- Bệnh nhân BHYT thường tìm mọi cách để vượt tuyến lên các bệnh viện Trung ương nhằm thụ hưởng chất lượng khám chữa tốt hơn. Bệnh viện tuyến trên càng cố giảm tải để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thì càng khiến người dân tha thiết với hơn các bệnh viện này.
Vì thế, có một nghịch lý là khi bệnh viện tuyến trên càng cố giảm tải thì bệnh nhân BHYT càng đổ về đông, tình trạng vượt tuyến diễn ra càng mạnh.
Mỗi năm quá tải thêm 15% bệnh nhân
Bệnh viện Bạch Mai một trong những bệnh viện đa khoa lớn nhất cả nước. Số giường bệnh theo quy định của Bộ Y tế là 1.800 giường. Nhưng vào thời gian cao điểm, có thể có đến 2.800 người điều trị nội trú, trong đó, bệnh nhân BHYT chiếm tới 60%, khiến công suất sử dụng giường bệnh thực tế vượt quá khả năng sẵn có nhiều lần, chưa kể số người đến khám, điều trị ngoại trú.
Việc vượt tuyến ồ ạt của bệnh nhân BHYT đã khiến các bệnh viện tuyến trên quá tải trầm trọng, bệnh nhân BHYT phải chờ đợi rất lâu (Ảnh minh họa: Bệnh nhân chờ đến lượt vào khám tại bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Cẩm Quyên) |
Còn tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, dù mang đặc thù là bệnh viện chuyên ngành nhưng tình trạng quá tải cũng không sáng sủa gì hơn. Số giường bệnh của viện theo quy định của Bộ Y tế là 500, nhưng thực tế công suất sử dụng đều ở mức 150-170%, trong đó có khoảng 30% bệnh nhân BHYT.
Mỗi ngày viện tiếp nhận khám cho khoảng 1.000 bệnh nhân ngoại trú, có ngày cao điểm lên đến 1.500 người. Đó là chưa kể việc viện luôn phải duy trì khám, điều trị cho 600-700 bệnh nhân nội trú. Trong khi đó, số bác sỹ trực tiếp tham gia khám chữa của viện chỉ có xấp xỉ 120 người.
“Thống kê trong 5 năm trở lại đây cho thấy, sau mỗi năm, lượng bệnh nhân đến khám ở viện tăng thêm trung bình 15% khiến bệnh viện càng thêm quá tải”, ông Lê Hoài Chương, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp của viện cho biết.
Số tăng bệnh nhân BHYT cũng tỷ lệ thuận với số tăng chung. Như vậy, mỗi năm bệnh nhân BHYT đến khám tại các viện tăng 15%, cho thấy tình trạng bệnh nhân BHYT vượt tuyến diễn ra ngày càng mạnh.
Tình trạng này cũng xảy ra tại Bệnh viện Việt Đức, một trong những bệnh viện ngoại khoa lớn nhất của ngành y tế cả nước.
Riêng tháng 6/2009, bệnh viện đã thực hiện 3.000 ca mổ phiên. Trung bình mỗi ngày có 80-90 ca mổ loại này và 25-30 ca mổ cấp cứu. Ngoài các bệnh thông thường, mỗi ngày có trung bình 200 ca tai nạn.
Cũng trong tháng 6, trong khoảng 3.800 bệnh nhân điều trị nội trú thì bệnh nhân BHYT đã chiếm tới 30%. Trong số 17.000 lượt bệnh nhân khám hàng ngày của tháng 6, có khoảng 20% bệnh nhân BHYT.
“Bệnh nhân nói chung chưa bao giờ ngừng đổ về viện”, ông Nguyễn Tiến Quyết, GĐ bệnh viện Việt Đức nói.
Để “tải” hết núi công việc từ các bệnh nhân này, Bệnh viện Việt Đức chỉ có 300 bác sỹ, 90 người trợ giúp chăm sóc, hơn 600 kỹ thuật và điều dưỡng viên, làm không xuể.
Viện tuyến trên "chạy", viện tuyến dưới "ngồi"
Theo ông Lê Hoài Chương, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nguyên nhân quan trọng nhất khiến tình trạng bệnh nhân BHYT vượt tuyến ồ ạt là do sự chênh lệch quá lớn về trình độ, cơ sở vật chất giữa tuyến trung ương và tuyến địa phương.
