Việc "ém nhẹm" thông tin các nhãn hiệu nước tương chứa chất 3-MCPD đã gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất không có trong "danh sách đen", còn người tiêu dùng thì hoang mang, lo sợ..
Ém thông tin suốt 6 năm...?
Theo như Tuổi Trẻ (số ra ngày 25/5) đưa tin, việc nước tương có chứa chất 3-MCPD đã được ngành y tế TP.HCM phát hiện và biết rất rõ từ cuối năm 2001. Cụ thể, tháng 11/2001, qua xét nghiệm 15 mẫu nước tương, dầu hào tại địa bàn TP thì tất cả các mẫu đều có hàm lượng 3-MCPD gấp 23-5.644 lần mức cho phép.
Năm 2004, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP thực hiện giám sát hàm lượng 3-MCPD 41 mẫu nước tương thì phát hiện 33 mẫu có 3-MCPD vượt tiêu chuẩn cho phép, chiếm tỉ lệ 80,5%.
Tiếp tục, năm 2005, viện này khảo sát tiếp 137 mẫu từ nhiều nơi gửi tới xét nghiệm. Qua đó phát hiện hơn 100 mẫu có hàm lượng 3-MCPD từ 2,0 -9.743 mg/kg, cao hơn mức cho phép từ hai đến gần chục ngàn lần.
Năm 2006, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP tiếp tục phát hiện 28/135 mẫu gửi tới xét nghiệm có hàm lượng 3-MCPD vượt quá giới hạn cho phép ở mức từ 1,19-3.029 mg/kg.
Vì vậy, Báo Lao Động (số ra ngày 24/5) và Tuổi Trẻ (số ra ngày 25/5) đều cho rằng, các cơ quan chức năng đã "ém nhẹm" kết quả kiểm nghiệm mẫu của những cơ sở sản xuất nước tương trong nhiều năm qua, không công bố. Mặc dù, Cục ATVSTP đã có đôi lần khuyến cáo người tiêu dùng cách chọn mua nước tương nhưng không hề cung cấp cụ thể các nhãn hiệu bị lọt vào danh sách đen.
Trong khi các lô hàng có mẫu nước tương chứa nhiều độc tố, lại không được biết có được thu hồi, xử lý hay không. Điều này đã gây bức xúc cho các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này. NTD cũng không biết đường nào mà tránh các loại nước tương có độc tố vì thiếu thông tin cụ thể. Kết quả khó tránh khỏi là họ sẽ mua phải, ăn phải độc tố vào người.
Sau khi... "đánh trống bỏ dùi", cơ quan chức năng nói gì?
Lý giải về việc không công bố các kết quả kiểm định về chất 3-MCPD, ông Nguyễn Xuân Mai - Viện phó Viện Vệ sinh y tế công cộng tại TPHCM- trả lời trên báo Lao Động (số ra ngày 24/5) cho biết: "Tất cả các kết quả đều đã được chúng tôi báo cáo với Cục ATVSTP. Cục là cơ quan chức năng đủ thẩm quyền công bố". Mọi thông tin đã tập trung về một đầu mối.
Trả lời câu hỏi tại sao nhiều cơ sở vi phạm như thế mà không thấy công bố cho công chúng biết và có hay không chuyện o bế thông tin cho doanh nghiệp của Tiền Phong (số ra ngày 25/5), Th.S Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP nói : “Tôi không phụ trách trực tiếp vấn đề chất 3-MCPD trong nước tương nhưng tôi đảm bảo không hề có chuyện Cục ATVSTP nhận được thông tin mà không cho công bố” .
Ông Hoàng Thủy Tiến - Phó Cục trưởng Cục ATVSTP cũng cho biết, các cuộc kiểm tra trên là do địa phương thực hiện định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của địa phương chứ không phải là chiến dịch do Cục chỉ đạo. Cũng vì thế, càng không có chuyện Cục chỉ đạo địa phương công bố hay không công bố.
Ông Tiến giải thích thêm: “Về kết quả thanh tra của Thanh tra TP HCM, theo phân cấp ngành dọc, họ báo cáo về Thanh tra Bộ Y tế chứ chúng tôi không có quyền can thiệp.
Hơn nữa, đấy là đợt kiểm tra định kỳ của thanh tra địa phương chứ không phải trong khuôn khổ của Tháng Hành động Vệ sinh An toàn Thực phẩm do Cục chúng tôi chỉ đạo trực tiếp. Đương nhiên, vấn đề phối hợp cũng cần được kiện toàn. Khi thấy báo chí thông tin, chúng tôi biết sự việc và yêu cầu các đơn vị kia báo cáo ngay”.
Trả lời trên báo Tuổi Trẻ (số ra ngày 25/5), ông Nguyễn Thế Dũng - giám đốc Sở Y tế TP - khẳng định quan điểm của ngành y tế là bảo vệ sức khỏe người dân, nhưng cũng không làm thương tổn doanh nghiệp nếu doanh nghiệp không vi phạm. Còn những cơ sở vi phạm, hoặc vi phạm nhiều lần thì quan điểm của sở là không bao che!?
Liệu những lời giải thích này có thuyết phục? Dù sao, trong nhiều năm qua, thiệt hại nhiều nhất vẫn là người tiêu dùng và các doanh nghiệp không vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
(Tổng hợp Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Lao Động)