26/6, Ban văn hóa - xã hội Hội đồng nhân dân TPHCM đã có buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH), Sở Y tế, UBND các quận huyện, cùng đại diện các bệnh viện của TP.HCM để nghe báo cáo việc triển khai thực hiện Thông tư 06 liên bộ Y tế - Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Bảo hiểm y tế tự nguyện (BHYTTN).
>>Từ 1/4, lại được mua Bảo hiểm y tế tự nguyện
Ảnh minh họa |
Muốn tham gia bảo hiểm phải chờ hàng xóm
Như Thanh Niên đưa tin, tại buổi làm việc, hầu hết ý kiến các đại biểu, từ HĐND cho đến UBND các quận huyện, các bệnh viện đều không tán thành quy định mới trong Thông tư 06, đó là điều kiện ràng buộc: để được tham gia BHYTTN, thì phải có 100% thành viên trong cùng một hộ gia đình tham gia, và phải có ít nhất 10% số hộ gia đình trên địa bàn phường, xã của người đó tham gia!
Nghĩa là gia đình nào đó có ý muốn tham gia BHYTTN, và đóng tiền đủ cho 100% thành viên trong hộ rồi, thì chưa chắc đã được quyền tham gia BHYTTN, mà phải ngồi đó chờ... "ông hàng xóm" !?
Đồng quan điểm trên Tiền Phong đưa tin, ông Nguyễn Văn Minh- Phó Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TPHCM phát biểu: Nếu người giàu không mua BHYT thì một bộ phận thiểu số người nghèo ở những khu dân giàu của xã phường nào đó làm sao đảm bảo đủ 10% để có thể tham gia BHYTTN.
Quyền lợi của người bệnh: "đau đẻ chờ sáng trăng" !
Theo báoThanh Niên cho biết, theo quy định, một tháng sau khi đóng tiền, người tham gia BHYTTN mới được hưởng các quyền lợi... "nhỏ giọt". Còn các dịch vụ, kỹ thuật cao, có chi phí lớn thì "hãy đợi đấy" sau 6 tháng, 9 tháng hay 3 năm!?
Đó là một quy định vô cùng nghịch lý, toàn phần thiệt thuộc về phía người bệnh! Chẳng hạn, để được hưởng dịch vụ, kỹ thuật cao, chi phí lớn, thì người tham gia BHYTTN phải đợi 180 ngày (6 tháng) sau khi đóng tiền.
Để hưởng quyền lợi về thai sản, sinh đẻ, thì chờ đó 270 ngày (9 tháng). Về vấn đề này, Tiền Phong dẫn lời Bà Huỳnh Thị Thu Thủy – Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ -nói: “Qui định thời gian sản phụ tham gia bảo hiểm là 270 ngày quá vô lý. Nếu sản phụ sinh non hay sảy thai thì chi phí khám, chữa bệnh của họ ai sẽ chịu”.
Thanh Niên cho biết thêm việc sử dụng các thuốc trị ung thư, thuốc chống thải ghép ngoài danh mục quy định, thì chờ đến sau 3 năm (tháng thứ 37 trở đi) sau ngày đóng tiền BHYTTN.
Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng - Giám đốc Sở Y tế (TP.HCM) cho rằng: "Buộc người ta mua BHYTTN cả gia đình, rồi thì trong gia đình họ không may có người mắc bệnh ung thư, bảo họ 3 năm sau mới được hưởng, tôi e điều này không đủ sức hấp dẫn người dân tham gia!".
Nếu không thay đổi, sẽ bất khả thi!
Thanh Niên cho biết, sau một loạt ý kiến mà các đại biểu và nhân dân đưa ra, thêm một nghịch lý nữa, mà tất cả các đại biểu đều đề nghị BHXH VN cần phải xem xét lại.
Đó là, hiện nay có rất đông người đã mua BHYTTN theo hướng dẫn trước đây sẽ hết hạn vào cuối tháng 6 này. Nay, buộc phải thực hiện mua lại theo quy định mới, mà theo quy định mới thì họ phải lệ thuộc vào "10% hộ gia đình" như nói trên; trong thời gian chờ đợi đó, nếu họ có đau ốm, thì phải tự trả tiền khám chữa bệnh.
Tất cả các đại biểu không đồng tình, vì chuyện thay đổi là do cơ quan chức năng, lại buộc người dân phải chịu thiệt là không thể được! Do vậy, các đại biểu đề nghị nên cho phép các đối tượng này tiếp tục được hưởng chế độ BHYT cho đến khi được cấp thẻ mới.
SGGP cho biết, theo các đại biểu, với hàng loạt điều kiện ngặt nghèo như vậy, nếu thành phố không sớm có những giải pháp riêng thì việc triển khai Thông tư 06 có thể sẽ bất khả thi. Nên chăng, bỏ đi điều kiện 10% số hộ trên địa bàn tham gia hoặc giảm xuống còn 5% thì sẽ tốt hơn. Đây chính là cách mở “then cài” của cánh cửa đang đóng để việc triển khai BHYTTN theo Thông tư 06 được hiệu quả hơn.
(Tổng hợp TNO/TPO/SGGP)