221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
1227956
Nông dân triệu phú thèm "lấm đất"
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Một năm sau mở rộng Hà Nội:
Nông dân triệu phú thèm 'lấm đất'
,

 - Nhận được cục tiền hàng trăm triệu đồng mà những lão nông như ông Nguyễn Văn Ngọ cứ lo ngay ngáy. Thèm quay lại cày cuốc, hàng ngày ông cùng vợ tha thẩn quanh làng tìm những mảnh đất các dự án chưa kịp thi công để trồng rau, trồng đậu. May mắn hơn ông, vẫn có những nông dân "chê tiền" để hàng ngày được cày cuốc trên những thửa ruộng của mình, dù họ biết sẽ được chẳng bao lâu...

Cả làng đi canh tác... trộm

Ông Ngọ năm nay 65 tuổi, ở thôn Yên Lũng (xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội). Ông kể, trước kia, ruộng đất chưa bị thu hồi, ông làm nghề xay xát gạo, trong chuồng lúc nào cũng có 5, 6 chục con lợn bột, bán mỗi lứa thu về cả trăm triệu đồng. Từ ngày hết ruộng, máy xay xát đành bỏ rỉ vì không ai thuê nữa nên phải bán. Lợn cũng không thể nuôi nữa nên giờ chẳng biết làm gì.

Với 8 nhân khẩu, gia đình ông được 8 sào ruộng. Từ năm 2001, ruộng đất nhà ông đã bị thu hồi hết cho những dự án công nghiệp và đô thị mới. Ba anh con trai ông Ngọ, mặc dù đã lấy vợ, ra ở riêng nhưng vẫn sống chung một khu nhà. Năm ngoái, do đông người quá, ông Ngọ phải bán hai suất đất dịch vụ để xây thêm ngôi nhà mới ba tầng.

Mô tả ảnh.
Tất cả những khu đất quanh làng, nơi đất có thể trồng được rau, đậu, đều đã có người “xí phần” tăng gia cả.
Mặc dù nhà ông Ngọ rất đông người nhưng không ai có công ăn việc làm ổn định. Hết ruộng, để kiếm sống, các con trai, con dâu ông hàng ngày phải rong ruổi đạp xe đi bán mắc áo, bán thảm lau chân khắp Hà Nội. Nhưng có những hôm ế hàng quá, cả nhà gần chục lao động ở nhà chơi.

Ngồi trong ngôi nhà ba tầng khang trang, ông Nguyễn Ngọc Hân trầm ngâm nói, ở An Khánh quê ông, tấc đất còn quý hơn cả tấc vàng. Những người nông dân tuy đã trở thành người thành thị nhưng cả năm qua loay hoay không biết làm gì. Bọn trẻ ít học nhưng có thể xông xáo lên Hà Nội đi làm thuê, bán rong tuy chẳng được bao nhiêu, nhưng những nông phu tuổi 40, 50 trở đi thì không thể bươn chải như thế được, đành quanh quẩn ở bốn góc nhà trông cháu.

 

Ông Hân kể, nhà ông có  6 nhân khẩu, gồm ông bà, vợ chồng anh con trai và hai cháu nhỏ. Trước cả nhà ông Hân có 4 sào ruộng, nhưng nay, ruộng đất đã hết. Tiền đền bù và tiền bán đất dịch vụ, tất cả đều đắp vào ngôi nhà rồi. Vì vậy, cuộc sống từ hạt gạo cho tới cái tăm, sờ vào cái gì cũng phải mua hết.

 

Mấy tháng trước, anh con trai ông Hân đang làm sơn mài thì hết việc, ở nhà ẵm con. Vì vậy, lao động có thể kiếm tiền duy nhất trong nhà hiện nay là cô con dâu đang đi làm thuê ở làng La Phù, cách nhà mấy cây số. Mà công việc của chị cũng phập phù bữa đực bữa cái.

 

Dạo này, người làng ông bắt đầu đua nhau đi tìm những khu đất dự án chưa thi công để canh tác trồng trọt. Không có việc làm, mà đi chơi lắm cũng chán, vợ chồng ông Hân cũng người vác liềm, người vác cuốc đi tìm những khu đất có thể tăng gia trồng rau.

 

Chỉ có điều, giờ tất cả những khu đất quanh làng, nơi đất có thể trồng được rau, đậu, đều đã có người “xí phần” tăng gia cả rồi. Vì vậy, diện tích ông bà tranh thủ tăng gia "trộm" cũng chẳng đáng là bao.

 

Dù vậy, nhờ có luống rau ông bà trồng mà gia đình bớt được một phần chi tiêu không nhỏ. Có lúc ăn không hết, ông bà lại hái rau mang ra sân đình bán kiếm thêm mấy nghìn mua thức ăn. Ông bảo: "Có được một mét đất trồng rau đã là điều rất quý với một gia đình ở làng bây giờ".

