- Trước tình trạng nhập nhằng giữa xe hợp đồng- xe khách chạy tuyến cố định mà VietNamNet phản ánh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Linh thừa nhận có biết việc một số doanh nghiệp vận tải núp bóng xe hợp đồng để bán vé chở khách tuyến cố định.
Xe khách “lách” kẽ hở?
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, hiện có một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở trong quản lý Nhà nước để thực hiện việc "núp bóng" xe hợp đồng, chở khách chạy tuyến cố định
“Không phải Sở không biết, nhưng xử lý xe dạng này không phải dễ vì xe các doanh nghiệp kiểu này rất "cơ động", nay chỗ này mai chỗ kia. Hơn nữa, số lượng xe kiểu này không nhiều và khi kiểm tra cũng phải thận trọng, cần có đầy đủ bằng chứng như hợp đồng thế nào, bắt được bán vé hay không…”, ông Linh nói.
Xe hợp đồng nhưng vẫn bán lẻ cho khách đi tuyến cố định Ảnh:C.H |
Ông Linh cho biết thêm, Sở GTVT đã giao Thanh tra Sở rà soát tất cả các điểm đỗ xe tĩnh, đồng thời sẽ phối hợp với CSGT để xử lý dạng xe này.
Vậy nhưng, mới đầu, khi được phóng viên phản ánh hiện tượng trên, ông Hà Minh Quang, Đội Trưởng đội Thanh tra giao thông vận tải đường bộ, thuộc Thanh tra Sở GTVT Hà Nội (đội có nhiệm vụ chính là kiểm tra việc thực hiện quy chế hoạt động của xe chất lượng cao vận chuyển hành khách liên tỉnh; đảm bảo trật tự an toàn giao thông vận tải, xử lý các vi phạm về thể lệ vận tải tại các bến xe, xử lý các bến cóc, bến dù) lại cho rằng: đó chỉ là những địa điểm chạy hợp đồng du lịch, chứ nếu nói là bến dù là không hẳn.
“Đó như là những điểm xe buýt, người ta hẹn khách ở một điểm nào đấy theo hợp đồng với cơ quan rồi đến đó đón chứ không có biển đón khách hay bến gì hết”, ông Quang nói.
Ông Quang thông tin thêm, Đội Thanh tra GTVT Đường bộ đang tham gia kế hoạch kiểm tra các bến xe theo chỉ đạo của Thanh tra Sở, song, việc kiểm tra, xử lý bến dù vẫn là công việc thường xuyên, thường ngày.
Khi được hỏi, nếu xe hợp đồng thì làm sao có thể được bán từng vé lẻ cho khách trên xe, ông Quang nói: “Nếu đúng có bán vé trên xe thì không phải xe hợp đồng, xe du lịch. Như thế là vi phạm. Đấy là xe “mượn” xe chạy hợp đồng du lịch để bắt khách, là vi phạm nặng, bắt được là “chết” luôn, ông Quang trả lời.
Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao các xe này đã hoạt động ngang nhiên trong một thời gian dài, và vẫn tiếp tục hoạt động mà không bị xử lý thì ông Quang phân trần: “Trong những dịp đột xuất đi làm thì phải có phiếu yêu cầu của cấp trên. Nhưng có thể trong những đợt kiểm tra đó, họ biết mình làm nên trốn tránh. Còn nếu trong khi đi làm bình thường (không phải đợt hay chiến dịch - PV) mà nhìn thấy thì sẽ bắt ngay”.
“Vi phạm thì nhiều, nhưng…”
Ông Quang còn khẳng định rằng, không phải đơn vị ông trốn tránh trách nhiệm, nhưng đúng ra, việc phát hiện các vi phạm nói trên phải thuộc về đội thanh tra quận phụ trách địa bàn và kể cả công an phường sở tại cũng có quyền bắt nếu đúng là có hiện tượng đó.
“Vi phạm thì rất nhiều nhưng nói thật, không phải cái gì mình cũng biết được…”, ông Đội trưởng giãi bày và cho biết "sẽ cho anh em thanh tra kiểm tra ngay hiện tượng trên".
Liên quan đến nạn bến cóc bủa vây Bến xe Mỹ Đình, Trung tá Lê Quang Mỹ, Đội Trưởng đội CSGT Công an huyện Từ Liêm cho biết: Đội CSGT và công an huyện Từ Liêm đã biết hiện tượng này và đang có kế hoạch xử lý.
“Đội CSGT đã báo cáo lãnh đạo công an huyện, hiện công an huyện đã giao đội Cảnh sát trật tự - phản ứng nhanh lên kế hoạch giải quyết dứt điểm”, ông Mỹ nói.
Xe Hải Vân, dù có đăng ký khai thác bến nhưng cũng phải dùng tạm bến cóc nửa ngày trước khi được vào bến Mỹ Đình Ảnh:C.H |
Ông Mỹ thông tin thêm, không chỉ có hiện tượng lập bãi đỗ xe khách trên những bãi đất thuộc thôn Nhân Mỹ (xã Mỹ Đình) như VietNamNet phản ánh mà dọc tuyến đường Phạm Hùng, nhiều điểm rửa xe rồi kiêm luôn dịch vụ bãi đỗ cho xe khách.
Theo lời ông Mỹ, công an huyện đã làm việc với các tài xế này lẫn lãnh đạo Bến xe Mỹ Đình: "Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên là do bến nhiều xe, nên bình quân mỗi xe chỉ có khoảng 30 phút từ khi vào bến xếp khách đến khi có lệnh chạy. Thế nhưng nhiều xe từ Lai Châu, Điện Biên lại đưa khách về từ sáng sớm, đến cuối buổi chiều mới được vào bến xếp khách nên các lái xe buộc phải đưa xe vào các “bến cóc tư nhân này”, ông Mỹ lý giải.
Từ tháng 9/2009 đến nay, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã không ít lần cùng các lực lượng liên ngành mở nhiều chiến dịch cao điểm như: Kiểm tra xe khách liên tỉnh, Tổng kiểm tra các bến xe, Truy quét xe dù bến cóc, Chống lấn chiếm nhà chờ xe buýt. Thế nhưng, hiện tượng những xe chất lượng cao “núp bóng” xe hợp đồng chở khách, ngang nhiên lập bến cóc, chiếm bến xe buýt vẫn bị “bỏ lọt”. |
-
Chí Hiếu
Bài 4: Xe khách “cải trang” thành xe buýt