- Thuỷ điện A Vương đã tiến hành xả lũ đúng thời điểm thuỷ triều lên, cộng với nước biển dâng cao do ảnh hưởng của bão số 9 khiến lũ chồng lũ, uy hiếp nghiêm trọng đến hàng chục ngàn hộ dân. Vì sao A Vương phải chọn thời điểm này?
Ngay từ ngày 26, 27/9, Đài Khí tượng thuỷ văn Trung Trung Bộ đã phát đi các thông tin cảnh báo tình hình bão số 9. Trong các bản tin dự báo thời tiết nhấn mạnh trước, trong và sau bão số 9 sẽ gây mưa trên diện rộng với cường suất lớn hơn mọi năm. Thế nhưng nhà máy thuỷ điện A Vương lại không xả lũ trước đó, để đến khi nước lũ dâng cao mới xin xả lũ tại thời khắc nguy hiểm nhất…
Lượng nước đổ về xuôi tăng 10 lần
Đúng như dự báo, từ ngày 28 đến ngày 29/9, khi bão đổ bộ vào miền Trung, mưa lớn xuất hiện, lũ đã đạt đỉnh thì nhà máy thuỷ điện A Vương mới xả lũ.
Thông báo gửi UBND tỉnh Quảng Nam, Công ty CP Thuỷ điện A Vương cho biết tiến hành xả 14 triệu mét khối nước, nhưng thực tế đã có tới... 149,3 triệu mét khối đổ về xuôi. Khối lượng nước khổng lồ này đổ về hạ lưu, chồng lên lũ trời, gây thảm hoạ cho hàng chục ngàn hộ dân và uy hiếp di sản Hội An.
Tại thời điểm xả lũ của nhà máy thuỷ điện A Vương, một cán bộ khí tượng thuỷ văn Quảng Nam cho biết: Căn cứ lịch thuỷ triều 2009 và qua thông số đo đạc thuỷ triều trong các ngày 28, 29 và 30/9, từ 20 giờ đêm ngày 28 đến 7 giờ sáng 29/9, thuỷ triều dâng lên tại các cửa sông lớn Quảng Nam là Cửa Đại (Hội An) và cửa An Hoà (Núi Thành) với đỉnh triều đạt hơn 1,1 m.
Nhà máy thủy điện A Vương xả lũ kéo theo rác và cây cối cuốn về làm ngập và đe doạ cầu Quảng Huế, Đại Lộc |
Do tác động của bão số 9, nước biển dâng ở các cửa sông và triều không rút như qui luật. Thuỷ triều tiếp tục dâng lên từ 16 giờ ngày 29/9 kéo dài đến 7 giờ 30 phút sáng 30/9.
Như vậy, lũ từ thượng nguồn đổ về, thuỷ triều lên liên tục tại các cửa sông đã khiến nước không thoát ra biển, cộng với lượng nước xả khổng lồ của nhà máy thuỷ điện A Vương đã nhấn chìm vùng hạ lưu trong lũ.
Vậy, tại sao những người có trách nhiệm vận hành hồ chứa nhà máy thuỷ điện A Vương lại xin xả nước ngay tại thời điểm nguy hiểm như vậy?
Trong báo cáo xả lũ của Công ty Cổ phần Thuỷ điện A Vương, tổng lượng nước xả lũ đã làm nhà máy tổn thất lượng điện năng lên tới 110 triệu kWh.
Theo tính toán như vậy, có thể nói trong 11 giờ xả lũ, bắt đầu từ 15 giờ chiều 29/9 đến 9 giờ sáng hôm sau, thiệt hại của nhà máy nếu tính bình quân mỗi kWh điện là 500 đồng thì mất hơn 55 tỷ đồng! Một con số thiệt hại quá lớn cho nhà máy!
Thiệt hại cho nhà máy trong 19 giờ xả lũ của 2 ngày 29 và 30/9 theo tính toán ban đầu là quá lớn, nhưng liệu những người có trách nhiệm của nhà máy có lẽ chưa tính toán hết rằng việc xả lũ của nhà máy khiến lũ lên nhanh uy hiếp hàng trăm nghìn hộ dân. Con số thiệt hại vì thế có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng, chưa kể đến sinh mạng người dân bị đe doạ nghiêm trọng.
Không xả sớm vì không tin dự báo thời tiết?
Về công tác vận hành các hồ chứa nước nhà máy thuỷ điện, Bộ Công thương đã có Quyết định số 3673 (27/6/2008) quy định rõ ràng.
Tuy nhiên trên thực tế, mặc dù đã có thông báo của ngành khí tượng thuỷ văn về mưa trên diện rộng và lũ xuất hiện ở vùng thượng nguồn sông Vu Gia-Thu Bồn, nhưng nhà máy thuỷ điện A Vương vẫn không tiến hành xả nước trước thời điểm lũ về để đảm bảo an toàn cho hồ chứa. Liệu có phải vì nhà máy này không quan tâm đến dự báo của khí tượng thuỷ văn, cố tình giữ nước vì bài toán kinh tế 110 triệu kWh của mình?
