- Khi đưa được tàu bạn vào trú ẩn an toàn nơi quần đảo Hoàng Sa, tàu anh cùng 15 tàu khác lại bị đánh cướp toàn bộ tài sản, chỉ còn lại chiếc la bàn và trở về sau bão số 9, trong nước mắt của người thân ngóng đợi trên bờ.
Đó là câu chuyện của thuyền trưởng Trương Minh Quang, người đã cùng những thuyền viên can trường của mình xông ra bão dữ để cứu hộ thành công 11 ngư dân trên tàu QNg 5012 chết máy trôi dạt giữa biển.
Nỗi ám ảnh kinh hoàng
Khác với những ngư phủ ăn sóng nói gió, không kể về mình, thuyền trưởng Trương Minh Quang (1972, sinh ra nơi làng Gành, thôn Châu Thuận, xã Bình Sơn, Quảng Ngãi, chủ tàu QNg-90078-TS), chỉ nhỏ nhẹ kể cho tôi nghe về nỗi ám ảnh kinh hoàng khi anh cùng những thuyền viên của mình đối diện không biết bao nhiêu lần với cái chết giữa biển khơi, mà như lời anh bảo là: "Nhờ ơn trên phù hộ".
Không biết cái ơn trên anh quan niệm như thế nào, nhưng khi nghe anh kể về những lần đối mặt với hiểm nguy giữa biển khơi, anh cùng những thuyền viên của mình đều tai qua nạn khỏi một cách thần kỳ.
Bán tàu lên bờ hay lại tiếp tục ra khơi? Câu hỏi anh Quang chưa trả lời được. |
Anh kể: trong cái nghề lặn biển đánh bắt ngoài khơi xa, anh đã từng đối mặt với bao nhiêu hiểm nguy rình rập. Từ chuyện tai nạn khi lặn biển đến chuyện gặp cướp, rồi giông bão bất ngờ. Mỗi một câu chuyện là nỗi gian nan vất vả của những ngư dân vì miếng cơm manh áo phải đánh đổi cả mạng sống của mình.
Chỉ trong năm 2009, tàu của anh đã 2 lần bị những kẻ vũ trang trên đảo Hoàng Sa tấn công cướp tài sản và đánh đập.
Anh nhớ lại, vào tháng 3/2009, tàu anh đang đánh bắt trên vùng biển đảo
Sau lần bị trấn cướp ấy, anh và 13 thuyền viên trên tàu trắng tay. Cũng may nhờ các tàu bạn tiếp tế lương thực, dầu… nên các anh tiếp tục ở lại đánh bắt. Sau chuyến đi biển hãi hùng ấy, anh quyết định bán tàu lên bờ.
Nhưng rồi nhìn anh em không việc làm, nợ nần chồng chất khi vay để đóng tàu, không thể bán tàu nằm nhà nhìn vợ con chết đói, anh lại cùng với thuyền viên quyết tâm ra khơi.
Những chuyến đi biển tiếp theo trời yên biển lặng, cũng kiếm được cơm và chút tiền trả nợ dần ngân hàng hối thúc bên lưng.
Nhưng ai ngờ, trận bão số 9, một phần bị bão đuổi sau 5 ngày đánh bắt ngoài khơi không được bao nhiêu, phí tổn dầu, lương thực tốn kém, anh bảo với các thuyền viên tìm cách tránh bão rồi ở lại đánh bắt. Nếu chạy vào thì chỉ có đói!
Thế là tàu anh quyết định cùng với các tàu bạn chạy vào quần đảo Hoàng Sa để tránh bão. Trên đường chạy bão đuổi sau lưng, tàu anh lại nhận được tín hiệu cấp cứu của tàu ông Nguyễn Văn Tàu cùng 11 thuyền viên đang chết máy bị bão quật tơi bời.
