- Trong các mẫu mứt, xí muội lấy ở chợ Bình Tây, nhiều mẫu có hàm lượng chì, chất phụ gia vượt tiêu chuẩn cho phép.
Ngày 11/11, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản gửi cho UBND quận 6 thông báo về kết quả thanh tra 3 cơ sở kinh doanh mứt khô, xí muội tại chợ Bình Tây (quận 6).
“Dính” cả chì lẫn chất phụ gia cấm
Trước thông tin cảnh báo về tình trạng sản phẩm mứt nhập khẩu từ châu Á nghi nhiễm độc chì, ngày 13/10, đoàn thanh tra Sở Y tế lấy 6 mẫu sản phẩm ở các sạp số 674, 688 và 679 ở chợ Bình Tây để kiểm nghiệm.
Kết quả có 5 mẫu không đạt tiêu chuẩn cho phép. Trong đó có 3 mẫu bị nhiễm chì và nhiều mẫu có chất phụ gia không được phép sử dụng.
Mứt khô không ghi nơi sản xuất, hạn sử dụng bày bán ở chợ Bình Tây. Ảnh: C.T.V |
Cụ thể: Mẫu xí muội có hàm lượng Cyclamate 13,75%. Đây là chất phụ gia không được phép sử dụng. Ngoài ra, hàm lượng Saccharin trong mẫu xí muội cũng vượt giới hạn cho phép.
Mẫu trái vải khô không hạt Songxingliangguoxilie, có hàm lượng phụ gia Cyclamate 2,25% và hàm lượng chì là 0,152 % mg/kg vượt giới hạn cho phép.
Mẫu xí muội không hạt (màu đen), mẫu mứt Kiwi đều có hàm lượng chì vượt mức giới hạn cho phép và cũng có chất phụ gia Cyclamate.
Điều đáng lưu ý, trên bao bì 6 mẫu sản phẩm trên đều không ghi nơi sản xuất và hạn sử dụng.
Thực phẩm nhiễm chì độc hại ra sao? Về ngộ độc chì mãn tính sẽ gây ra bệnh đau đầu, đau bụng … |
Bán hàng trôi nổi vẫn được cấp giấy an toàn
Theo ghi nhận của Sở Y tế TP.HCM, tại chợ Bình Tây, có 20 cơ sở kinh doanh mứt, quả khô, xí muội. Các cơ sở này đều có giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thực tế, qua kiểm tra, Sở Y tế lại phát hiện tình trạng kinh doanh thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ, mua bán hàng hoá trôi nổi không nguồn gốc, hàng nhập lậu không rõ hoá đơn chứng từ … xảy ra rất phổ biến.
Người tiêu dùng không thể nào phân biệt đâu là mứt an toàn, đâu là mứt nhiễm chì. Ảnh: Minh hoạ |
Cũng theo Sở Y tế, tình trạng kinh doanh trên đã vi phạm Quy định về xử phạt hành chính đối với hoạt động thương mại; vi phạm về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng và đặc biệt là vi phạm về lĩnh vực y tế vì kinh doanh thực không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Mức xử phạt hành chính đối với mỗi vi phạm trên từ 10 đến 15 triệu đồng.
Thế nhưng, khi thanh tra Sở Y tế mời 3 chủ hộ kinh doanh có sản phẩm không an toàn ở chợ Bình Tây lên xử phạt thì bị phản ứng.
Những hộ kinh doanh này cho rằng hành vi mua bán hàng trôi nổi không nguồn gốc… tại chợ Bình Tây diễn ra rất phổ biến chứ không riêng gì họ. Thế nhưng tại sao các cơ sở khác không bị thanh tra, kiểm tra, xử lý?
Trước phản ứng trên, theo Sở Y tế TP.HCM, để đảm bảo tính công bằng, UBND quận 6 nên lập đoàn thanh tra, kiểm ra tất cả các sạp bán mứt khô, xí muội ở chợ Bình Tây và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
-
Nhật Tân