221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
1250979
Muốn thanh toán viện phí BHYT cần … 7 chữ ký!
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Muốn thanh toán viện phí BHYT cần … 7 chữ ký!
,

 – Để được cơ quan bảo hiểm thanh toán viện phí theo đúng chế độ, phiếu thu của bệnh nhân Bảo hiểm Y tế phải đảm bảo có đủ 7 chữ ký của 7 bộ phận khác nhau. Điều đáng nói là có đến một nửa số chữ ký này được lãnh đạo các bệnh viện cho là không cần thiết, nếu đưa vào chỉ làm rắc rối thêm cho cả người bệnh lẫn nhân viên thu phí của bệnh viện.

 

Đi một cửa, nhưng phải lòng vòng

 

Ông Vũ Quý Hợp, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: “Về mặt lý thuyết, người bệnh vào viện rồi ra viện vẫn chỉ qua một cửa. Tuy nhiên, quá trình thanh toán viện phí với cơ quan bảo hiểm thì phải đi rất lòng vòng, qua rất nhiều người”.

 

Lấy một ví dụ cụ thể: Anh Bùi Văn Đoàn (trú tại phường Phúc La, quận Hà Đông, TP Hà Nội) có con là Bùi Duy Hoàng (sinh ngày 16/9/2009), nhập viện Nhi Trung ương ngày 20/9/2009 với chẩn đoán bị tắc ruột, cần phải phẫu thuật để được cứu sống.

 

Sau khi hoàn tất các quá trình khám, điều trị, muốn được thanh toán chế độ BHYT với cơ quan bảo hiểm, trên phiếu thu của con anh Đoàn phải có đến 7 chữ ký.

 

Chữ ký đầu tiên là của bệnh nhân (cháu còn nhỏ nên anh Đoàn ký thay), tiếp đó phiếu thu được chuyển qua cho phòng kế toán. Sau đó bác sỹ điều trị xác nhận, y tá hành chính xác nhận, nhân viên cơ quan bảo hiểm tiến hành giám định và cuối cùng là Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp ký hoàn tất.

 

Mô tả ảnh.
Một phiếu thu của con anh Bùi Văn Đoàn phải gồm 7 chữ ký (còn 2 chữ ký chưa có do chưa được phê duyệt) - Ảnh: C.Q

 

“Tất cả những chữ ký này là bắt buộc, vì đây là quy định đã được ban hành trong thủ tục thanh toán tài chính, nếu thiếu bất kể một chữ ký nào coi như thủ tục chưa hoàn tất, cơ quan bảo hiểm sẽ không thanh toán”, ông Hợp nói.

 

Vì đã trở thành quy định, mẫu thống nhất của bên Tài chính nên tình trạng này không chỉ xảy ra ở bệnh viện Nhi Trung ương. Tại các bệnh viện có bệnh nhân BHYT đông đúc như Bạch Mai, bệnh viện K, vv…, quy trình thanh toán dài dòng gây khổ sở, rắc rối này cũng vẫn được áp dụng.

 

Theo lý thuyết, bệnh nhân phải ký vào để xác nhận đã sử dụng những dịch vụ nào từ bệnh viện. Bác sỹ điều trị xác nhận lại đã dùng những dịch vụ nào cho bệnh nhân này. Y tá hành chính xác nhận là đã tổng hợp đầy đủ. Tuy nhiên, theo đánh giá của cá nhân mình, ông Hợp cho rằng có thể bỏ bớt đi 4 chữ ký không cần thiết.

 

Theo ông Hợp, bệnh nhân phải ký xác nhận nhưng thực chất họ không biết quá trình điều trị bác sỹ đã dùng những gì (vì không có chuyên môn), do đó có thể bỏ chữ ký này. Ngoài ra, y tá hành chính xác nhận thì không có ý nghĩa gì cả, vì thao tác này đơn thuần chỉ là tổng hợp lại danh mục các dịch vụ đã sử dụng.

 

Mặt khác, khi giám định lại để tiến hành thanh toán theo chế độ BHYT, mỗi bệnh nhân đều phải có phiếu thu, giấy tờ vào viện, ra viện cùng hồ sơ bệnh án. Ngay trong bệnh án đã thể hiện đầy đủ chuyên môn: Bác sỹ đã dùng gì, dùng như thế nào, liều lượng bao nhiêu. Vì thế, có thể bỏ cả chữ kỹ của bác sỹ điều trị đi.

 

“Như vậy, có thể chỉ cần chữ ký của phòng Tài chính kế toán, của giám định viên BHYT (đến từ cơ quan chi trả bảo hiểm) và Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp là được”, ông Hợp nói.