Toàn bộ máy móc trên tàu bị đánh cướp |
Sau mấy phút hội ý chớp nhoáng với các thuyền viên, anh liều mình xé bão quay trở lại để cứu tàu bị nạn mà như lời anh bảo là "mình phải làm phúc". Mà cái làm phúc giữa lúc nguy khốn giữa biển khơi xa trong đời đi biển hơn 20 năm của mình anh không nhớ hết bao nhiêu lần cứu người, cứu tàu gặp nạn.
Anh bảo: ”Việc cứu người, cứu tàu bị nạn là quan trọng. Cũng may toàn bộ anh em thuyền viên trên tàu đều nhất trí. Chấp nhận tất cả, mỗi chuyến đi biển có lỗ cũng chịu. Nhưng không thể không cứu người bị nạn giữa biển…”.
Khi cứu được tàu của ông Nguyễn Văn Tàu cùng 11 thuyền viên, nhờ tàu công suất lớn, cộng với sự can trường của một thuyền trưởng dày dạn sóng gió, anh đã lai dắt tàu bị nạn vượt bão vào trú ẩn an toàn tại đảo Hoàng Sa.
Nhưng sau khi bão tan, tàu anh cũng như nhiều tàu đánh bắt của bà con ngư dân Quảng Ngãi lại bị đánh cướp toàn bộ tài sản trên tàu.
“Lúc bọn cướp có vũ trang ập xuống tàu, phía trước là tàu chiến chắn đầu. Tui chỉ kịp bảo anh em thôi thà mất của còn giữ mạng sống. Thế là toàn bộ tài sản bị cướp sạch, nhưng người thì an toàn, không ai bị đánh đập nặng. Còn người, còn của mà…”, anh Quang tâm sự.
Sau lần bị đánh cướp ấy, tàu anh hoàn toàn mất liên lạc với đất liền. Chỉ với chiếc la bàn còn lại, anh cùng với 13 thuyền viên tìm đường trở về trong tơi tả và nước mắt của vợ con khóc cạn sau những ngày chờ đợi trên bờ…
Bán tàu lên bờ chịu cảnh trắng tay!
Suốt hơn 20 ngày trở về trong tơi tả do bị đánh cướp, do bị bão quật tơi bời, giờ đây con tàu đánh bắt xa bờ của anh tích cóp vay mượn chỉ còn lại phần vỏ và máy tàu đang nằm nơi cảng Sa Kỳ.
Anh bảo suốt thời gian trở về, chưa đêm nào anh chợp mắt, hình ảnh bị đánh cướp hãi hùng luôn ám ảnh. Rồi tàu bị bão quật tơi bời tưởng không còn trở về. Nhìn cảnh vợ con nheo nhóc, nợ vay đến hạn vây quanh 4 bề…
Tàu anh Quang trở về trong tơi tả, không thể ra khơi trở lại |
“Đến nước ni chỉ còn cách bán tàu để trả nợ, chớ sức mô mà lo cho thấu. Để tàu nhổ neo ra được biển trở lại, chỉ tính sơ sơ máy móc bị đánh cướp muốn mua sắm trở lại cũng mất đứt 80 triệu đồng. Tiền mô mà lo bây chừ! Vay ngân hàng thì không được, vì nợ cũ chưa trả…”, thuyền trưởng Trương Minh Quang thở dài kể.
Theo lời anh Quang kể, ngoài máy móc như máy định vị, máy liên lạc, bình dây, lặn, lưới… đã bị đánh cướp trong trận bão số 9 vừa qua, tàu bị bão đánh hư hỏng cũng khá nhiều, cần phải sửa sang lại.
Để ra khơi trở lại, cần phải mua dầu, lương thực chuẩn bị cho chuyến đi biển một tháng mất ít nhất cũng hơn trăm triệu đồng nữa. Chuyến đi biển gặp bão, gặp cướp, toàn bộ 13 thuyền viên cũng như chủ tàu như anh đều trắng tay và thâm nợ cho phí tổn chuyến đi chưa có tiền trả.