Nếu chỉ có viện tuyến trên được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hạ tầng và nâng cao trình độ y bác sỹ, còn bệnh viện tuyến dưới cứ giậm chân tại chỗ thị bệnh nhân BHYT sẽ còn tiếp tục vượt tuyến (Ảnh minh họa: Các bác sỹ bệnh viện Việt Đức đang cấp cứu bệnh nhân. Ảnh: Cẩm Quyên) |
“Nếu chỉ có các bệnh viện tuyến trên nỗ lực làm mọi cách để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT, còn các viện tuyến dưới không được đầu tư nâng cấp trình độ bác sỹ, bổ sung trang thiết bị đồng bộ thì không thể hấp dẫn bệnh nhân được”, ông Chương nói.
Nhưng theo ông Chương, hiện nay có một mâu thuẫn là trong khi các bệnh viện tuyến trên luôn có nhu cầu và luôn nhận được yêu cầu phải thúc đẩy sử dụng công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại trong điều trị thì các viện tuyến dưới hầu như giậm chân tại chỗ, khiến khoảng cách giữa các tuyến ngày một lớn hơn.
Chính sự “phân biệt” trong đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng và con người giữa các tuyến đã khiến những bất cập trong khám chữa bệnh đối với bệnh nhân BHYT bắt đầu nảy sinh, nên bệnh nhân BHYT tìm mọi cách để vượt tuyến và thụ hưởng chất lượng khám chữa tốt hơn.
Theo tìm hiểu của PV, có những bệnh nhân vì không muốn qua y tế cơ sở đã phải tìm các cách khác nhau để vẫn được hưởng BHYT đúng tuyến. Trong khi người bệnh cứ tuyến trên mà lên thẳng thì người nhà bên ngoài lo “chạy” ở tuyến dưới để có được giấy chuyển viện hợp lệ.
Thậm chí, vì các tuyến bị phân biệt, lượng thuốc điều trị cùng một bệnh tại các tuyến cũng có sự khác nhau, khiến tâm lý muốn vượt tuyến bệnh nhân BHYT càng bị “kích thích”.
Ví dụ, cùng là bệnh huyết áp cao, thiếu máu cơ tim, nhưng theo phản ánh của một số bệnh nhân đến điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, họ không nhận được loại thuốc Consor khi về tuyến huyện.
Khi thắc mắc thì bệnh nhân nhận được giải thích của bác sỹ tuyến huyện: Thuốc này bảo hiểm chỉ thanh toán ở bệnh viện trung ương và tỉnh mà thôi, danh mục thuốc BHYT cho bệnh này ở tuyến huyện không có thuốc này. Như vậy, dù thuận lợi hơn về ăn ở đi lại nhưng nếu không đủ thuốc người bệnh sẽ vấn đổ về trung ương.
Càng cố giảm tải, càng ... quá tải
Tại Bệnh viện Việt Đức, số giường bệnh mỗi năm một tăng thêm, thời gian làm việc kéo dài hơn, các bệnh viện vệ tinh được đầu tư hàng năm theo phương châm “thiếu gì bổ sung nấy”. Nhưng theo ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện thì cứ bổ sung, cứ mở rộng đến đâu là chỗ đó lại hoạt động hết công suất y như chỗ cũ.
Tình trạng trên cũng xảy ra tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Theo ông Lê Hoài Chương, bệnh viện đã làm nhiều cách để giảm tải như: hàng ngày bắt đầu khám sớm hơn 1 giờ so với giờ quy định; khám và trả kết quả ngoài giờ, kể cả ngày nghỉ; rút ngắn thời gian điều trị nội trú của bệnh nhân để giải phóng giường bệnh (với điều kiện vẫn đảm bảo chất lượng theo yêu cầu); mở dịch vụ chăm sóc tại nhà để giảm tải cho các khu vực trong viện…
“Nhưng khổ nỗi, mỗi khi nỗ lực giảm tải để nâng cao chất lượng được phần nào thì không lâu ngay sau đó, bệnh nhân BHYT lại càng thấy bệnh viện tuyến trên trở nên hấp dẫn và tiếp tục kéo về”, ông Chương nói.
“Thậm chí, bệnh nhân BHYT khi đổ về tuyến Trung ương rồi, nếu có điều kiện cũng sẵn sàng bỏ tiền khám dịch vụ để đỡ phải chờ đợi và thụ hưởng theo ý muốn của mình”, ông Chương cho hay.
- Cẩm Quyên
Bài sau: Bệnh nhân BHYT vượt tuyến: Lỗi do phân tuyến bất hợp lý?