 

Việc yêu cầu thêm 4 người ký vào phiếu thu có thể không gây quá nhiều phiền toái cho bệnh nhân, vì họ chỉ ký một lần là xong. Tuy nhiên, với cán bộ y tế thì ngược lại.

 

“Một năm, bệnh viện Nhi Trung ương khám cho khoảng 50.000 cháu, trong đó có xấp xỉ 90% là các cháu dưới 6 tuổi đi khám theo chế độ BHYT, tức là chủ yếu thanh toán theo những thủ tục dài dòng như thế này. Việc này khiến cán bộ của bệnh viện không tập trung được vào chuyên môn, gây lãng phí rất nhiều cho công tác khám chữa bệnh”, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nói.

 

“Vì thế, việc chính của tôi là họp và ký”, ông Vũ Quý Hợp chia sẻ.

 

Thông đái khác … thông tiểu!

 

Ngoài những câu chuyện rắc rối liên quan đến 7 chữ ký như trên, quá trình điều trị của bệnh nhân BHYT còn nảy ra không ít những câu chuyện dở khóc dở cười mà nguyên nhân đến từ việc không có chuẩn thống nhất, quy định không rõ ràng, người thực hiện máy móc.

 

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương kể: “Khi điều trị cho một bệnh nhân, trong hồ sơ ghi một thao tác là “thông đái”. Nếu ghi vào bệnh án là “thông đái” thì bệnh nhân được bảo hiểm thanh toán. Nhưng nếu ghi là “thông tiểu” thì cơ quan bảo hiểm nhất định không chi trả cho bệnh nhân với lý do là theo quy định chỉ được thanh toán dịch vụ thông đái, không thanh toán dịch vụ thông tiểu, trong khi bản chất 2 cụm từ này chỉ là một”.

 

Để xử lý những trường hợp này nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả bệnh nhân lẫn bệnh viện, bệnh viện lại phải làm công văn gửi tới các cơ quan liên quan chỉ để giải thích: Thông đái và thông tiểu là một!

 

Mô tả ảnh.
Thủ tục thanh toán viện phí cho bệnh nhân BHYT quá rườm rà. Một cháu bé sơ sinh (đương nhiên được hưởng BHYT 100%) nhưng nếu không có giấy khai sinh hoặc chứng sinh thì không được công nhận, không được thanh toán BHYT - Ảnh: C.Q

 

Nguyên nhân của những rắc rối không đáng có này, theo ông Hải và ông Hợp, là nhiều khi giám định viên của cơ quan bảo hiểm không có chuyên môn y tế nên không hiểu sự việc. Hoặc họ có chuyên môn nhưng quy định, cách thức gọi tên các dịch vụ của bệnh viện và của bảo hiểm không đồng nhất đã khiến phiền toái nảy sinh.

 

Theo đúng lôgic, cơ quan bảo hiểm phải nghe theo bệnh viện trong cách thức gọi tên các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, bảo hiểm không biết nghe bệnh viện nào vì mỗi bệnh viện gọi một kiểu. Ngay chuyện đơn giản nhất là đặt tên dịch vụ đã không thống nhất.

 

“Chúng ta chẳng có một quy định nào ghi rõ dịch vụ này chỉ có tên gọi thế này. Máy tính đã đần độn trong việc phân biệt các tên gọi nhưng người dùng máy tính còn đần độn hơn. Cho nên, có rắc rối là điều dễ hiểu”, ông Vũ Quý Hợp giải thích.

 

Điều đáng nói là những quy định như trên đều không phải do bệnh viện hay bảo hiểm đưa ra mà là do liên Bộ Tài chính – Y tế ban hành. Ông Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban giám định Y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho rằng trong quá trình thực hiện, để phù hợp với tình hình cụ thể, mỗi bệnh viện lại vận dụng theo cách riêng của mình, có thể đưa ra thêm thủ tục này khác cho bệnh nhân.

 

“Chúng tôi tiếp tục rà soát xem có bệnh viện nào đẻ ra thêm thủ tục hay không. Nếu có sẽ yêu cầu họ chấn chỉnh làm đúng quy định. Sắp tới, chúng tôi sẽ đưa ra mô hình chuẩn đối với bệnh nhân BHYT và yêu cầu các bệnh viện làm đúng như thế, không được yêu cầu bệnh nhân làm các thủ tục không cần thiết”, ông Thảo nhấn mạnh.

 

  • Cẩm Quyên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,