Lượng nước xả hồ trên là theo báo cáo của công ty, còn thực tế việc xả lũ hồ A Vương ngày 29 và 30/9 trong lúc bão lũ do ai giám sát? Mặt khác, việc xả nước hồ A Vương trong thời điểm xảy ra bão lũ chung trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là vùng hạ lưu, liệu có được điều chỉnh bởi quyết định của Bộ Công thương ban hành?
Hàng loạt câu hỏi này đến nay vẫn chưa được các ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng như lãnh đạo nhà máy thuỷ điện A Vương trả lời.
Người dân chạy lũ trong tay trắng vì lũ lên quá nhanh |
Theo quy định của Chính phủ, trong hoàn cảnh xảy ra tình trạng khẩn cấp như bão, lũ, thì toàn bộ sự việc đối phó với tình trạng khẩn cấp đều phải được chỉ đạo, điều hành bởi mệnh lệnh từ chính quyền.
Trả lời báo Lao Động, ông Lê Đình Bản - Phó Tổng GĐ Công ty CP Thuỷ điện A Vương giải thích: "Khi nước hồ ngang mực gia cường (380m) thì việc xả lũ hay không cũng vô nghĩa, bởi hồ lúc đó như dòng sông. Lượng mưa về bao nhiêu thì qua cửa xả, đập tràn về hạ lưu bấy nhiêu.
Lũ nhấn chìm hàng trăm nghìn người dân vùng hạ lưu sông Vu Gia-Thu Bồn
Khối lượng, lưu lượng xả lũ được đo đếm tự động bằng hệ thống điện tử, vận hành đúng thiết kế và quy trình đã được Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định. Không có chuyện xả nhiều mà báo lượng ít.
Nếu không xả lũ (2.680m3/giây) để vỡ đập, hậu quả khôn lường, bởi không chỉ hư hại nhà máy mà lượng nước về xuôi lúc ấy sẽ là 343 triệu mét khối/giây - (tổng dung tích hồ chứa)".
Vậy tại sao nhà máy không điều tiết, xả trước hồ chứa khi có dự báo mưa đặc biệt to vài ngày tới, mà đợi nước ngang mực gia cường - cùng lúc hạ lưu đã ngập lũ - mới xả hồ để chồng lên lũ?
Ông Bản nói: "Không thể có "giá như" được. Tin dự báo thường không chính xác. Nếu xả trước, mà mưa không to, lượng nước không tích được đến mực gia cường, ai chịu trách nhiệm?".
Trưởng phòng dự báo, Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Trung Trung Bộ - ông Nguyễn Thái Lân - khẳng định: "Mưa hoàn lưu bão phân bổ đều, không bất thường. Tuy nhiên, mực nước lũ vừa qua xuất hiện ngay trong bão là bất bình thường, không đúng qui luật.
Tất nhiên, chúng tôi điều chỉnh ngay dự báo khi thấy nước thượng nguồn về đột ngột gây ngập vùng hạ lưu vượt đỉnh lũ lịch sử các năm gần 2 mét nước. Nhưng dự báo chậm 6 giờ đồng hồ, khi đến dân chỉ còn 3 giờ, cả chính quyền, dân đều không trở tay kịp".
Theo ông Lân, lẽ ra quy trình xả lũ phải có thông báo cho ngành dự báo thời tiết, thuỷ văn. Vấn đề này cần được Chính phủ điều chỉnh, áp dụng cho các hồ chứa nước trên toàn quốc.
"Đây là vấn đề sinh mệnh của hàng trăm nghìn người dân vùng hạ lưu, cần phải được xem xét rút kinh nghiệm và có qui trình vận hành hồ bởi sự kết hợp của các cơ quan chuyên môn để tránh thảm hoạ có thể xảy ra" - ông Lân nhấn mạnh.
Trong chuyến thị sát và làm việc với các tỉnh, thành trong khu vực vào chiều 1/10 tại Hội An, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lưu ý các địa phương về sự an toàn của các hồ chứa nước thuỷ điện trong khu vực, cần phải có quy chế vận hành an toàn hồ, liên hồ và yêu cầu Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT, Bộ Công thương rút kinh nghiệm việc tích và xả nước các lòng hồ thuỷ điện.
Ngay trong chiều 30/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã nhấn mạnh việc vận hành các hồ chứa thuỷ điện nơi vùng thượng nguồn trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn cần phải được xem xét và quản lý chặt chẽ để tránh những thảm hoạ khôn lường có thể xảy ra.
Chuyện xả lũ từ hồ chứa nhà máy thuỷ điện A Vương ngay trong đợt bão lũ vừa qua đang là câu chuyện thời sự tại Quảng Nam. Bởi việc đầu tư xây dựng các nhà máy thuỷ điện bậc thang trên đầu nguồn hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đã, đang đầu tư xây dựng đều phải có đánh đổi. Dù vậy, vì lợi ích trước mắt mà quên lợi ích của hàng trăm nghìn người dân nơi vùng hạ lưu là điều không thể thông cảm.
-
Hoàng Anh