Trong câu chuyện cùng tôi trên con tàu xơ xác neo đậu nơi cảng Sa Kỳ, anh Quang bảo: “Bây chừ tui chỉ còn nước bán tàu trả nợ để lên bờ. Nhưng, bán tàu rồi lấy chi để sống, còn vợ con nheo nhóc. Mà đâu phải chi mình tui mà còn 13 anh em khác. Cả một đội tàu “há mồm” đang nằm chờ trên bờ hơn 100 người. Biết mần răng chừ…”.
Cuối cùng, anh Quang nói như tâm sự với riêng mình: ”Ra biển cũng chết, lên bờ cũng chết. Ra biển gặp bão tố, gặp cướp. Nếu may mắn cũng còn có cơ may sống, nhưng bán tàu lên bờ thì chết là cái chắc. Bởi anh em làm nghề biển tụi tui không ra biển thì biết làm cái chi trên bờ. Học ít, chỉ có sức vóc, mồ hôi để kiếm cơm nuôi vợ con. Lên bờ biết làm chi bây chừ…?”.
Cả một buổi sáng ngồi cùng anh trên con tàu xơ xác, đôi lúc tôi đã nhìn thấy hai giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt sạm đen của người đàn ông can trường này. Tôi biết, tận trong sâu thẳm của ký ức, anh vẫn chưa quên những giờ phút kinh hoàng bị đánh cướp. Nhưng điều đó chưa kinh hoàng bằng việc phải bán tàu, lên bờ.
Bởi như lời anh tâm sự là không thể đứng nhìn cảnh vợ con nheo nhóc đói ăn, rồi bạn tàu không việc làm, vợ con họ sẽ ra sao? Câu hỏi cứ xoáy sâu vào đầu người thuyền trưởng này suốt hơn nửa tháng nay.
Một buổi trưa lộng gió sau trận bão dữ, tôi ngồi cùng anh trên con tàu xơ xác. Những giọt nước mắt lăn dài, những câu chuyện kinh hoàng được anh kể lại. Nhưng anh bảo kinh hoàng nhất trong đời đi biển của anh là giữa giờ phút này phải quyết định bán tàu hay không bán tàu.
Không ra khơi thì chẳng lẽ để vợ con trên bờ chết đói! |
“Nếu không bán tàu thì bây giờ biết lấy tiền đâu để lo sửa sang, mua sắm thiết bị để tiếp tục ra khơi kiếm tiền trả nợ. Còn nếu bán tàu thì biết lấy chi để sống…”, anh Quang kể trong nỗi day dứt.
Không riêng gì tàu anh Quang mà 15 tàu khác của bà con ngư dân Quảng Ngãi trong trận bão số 9 và bị đánh cướp tại đảo Hoàng Sa vừa qua đều lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Nhiều chủ tàu chỉ còn cách bán tàu để lên bờ. Nhưng họ bảo bán tàu lên bờ cũng chết. Sự lựa chọn sinh tử ấy giữa giờ phút này đối với bao ngư dân đang là sự lựa chọn khó khăn nhất mà họ phải đối mặt
Lời của Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu Nguyễn Thanh Hùng như lời cầu khẩn thay những ngư dân nghèo nơi vùng đất này sao mà tha thiết: ”Xin hãy giúp những ngư dân gặp nạn, xã nghèo quá không biết cách nào để giúp bà con. Chỉ cầu mong cấp trên xem xét có cách nào giúp để ngư dân gặp nạn vượt qua cơn khốn khó này là vô cùng cần thiết…”.
Tôi tin lời khẩn cầu của ông Hùng cùng bao ngư dân gặp nạn rồi đây sẽ được đồng bào cả nước cũng như lãnh đạo chính quyền địa phương chia sẻ, để những con tàu lại tiếp tục ra khơi, để bao nụ cười lại nở khi không còn phải đối mặt với hiểm nguy và phải chịu cảnh nằm bờ…
Tôi tin như vậy!
-
Hoàng Anh