- Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa, Luật Bảo hiểm y tế bắt đầu được triển khai trên cả nước. Nhưng liệu luật mới có giúp tình trạng quá tải bệnh viện được cải thiện hơn, có ngăn được dòng chảy tài chính từ các viện công sang viện tư, khiến hệ thống y tế công thêm khó khăn?
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.
Lỗi do hệ thống y tế phân tuyến không hợp lý?
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế). Ảnh: tuoitre.com.vn
- Theo quy định mới, bệnh nhân BHYT khám chữa bệnh không đúng cơ sở khám chữa bệnh ban đầu (trừ trường hợp cấp cứu) thì quỹ bảo hiểm sẽ thanh toán theo 3 mức: 70%, 50%, 30% tương ứng với các cơ sở khám chữa bệnh hạng 3, hạng 2, hạng 1. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này càng khuyến khích bệnh nhân vượt tuyến và làm cho các bệnh viện tuyến trên quá tải thêm, thưa bà?
- Đúng là trước đây người dân vẫn vượt tuyến ngay cả khi không được bảo hiểm thanh toán phần nào viện phí. Và các bệnh viện tiếp tục quá tải dù đã có quy định bệnh nhân BHYT phải đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở.
Nếu bệnh nhân đi đúng tuyến, có giấy chuyển từ viện tuyến dưới lên thì họ sẽ được bảo hiểm thanh toán theo quy định. Nhưng nếu vượt tuyến trong điều kiện, quy định hiện nay, mức thanh toán đã hạ xuống rất thấp, lên bệnh viện Trung ương cũng chỉ được thanh toán 30%.
Được thanh toán 30% viện phí khi khám chữa ở tuyến trung ương thì cũng không thấm thía vào đâu so với tổng chi phí người bệnh phải bỏ ra, vì lên tuyến Trung ương là người bệnh phải chịu các chi phí gián tiếp khác như ăn, ở, đi lại ...
Do vậy, quy định như trên là nhằm mục đích hạn chế bệnh nhân vượt tuyến. Với những đối tượng bệnh nặng mà chỉ được thanh toán 30% viện phí thì họ không bao giờ dám lên tuyến trung ương. Chủ yếu những người vượt tuyến là những người có đủ điều kiện kinh tế để chi trả.
- Nhưng thưa bà, theo một nghiên cứu năm 2007 về tình trạng quá tải bệnh viện của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, lượng bệnh nhân chưa từng qua cơ sở y tế nào lên thẳng bệnh viện Bạch Mai khám chữa chiếm 73,7%. Tại bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) và Phụ sản Trung ương có tới 89-97% bệnh nhân bỏ qua y tế cơ sở..
Đặc biệt là tại viện Nhi Trung ương, có từ 90-95% bệnh nhân đến viện mà không có giấy giới thiệu của tuyến dưới. Trong khi đó, có tới 94% bệnh nhân đến viện này có thể được điều trị ngay tại tuyến dưới.
Như vậy, ngay cả khi không được thanh toán một phần nào của viện phí, và những đối tượng sử dụng BHYT đa phần có hoàn cảnh khó khăn thì bệnh nhân vẫn vượt tuyến ồ ạt. Vậy bà giải thích thế nào?
- Đúng là ngay cả khi không được chi trả phần nào viện phí, bệnh nhân vẫn không ngừng vượt tuyến. Nhưng hiện nay, hệ thống y tế của ta phân theo tuyến nên luật BHYT cũng phải quy định theo tuyến như vậy.
Việc phân tuyến theo địa giới hành chính (Trung ương, tỉnh, huyện) đã bắt buộc luật BHYT cũng phải quy định theo như thế, gây ra những khó khăn bất cập mà thực tế đang có. Việc phân tuyến như vậy là là “cắt ngang”, nhưng khi thu phí lại “bổ dọc”, tức là trên dưới thu viện phí như nhau.
Hiện nay, các nước khác trên thế giới không quy định nơi khám chữa ban đầu như ở nước ta, người dân dùng BHYT có thể đăng ký khám chữa bệnh ở bất kỳ đâu và các viện ở tuyến trên sẽ có phí đắt hơn tuyến dưới, tức là thu phí theo trình độ, khả năng bệnh viện chứ không theo khu vực.
