiến nghị của gia đình ông Nguyễn Đức Hùng. Vì phường sở tại trình hồ sơ về vụ việc chưa đầy đủ nên Thanh tra quận yêu cầu hoàn thiện hồ sơ về nguồn gốc đất, về quản lý xây dựng... Cuối tuần này quận sẽ có buổi làm việc cụ thể để giải quyết sự vụ.

  • Trần Vũ

TIN LIÊN QUAN:

>>
Xây không phép - sai phép: Chủ đầu tư chịu trách nhiệm đầu tiên!
>>Xây không phép - sai phép: Chỉ xử ''các đồng chí bị lộ''?
>>Hà Nội: Chưa xử lý nhà sai phép, không phép
>>
Bộ Xây dựng: Xử lý dứt điểm các công trình sai phép!
>>Hà Nội: Cắt điện nước các công trình xây dựng sai phép
>>"Chặt đầu" tòa nhà Skyline Tower bên hồ Trúc Bạch?
>>2006: Gần 1/4 tổng số công trình xây dựng là không phép

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,