 

Vì vậy, mỗi lần nhìn cánh đồng rộng mênh mông cấy lúa ngày nào, giờ đã biến thành bãi cỏ hoang rộng bạt ngàn, ông Hân lại trách mấy ông dự án: “Sao họ không lấp đất từng phần để bà con có đất mà canh tác. Họ cứ thu đất, đổ nền để đó cho cỏ mọc đã mấy năm rồi mà chả thấy đường sá, nhà cửa đâu cả. Chúng tôi hiến đất để bây giờ, con cháu chúng tôi thất nghiệp. Bản thân chúng tôi cứ nhìn thấy cánh đồng của cha ông đầy cỏ hoang mọc mà không thể làm gì, lại day dứt và cảm thấy thật có tội với tổ tiên”.

Làng Na Nội chê tiền

Chiều thu, mưa lúc đậm lúc nhạt, cánh đồng đào rộng mênh mông vắng bóng người vì có phun thuốc trừ sâu cũng vô ích, nước mưa sẽ rửa trôi ngay, nhưng bà Gái vẫn ra đồng bón phân. Bà Gái bảo phải tranh thủ khai thác cánh đồng này, bởi chính quyền xã nói cả vùng đất sau này sẽ thành khu đô thị mới.

“Tôi thuê 5 sào để trồng đào, mỗi năm cũng thu nhập được cỡ 200 triệu, cũng khấm khá lắm chú à”. Bà Gái có đến 5 người con, tất thảy đều làm việc trên cánh đồng đào này nhưng bao lâu nay vợ chồng bà và các con chẳng phải lo nghĩ gì.

Mô tả ảnh.
Vườn đào xanh mướt của nhà bà Gái.
Vườn đào của bà Gái nằm lọt thỏm trong gần 100ha trồng đào dẫn vào thôn Na Nội (xã Dương Nội). Người dân Na Nội từ hơn một thập kỷ nay nổi tiếng với nghề trồng đào - người dân vẫn quen gọi là làng đào La Cả (La Cả thực ra là tên làng cổ, từ năm 1956 đã được đổi thành xã Dương Nội gồm hai thôn Uỷ Na và Na Nội).

Cũng như bà Gái, vợ chồng bà Phượng, ông Hồng cũng thuê 2 sào ruộng để trồng đào. “Trước tôi vào Nam làm ăn, đến năm 2001, thấy làng có phong trào trồng đào thì quay về tham gia, thoắt cái cũng đã gần 10 năm” - ông Hồng rít thuốc lào sòng sọc kể.

 

Hai sào ruộng với trên 200 gốc đào, mỗi năm, vợ chồng ông bán đi phân nửa số gốc đào (nửa còn lại để phát triển tiếp, dành cho năm tiếp theo), thu lời trung bình khoảng 100 triệu đồng. Mức thu nhập này đủ sống với nhà ông Hồng nhưng so với bà con trồng đào xung quanh thì cũng chưa cao. Cạnh vườn đào nhà ông có vườn của ông Trân, năm nào cũng thu về ít nhất là 300 triệu đồng từ những thân đào thế.

 

Mô tả ảnh.
Vợ chồng ông Hồng đã có 10 năm gắn với nghề trồng đào La Cả.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt thì các dự án khu đô thị Dương Nội, khu đô thị Lê Trọng Tấn và khu đô thị An Dương sẽ chiếm đến 90% diện tích đất nông nghiệp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các vườn đào sẽ bị xoá sổ.

 

Ông Đỗ Văn Tiến, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế - phường Dương Nội (xã Dương Nội cũng mới chuyển lên phường, kể từ khi Hà Đông trở thành cấp quận) cho hay: Dương Nội hiện có 365ha đất nông nghiệp.

 

Theo ông Tiến thì người dân ở đây vẫn chưa chịu giao đất cho dự án do giá đền bù ruộng quá thấp. “Mỗi sào ruộng một năm đẻ ra cho dân hàng chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng mà chủ dự án chỉ đền bù 97 triệu đồng/sào gồm cả tiền đất, tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tiền bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, tiền ổn định đời sống sản xuất. Thế nên phường gọi người dân lên nhận tiền đến trầy trật, trong vòng 3 ngày mới chỉ có 70 hộ/1560 hộ chịu đến nhận tiền đền bù”.

 

Mô tả ảnh.
Dù cố thủ nhưng người dân ở đây cho biết rất lo lắng khi xã thông báo trước sau cũng sẽ phải trao đất cho dự án.
Tiền đền bù không bằng một năm trồng đào, mà trao đất tức là mất nghề, mất việc. Tuy vậy, dù cố thủ nhưng dân ở đây vẫn không khỏi lo lắng khi xã thông báo trước sau cũng sẽ phải trao đất cho dự án.

 

Hỏi về chuyện này, bà Gái lại than thở: “Giờ có dự án khu đô thị mới vào đây, mất đất là cả nhà tôi chết”. Còn ông Hồng cũng thở dài: “Vợ chồng tôi đều đã trên 50, tuổi này bây giờ xoay nghề khó lắm. Sau này theo quy hoạch cả vùng đào này sẽ biến thành khu đô thị, lúc đó tôi có xin đi làm bảo vệ cũng chưa chắc đã có ai nhận. Chắc là sẽ mở quán trà cóc kiếm dăm đồng bạc, chỉ thương đám thanh niên còn trẻ mà thiếu học chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn”.

