Xét nghiệm tràn lan
Ngày 17/9, trong buổi họp về kế hoạch phòng chống cúm A/H1N1 tại Việt Nam do Bộ Y tế tổ chức, ông Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết tình trạng xét nghiệm cúm đang quá tải trầm trọng.
Hiện nay, các tỉnh thành phía Nam đang chiếm từ 75% đến 80% ca bệnh cúm A/H1N1 trên toàn quốc. Trong khi đó, Viện Pasteur gần như là nơi duy nhất làm xét nghiệm ban đầu cho bệnh nhân nghi nhiễm cúm A/H1N1. Điều này đã tạo cho Viện một sức ép lớn.
“Trung bình mỗi ngày, có 300 mẫu xét nghiệm cúm được chuyển về Viện Pasteur, đặc biệt vào ngày 15/9, Viện đã tiếp nhận đến hơn 600 mẫu. Số ca cúm A/H1N1 ngày càng tăng, cứ đà này Viện có khả năng sẽ phải xét nghiệm đến 1.000 mẫu một ngày.
Tại Viện cũng đang có 700 mẫu xét nghiệm còn xếp hàng chờ tới lượt. Có thể số ca mắc cúm A/H1N1 sẽ còn tăng và kéo dài sang năm sau. Nếu xét nghiệm tràn lan sẽ gây quá tải về nhân lực và tiêu hao rất nhiều tiền bạc của Nhà nước”, ông Trần Ngọc Hữu nói.
Viện Pasteur TP.HCM đang quá tải trầm trọng xét nghiệm cúm A/H1N1. Ảnh: Thanh Huyền.
Được biết, chi phí cho mỗi mẫu xét nghiệm cúm A/H1N1 từ 1 triệu 500 ngàn đến 2 triệu đồng. Như vậy, mỗi ngày Viện đang tiêu tốn hết 600 triệu đến 1 tỷ đồng. Viện cũng đang nợ 4 tỷ đồng do việc làm xét nghiệm.
Theo ông Hữu, để việc phòng, chống cúm A/H1N1 được tốt hơn, ngành y tế phải thay đổi về mặt chiến lược đối phó. Chỉ cần xét nghiệm đối với những trường hợp nghi nhiễm cúm A/H1N1 có triệu chứng nặng. Những ca có triệu chứng cảm cúm điều trị như người đã dương tính.
Mặc dù chỉ thị này đã được Bộ Y tế đưa ra từ lâu nhưng các bệnh viện vẫn ồ ạt gửi mẫu xét nghiệm cúm về Viện gây ùn tắc trầm trọng. Thay vì trong vòng 24h, Viện đã có thể trả lời kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân thì nay phải mất từ 3 đến 4 ngày.
Điều này chẳng những làm cho việc xét nghiệm không thể tầm soát được số lượng người nhiễm cúm mà còn không phục vụ hiệu quả cho công tác điều trị.
Ngoài ra, Viện Pasteur muốn tiếp cận hồ sơ bệnh án của bệnh nhân nghi nhiễm cúm để phục vụ cho công tác chuyên môn nhưng các bệnh viện không cung cấp. Viện chỉ có thể thu thập thông tin thông qua báo cáo của Bộ Y tế.
Tăng cường máy đo thân nhiệt và vắcxin
Để giảm tải các mẫu xét nghiệm cũng như giá thành xét nghiệm cúm A/H1N1, ông Hữu cho biết trong tuần tới sẽ đề xuất với Bộ Y tế một số cơ sở y tế có khả năng làm được xét nghiệm. Ngoài ra, Viện Pasteur cũng đang nghiên cứu, chuẩn bị cho việc sản xuất sinh phẩm làm xét nghiệm cúm.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết hầu hết các tỉnh thành đều có ca cúm lây lan trong trường học và cộng đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn 7 tỉnh chưa có kế hoạch phòng chống cúm.
Hiện nay, tại bệnh viện, việc phát hiện các bệnh nhân đến khám bệnh cảm cúm dương tính với cúm A/H1N1 trở nên thường xuyên hơn. Bộ Y tế có thể sẽ chuẩn bị 5 triệu liều vắcxin cúm A/H1N1 cho các đối tượng nguy cơ cao, nhằm đối phó với dịch cúm ở giai đoạn mới.
Tình hình kiểm soát dịch cúm tại các cửa khẩu cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Lượng khách nhập cảnh vào Việt Nam mỗi ngày rất lớn. Trong khi đó, lực lượng cán bộ kiểm dịch lại mỏng, phương tiện kiểm dịch có hạn.
Việt Nam có tất cả 50 cửa khẩu quốc tế và 44 cửa khẩu quốc gia. Không phải cửa khẩu nào cũng có máy đo thân nhiệt. Một số cửa khẩu ở các tỉnh chỉ có một đến hai cán bộ y tế kiêm nhiệm.
Để giải quyết phần nào thực trạng này, sắp tới Bộ Y tế sẽ mua thêm ít nhất 15 chiếc máy đo thân nhiệt để hỗ trợ cho các địa phương.
-
Thanh Huyền