221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
1247188
TP.HCM: Dè dặt cấp giấy chứng nhận VSATTP cho hàng rong
0
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
TP.HCM: Dè dặt cấp giấy chứng nhận VSATTP cho hàng rong
,

43,7% mẫu nước đóng chai không đạt tiêu chuẩn về vi sinh, 55% mẫu bao gói thực phẩm không đạt chỉ tiêu hóa lý, số ca ngộ độc gia tăng, vẫn còn tình trạng căn tin và bếp ăn trong trường học, bệnh viện chưa được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP)…

 

Đó là một số tồn tại nổi cộm được nêu ra trong buổi giám sát của HĐND TP.HCM với Sở Y tế về công tác quản lý VSATTP 9 tháng đầu năm diễn ra ngày 18/11.

 

Ngộ độc tăng cao

 

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm đã xảy ra 18 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 1.023 người phải nhập viện, tăng 242 ca so với cùng kỳ năm 2008.

 

Trong số đó, 9 vụ do độc tố có sẵn trong thực phẩm tự nhiên, 6 vụ do nhiễm khuẩn, 1 vụ do rối loạn tiêu hóa. Đặc biệt, 1 người đã tử vong sau khi ăn sam ở Cần Giờ. Ngoài ra, còn 2 ca ngộ độc chưa có kết quả điều tra.

 

Đặc biệt, thời gian qua, nổi cộm hơn cả là vụ ngộ độc do ăn cá ngừ có hàm lượng histamin cao tại các bếp ăn tập thể, 3 vụ xảy ra tại trường học do học sinh ăn kẹo, thức ăn từ bên ngoài và sữa miễn phí…

 

Nguyên nhân gây ngộ độc từ đầu năm đến nay chủ yếu do các chất độc tự nhiên.

 

30% bếp ăn của bệnh viện, trường học chưa đủ điều kiện

 

Trong buổi giám sát, ông Nguyễn Văn Minh, Phó ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.HCM đã băn khoăn vì đến nay vẫn còn 30% bếp ăn, căn tin trong trường học và bệnh viện trên địa bàn TP chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP.

 

“Sở Y tế cần xem xét có nên ghi thời hạn trên giấy chứng nhận VSATTP cho các quán ăn hay không. Nhiều quán ăn qua mấy đời chủ, liên tục thay đổi nhân viên nhưng vẫn sử dụng 1 giấy chứng nhận VSATTP. Tôi nghĩ giấy chứng nhận VSATTP phải có thời hạn và được tái kiểm tra. ”, ông Minh nói.

Bún thịt nướng được bày bán dưới đất. Ảnh: Thanh Huyền.

 

Theo một thành viên khác trong đoàn giám sát, việc hậu kiểm các cơ sở kinh doanh, sản xuất mặt hàng ăn uống đã được cấp giấy chứng nhận VSATTP tại TP.HCM vẫn còn yếu.

 

Sở dĩ công tác quản lý VSATTP vẫn còn nhiều bất cập là do thiếu cán bộ chuyên trách.

 

Theo thống kê mới nhất, hiện nay, cán bộ VSATTP của Trung tâm Y tế dự phòng TP và Sở Y tế chỉ có 47 người, trong đó có 2 thanh tra viên. Tại các quận, huyện có 114 người (không có thanh tra viên nào).

 

Trên thực tế, ngành y tế TP.HCM phải cần 5000 người mới có thể làm hết được các công việc liên quan đến lĩnh vực VSATTP.

 

Ông Nguyễn Văn Minh đã yêu cầu Sở Y tế tham mưu với UBND TP nhanh chóng lập ra  Chi cục quản lý VSATTP. Không chỉ thế, cán bộ làm việc trong lĩnh vực này cần được đào tạo lâu dài, chuyên sâu.

 

Dè dặt cấp giấy chứng nhận VSATTP cho hàng rong

 

Một thành viên khác trong đoàn giám sát cho biết: “Thức ăn đường phố, hàng rong là một nét văn hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, vệ sinh an toàn của loại thức ăn này gần như chưa quản lý được.

 

Mới chỉ có hơn 50% các quán ăn hè phố được cấp giấy chứng nhận VSATTP. Nhiều gánh hàng rong bày bán thức ăn ngoài đường trong môi trường ô nhiễm bởi khí thải, bụi bặm do phương tiện giao thông gây ra”.

 

Theo đại diện ban Tuyên giáo TƯ, thực trạng thức ăn đường phố được ướp các phụ gia độc hại, bỏ hóa chất (phóoc môn, thuốc bảo vệ thực vật, hàn the…) là mối đe dọa cho người dân. Quan trọng hơn cả, ngành y tế cần tuyên truyền để mọi người có ý thức lựa chọn cho mình nguồn thức ăn an toàn.

 

Để khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý VSATTP, bác sĩ Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ tổ chức thức ăn đường phố theo mô hình tập trung.

 

Bên cạnh đó, Sở Y tế vẫn tiếp tục phát triển mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi (rau - củ - quả , trứng, thịt) để nhằm truy tận gốc. Công tác thanh tra hậu kiểm cũng sẽ được tăng cường (ngoài thanh tra theo định kỳ sẽ thanh tra đột xuất theo phản ánh của người dân…).

  • Thanh Huyền

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,