 

Anh nông dân Nguyễn Văn Thinh (35 tuổi, nhà ngay giữa thôn, cũng có 2 sào đào) đang cặm cụi làm đất cũng ngẩng đầu lên góp chuyện: “Dự án chưa thu đất thì tôi vẫn trồng đào, được tết nào hay tết đó. Giờ thì tôi đang tranh thủ đi học thêm nghề sửa xe”.

 

Hoa hồng quý hơn tiền đề bù

 

Cách thôn Na Nội chừng 30km là làng hoa Mê Linh. Ngày 18/3/2008, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định số 839/QĐ-UBND về việc thu hồi đất để thực hiện bồi thường và giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng khu đô thị mới tại xã Mê Linh và xã Tiền Phong (huyện Mê Linh, nay thuộc Hà Nội).

 

Dự án xây dựng khu đô thị này được giao cho Công ty Cổ phần bất động sản AIC làm chủ đầu tư (gọi tắt là DA khu đô thị AIC). Phần lớn dự án nằm trên địa bà xã Mê Linh với diện tích 718.380,4m2; trong số này chủ yếu là diện tích đất nông nghiệp (gần 627.000m2), còn lại là diện tích đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng.

 

Ngoài ra, dự án còn trải ra trên địa bàn xã Tiền Phong thêm 224.828,6 m2. Tuy nhiên kể từ ngày có quyết định trên, đến nay DA khu đô thị AIC mới chỉ thu hồi và bồi thường được một diện tích rất nhỏ, vào khoảng gần 18.000m2, là đất nông nghiệp của khoảng 30 hộ dân xã Mê Linh.

 

Mô tả ảnh.
Những thửa ruộng trồng hoa hồng này cho người dân làng Mê Linh hàng trăm triệu mỗi năm.
Ông Trần Văn Bình, trưởng khu 1 xã Mê Linh cho hay, toàn xã có 450 hộ dân với xấp xỉ 1.700 nhân khẩu. Có tới 100% các hộ dân trong xã làm nông nghiệp để mưu sinh, cụ thể là trồng các loại hoa. “So với trồng lúa, nghề trồng hoa khá hơn rất nhiều” - ông Bình nói - “Nếu không bị thiên tai, dịch bệnh thường mỗi năm một sào (360m2) trồng hoa cũng đem lại từ 15-20 triệu đồng cho bà con. Trong khi đó, mức đền bù của DA khu đô thị AIC là 100 triệu đồng/sào. Bà con cho rằng mức đền bù này thấp chỉ bằng 5 năm trồng hoa, nên nhiều người không muốn bàn giao ruộng”.

 

Ông Nguyễn Hoàng Tiến - cán bộ địa chính xã Mê Linh xác nhận điều này: “DA khu đô thị AIC trải rộng gần 72ha trên địa bàn xã, tuy nhiên đã hơn 1 năm trôi qua nhưng mới chỉ thu hồi được gần 2ha. Về nguyên nhân, do vài chục hộ trước kia được hưởng đền bù mức 100 triệu đồng/sào; nay Mê Linh đã sáp nhập vào Hà Nội, tính theo giá Hà Nội chỉ được đền bù 78 triệu đồng/sào, nên các hộ bàn giao sau thấy thiệt thòi, không bàn giao. Ngoài ra, vẫn có những ý kiến cho rằng bồi hoàn 100 triệu đồng/sào vẫn là thấp so với việc họ trồng hoa. Thực tế có những hộ xen canh trồng bí mà thu được 35 triệu đồng/2 sào/năm.

 

Tiền đền bù đất chưa bằng một năm trồng hoa, trồng đào nên rất ít người dân chịu ký nhận. Nhưng dù chưa ký, dù vẫn khẳng định cố bám trụ canh tác nhưng nhiều nông dân của đào La Cả, hồng Mê Linh đều thú nhận, có thể đây là năm cuối cùng họ còn gắn với nghề trồng hoa, bởi chỉ giản đơn là đất của họ sẽ bị lấy đi bất cứ lúc nào.

 

Đào La Cả rồi sẽ mất đi, hồng Mê Linh cũng đến một ngày không ai tìm thấy. Chúng ta sẽ không đói khi không có đào hay có hồng, nhưng chúng ta không biết rằng mất đi những làng nghề truyền thống này là mất đi những làng dựng nên văn hóa Việt. Công cuộc đô thị hóa không phải là công cuộc đại bê tông hóa bất cứ nơi nào chúng ta muốn. Nếu không có một chiến lược đúng hay không kiểm soát được việc tham gia đô thị hóa của những doanh nghiệp chỉ biết đến cái lợi cá nhân và trước mắt, chúng ta sẽ vô tình giết chết những gì làm nên một Thăng Long, một Xứ Đoài và hơn thế. Ủi đi những làng truyền thống, bê tông hóa những làng quê văn vật như thế là một "cái chết" dài mà không biết đến bao giờ chúng ta mới tái sinh được.

  • Nhóm phóng viên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
rrer_", r));