Như vậy sẽ hạn chế tận gốc tâm lý muốn vượt tuyến, mỗi khi bệnh nhân định vượt lên tuyến trên thì họ phải xem xét, cân nhắc kỹ vì lên tuyến trên sẽ mất nhiều tiền hơn.
BHYT sẽ tiếp tục chảy về viện tư?
- Bà có thể cho biết người bệnh sử dụng BHYT khám chữa bệnh ở viện tư nhân có khác gì viện công lập?
- BHYT mới không phân biệt viện công lập hay bệnh viện tư nhân. Ở đâu thì các chế độ thanh toán, các quy định vẫn được áp dụng chung, các bệnh viện có quyền bình đẳng và cạnh tranh như nhau.
Điểm khác duy nhất khi tham gia BHYT ở các bệnh viện tư nhân là nếu mức giá các dịch vụ ở bệnh viện tư đắt hơn thì cơ quan bảo hiểm chỉ thanh toán bằng mức giá ở viện công. Phần trội hơn (do bệnh viện tư không được hỗ trợ gì từ ngân sách nhà nước) sẽ do bệnh nhân tự chi trả.
Ví dụ: Giá xét nghiệm A là 100.000 đồng ở viện công. Bảo hiểm sẽ trả cả 100.000 đồng cho người bệnh. Nhưng nếu ở viện tư, giá xét nghiệm A là 130 ngàn thì người bệnh phải trả thêm 30.000 đồng.
BHYT không phân biệt bệnh viện công, bệnh viện tư. Nếu bệnh viện công không nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nguồn tài chính từ BHYT sẽ tiếp tục bị "chảy máu", gây ra nhiều khó khăn (Trong ảnh: Bệnh nhân mất không ít thời gian để chờ đợi đến lượt khám chữa bệnh. Ảnh chụp tại Bệnh viện Bạch Mai, Cẩm Quyên) |
- Công tác chuẩn bị để triển khai Luật BHYT mới của các bệnh viện công chưa đâu vào đâu, tình trạng quá tải vẫn tiếp diễn, bệnh nhân tham gia BHYT vẫn phải mất tiền khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến (người bệnh phải cùng chi trả 5% đến 20% chi phí khám chữa bệnh). Theo bà, những bất cập này có khiến người bệnh sử dụng BHYT theo quy định mới sẽ quay lưng lại với bệnh viện công lập?
- Thực tế, các bệnh viện tư nhân có chất lượng phục vụ tốt hơn, không quá tải và không gặp các vấn đề nhức nhối như bệnh viện công.
Kể từ khi Luật BHYT mới được thông qua và được phổ biến đến các cơ sở, các bệnh viện có 6 tháng để chuẩn bị nhưng đúng là hiện nay vẫn chưa đâu vào đâu, muốn ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý bệnh viện, viện phí trong thời điểm này để giảm tải, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là điều không đơn giản.
Thực tế là đang có một dòng chảy của BHYT từ các viện công lập sang viện tư nhân. Và hiện tượng này không phải mới xảy ra.
- Kinh phí thu được từ BHYT là nguồn chính trong chi trả khám chữa bệnh của các bệnh viện công lập. Bà có đánh giá gì về tình trạng BHYT “chảy” sang viện tư như hiện nay?
- Khi nguồn tài chính quan trọng này đang bị “chảy máu” như thế thì rõ ràng nguồn thu của các bệnh viện công lập sẽ bị giảm sút. Các bệnh viện công lập phải xem xét, giám sát, kiểm tra lại việc quản lý, tổ chức thực hiện để thu hút lại người bệnh.
Luật mới nào khi thực hiện cũng vấp phải những khó khăn. Nhưng các bệnh viện phải xác định đây là nhiệm vụ. Ở thời điểm này, cần tập trung các nguồn lực để thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ của mình, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT. Chỉ có như vậy thì các bệnh viện công lập mới hấp dẫn được bệnh nhân.
- Xin cảm ơn bà!
-
Cẩm Quyên