Đến nay, người nông dân các tỉnh bị ảnh hưởng là Đồng Nai, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn chưa được Vedan bồi thường. Ảnh: VNN
Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Thới – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu số đơn do Hội Nông dân tỉnh tiếp nhận chưa có cơ sở pháp lý thẩm định.
UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND TP. Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa và huyện Tân Thành phối hợp các ngành chức năng xem xét, thống kê, kiểm tra phân loại, thẩm định đúng đối tượng bị thiệt hại, đối tượng hỗ trợ và chịu trách nhiệm về pháp lý đối với số liệu thống kê. Từ đó, UBND tỉnh đề nghị Sở NN&PTNT thống kê, tính toán mức độ thiệt hại về kinh tế và đưa ra giá trị bồi thường thiệt đối với Công ty Vedan.
Liên quan đến việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường để đánh giá mức độ thiệt hại môi trường và kinh tế trên sông Thị Vải, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa phối hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên (thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) và 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM tiến hành điều tra về việc Công ty Vedan VN và các doanh nghiệp (DN) trong khu vực gây ô nhiễm nghiêm trọng cho sông Thị Vải.
Từ nay đến 20/9/2009, các đơn vị liên quan sẽ điều tra hiện trạng các nguồn xả thải, chất lượng nước, bùn đáy tại khu vực sông Thị Vải; tính toán cụ thể để đánh giá tác động môi trường và những thiệt hại kinh tế, môi trường do các DN gây ra.
Sau đó tổng hợp số liệu, đánh giá các nguồn xả thải cùng chất lượng nguồn nước dòng sông này từ năm 1990 đến tháng 7/2009. Từ đó xác định phạm vi và mức độ bị ảnh hưởng do ô nhiễm nguồn nước đến các hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.
Trên cơ sở đó các đơn vị trên sẽ đề xuất mức độ và cơ chế đền bù thiệt hại cho nông dân do Công ty Vedan và các DN trên lưu vực sông Thị Vải gây ra.
-
Vĩnh Minh