221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
907670
Dịch cúm gia cầm: Không còn vùng tuyệt đối an toàn
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Dịch cúm gia cầm: Không còn vùng tuyệt đối an toàn
,

(VietNamNet) Tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống dịch cúm gia cầm 2006 và triển khai kế hoạch 2007 sáng nay, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng BCĐ Phòng chống dịch cúm gia cầm Cao Đức Phát nhận định: Đến thời điểm này, không có vùng, địa phương nào tuyệt đối an toàn về dịch. Dịch cúm gia cầm có thể tái phát bất kỳ lúc nào, ở đâu. 

Soạn: HA 1054360 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Gà ốm vì bệnh dịch.

Sau gần một năm tạm "ăn ngon ngủ yên", dịch cúm đã quay trở lại Việt Nam. Bắt đầu từ Cà Mau, Bạc Liêu, sau đó dịch lan ra 8 tỉnh. Ngay thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán Đinh Hợi, dịch đã tiếp tục bùng phát ở Vĩnh Long, Hải Dương, Hà Nội, Hà Tây và Cần Thơ.

Gần đây nhất, theo đại diện Chi cục Thú y Hải Dương, có biểu hiện dịch cúm đã tái phát trên một đàn ngan của tỉnh này ngày 10-11/3. Hải Dương đã cho tiêu huỷ, xử lý ngay ổ dịch.

Song, Bộ trưởng Cao Đức Phát ghi nhận, điểm mới trong đợt dịch này là các ổ dịch quy mô nhỏ hơn, phát hiện nhanh hơn và xử lý ổ dịch gọn, triệt để, kịp thời. Nhờ vậy, hạn chế được tốc độ lây lan của các ổ dịch.

Thứ trưởng NN-PTNT Bùi Bá Bổng nhận xét, nguyên nhân khiến dịch bùng phát vẫn là do sự chủ quan, lơ là của người dân và chính quyền các cấp; công tác tiêm phòng không triệt để; chưa kiểm soát được khâu vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm trái phép... 

Đặc biệt, nhiều địa phương đã không coi trọng công tác tiêm phòng vắc-xin cho gia cầm. Trong khi đó, bản thân hiệu lực vắc-xin cũng đã giảm nhiều. Bộ trưởng Cao Đức Phát đưa ra ví dụ, năm ngoái, tỷ lệ bảo hộ trong đàn gia cầm được tiêm là 67% (tức 100 con thì 33 con có khả năng nhiễm virus H5N1), thì đến Tết 2007 vừa qua, con số này chỉ còn 60%. Vậy mà có địa phương, tỷ lệ đàn gia cầm được tiêm phòng chỉ đạt 35%. 

"Gà ngủ trên cây, trâu bò thả rông trong rừng. Trâu bò nuôi ngay cạnh nhà, thậm chí người một phòng, trâu bò một phòng. Mạng lưới thú y mỏng và nhiều nơi không có. Có địa phương, huy động 70 người mới bắt được 30 con gà trong một ngày để tiêm phòng thì làm sao công tác chống dịch tốt được?", Bộ trưởng Phát bức xúc.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây Nguyễn Xuân Cường đề xuất: 

- Cần có giải pháp để chủ động nguồn vắc-xin cho các địa phương. Khi đã có vắc-xin, địa phương nào không mua, không tiêm phòng thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm. 

- Tổ chức tiêu độc, khử trùng 3 lần/năm. Đây là kinh nghiệm tốt của Hà Tây, làm hạn chế tới mức thấp nhất sự tồn tại của virus cúm trong môi trường. 

- Xây dựng các phòng chẩn đoán, xét nghiệm thật mạnh cho thú y tỉnh để chủ động phòng chống dịch.  

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau thừa nhận, đúng là hiện nay, tỉnh này không có mạng lưới thú y cơ sở. Việc phát hiện dịch rất chậm, kiểm soát dịch vô cùng khó khăn. Trong khi đó, thuỷ cầm nuôi phân tán, nhỏ lẻ, không triển khai tiêm phòng được nên "dịch xảy ra cũng là tất yếu".

Đồng tình với ý kiến này, đại diện lãnh đạo các Sở NN-PTNT Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu... còn cho rằng, các ổ dịch tái phát phần lớn là do chưa tiêm phòng bổ sung, xuất hiện trên ổ dịch cũ và do sự chủ quan, lơ là của cả người dân và cấp chính quyền.  

Còn chăn nuôi nhỏ lẻ, còn dịch cúm

Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhận xét, việc khống chế dịch thời gian qua đã đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, các ngành, địa phương cần nhận biết rằng, chống cúm gia cầm, cũng như nhiều dịch bệnh khác, là cuộc chiến lâu dài, đe dọa không chỉ ở Việt Nam. Phải nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch cúm. 

"Phải làm cho toàn dân thấy được tầm quan trọng của việc phòng chống dịch cúm gia cầm, từ người chăn nuôi, kinh doanh đến người tiêu dùng... Chỉ khi nhận thức của người dân chuyển biến thì công tác này mới thành công, vì phòng chống dịch không chỉ mình Nhà nước, chính quyền làm", Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói.

Ông cũng cho rằng, chống dịch cúm đòi hỏi toàn bộ hệ thống chính trị phải hành động quyết liệt. Trong đó, các Ban chỉ đạo, các cấp uỷ, chính quyền địa phương có trách nhiệm lớn.

Về lâu dài, ngành chăn nuôi cần hướng đến quy mô lớn, hiện đại, giá rẻ nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh an toàn. Từng bước xoá bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, vì rất khó kiểm soát dịch bệnh. Phó Thủ tướng lưu ý, chống dịch thì phòng là chính, trong đó chú trọng việc tiêm phòng vắc-xin cho gia cầm. Khi có ổ dịch, phải dập ngay. Đồng thời, nâng cao năng lực hoạt động của thú y cơ sở.  

Để công tác phòng chống dịch hiệu quả, thời gian tới, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, đây là cuộc chiến lâu dài, phức tạp, phải làm liên tục, quyết liệt. Công tác dập dịch phải vừa chú trọng các biện pháp ngắn hạn, vừa trung và dài hạn để giải quyết tận gốc vấn đề. Trong công tác tuyên truyền, sẽ chú trọng thay đổi nhận thức của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; thay đổi hành vi tiêu dùng. Ông Phát lưu ý các địa phương hãy học tập Bình Thuận, Phú Yên trong việc kiểm soát dịch và TP.HCM trong tổ chức giết mổ tập trung.

Sắp tới, ngành sẽ tập trung tăng cường năng lực cho hệ thống thú y. Một loạt các phòng thí nghiệm, chẩn đoán tại các Chi cục Thú y tỉnh sẽ ra đời. Bộ NN-PTNT sẽ sử dụng khoản viện trợ 61 triệu USD năm 2005 và 20 triệu USD từ trước đó cho công tác này.

  • Hà Yên

TIN LIÊN QUAN:

>>
Hà Nội tái phát dịch cúm gia cầm
>>Xuất hiện ổ cúm gia cầm ở Hà Tây
>>Dịch cúm gia cầm quay trở lại Vĩnh Long
>>Toàn quốc phải quản lý chặt các lò ấp, đàn gia cầm
>>Cúm gia cầm đe dọa toàn miền Bắc
>>
Cúm gia cầm tái phát ở Hải Dương đúng mùng 1 Tết  

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,