– Mặc dù Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam đã giải thích "không độc quyền vận chuyển để áp giá cước gây thiệt hại cho khách hàng" nhưng hiệp hội xi măng Việt Nam vẫn khẳng định: TKV tăng giá bán than và vẫn giữ độc quyền vận chuyển để từ đó áp đặt mức cước.
Tập đoàn Than-Khoáng sản VN khống chế bạn hàng?
Thượng tá Nguyễn Văn Kiên- GĐ Cty Xi măng X18 bức xúc về vấn đề TKV tại cuộc họp thường niên của VNCA |
Sự việc không dừng lại ở chỗ Xi măng Hữu Nghị (HNC) phát hiện “mánh lới” rút ruột bạn hàng của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) nên đã ngừng hợp đồng mua than của TKV để chuyển sang mua than của Cty KD than Bắc Thái (cũng là thành viên của TKV), TKV đã tìm mọi cách để khống chế HNC nhằm ép đơn vị này phải… im lặng, đồng thời TKV ép xi măng Hữu Nghị trả nợ cấp tốc và truy thu trả chậm với lãi suất… 97%.
HĐ mua bán than năm 2009 số 390/HĐ/TKV – HNC giữa TKV và HNC ký ngày 23/12/2008 nói rõ: TKV bán cho HNC khối lượng 190.000 tấn than cám 4aHG trong năm 2009 với mức giá 891.913 đồng/tấn (đã bao gồm 10% thuế VAT).
Ngày 23/12/2009, TKV gửi HNC bản Phụ lục HĐ mua bán than (số 04 – 390/PLHĐ) với nội dung điều chỉnh giá than cám loại 4aHG từ 891.913 đồng/tấn lên 1.400.101,15 đồng/tấn.
Do mức giá điều chỉnh nâng lên quá cao so với mức giá được ký kết (vào thời điểm 23/12/2008) dù trước đó, TKV đã 3 lần tự nâng mức giá than bán, HNC đã kiên quyết không ký vào bản Phụ lục Hợp đồng này và đề nghị TKV cho phép HNC tự vận chuyển than từ kho bên bán về nhà máy.
Không được TKV chấp thuận "tự vận chuyển than" nên HNC đã ký hợp đồng mua bán than với Cty KD than Bắc Thái và thỏa thuận, HNC sẽ tự vận chuyển than từ kho bên bán về công ty mình.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc HNC cho rằng: “Khi chúng tôi đề nghị được tự vận chuyển than từ cảng Hòn Gai về cảng Việt Trì và kho bãi của mình, TKV đã không chấp thuận, vì nếu TKV chấp thuận, rất có thể sẽ có phản ứng dây chuyền từ phía các hộ mua than của TKV. Mà nếu như thế, TKV sẽ mất đi một nguồn thu lớn qua việc tính phí cước vận chuyển cao từ trước đến nay”.
Tuy nhiên, HĐ mua bán giữa Cty KD than Bắc Thái và HNC giống như đổ dầu vào lửa đã khiến TKV có những phản ứng liên tiếp.
Cụ thể, TKV yêu cầu HNC thanh toán số tiền hơn 15 tỷ đồng từ việc mua than còn thiếu TKV trong năm 2009, buộc HNC phải thanh toán trong vòng 1 tuần. Để cho sự việc êm đẹp, HNC đã thanh toán đầy đủ số tiền này cho TKV.
Ngay sau đó, ngày 18/12/2009, TKV gửi công văn số 8007/TKV-KT tới HNC về việc tính lãi suất chậm trả của HNC trong năm 2008 và 11 tháng đầu năm 2009. Mức lãi suất tính theo ngày có thời điểm lên tới… 95% (sau này TKV giải thích là do...nhầm lẫn).
Ngày 25/12/2009, HNC đã gửi công văn số 123/CV-CTHN đến TKV để làm rõ những khó hiểu trên.
Phiên họp thường niên ngày 08/1/2010 của VNCA biến thành buổi "đấu tố" TKV khi nhiều hội viên bức xúc về việc TKV độc quyền vận chuyển từ đó nâng giá cước. - Ảnh: Kiên Trung |
Song song với việc đòi nợ và truy thu lãi suất trả chậm của HNC, TKV đã chỉ đạo Cty KD than Bắc Thái ngừng bán than cho HNC với lý do HNC hiện còn đang… nợ tiền của TKV.
Ngày 11/12/2009, Cty KD than Bắc Thái đã gửi công văn số 429 tới HNC để thông báo nội dung này, đồng thời đề nghị HNC phải thanh toán hết nợ với TKV thì Cty KD than Bắc Thái mới tiếp tục bán than cho HNC.
Than-Khoáng sản “lờ” ý kiến của VNCA?
Câu chuyện bị TKV áp đặt giá cước độc quyền không chỉ là câu chuyện riêng của HNC. Rất nhiều hội viên của Hiệp hội xi măng Việt Nam (VNCA) đã trở thành “nạn nhân” của TKV và họ cũng chỉ dám “kêu” lên Hiệp hội Xi măng, chứ không dám “ có ý kiến” với TKV.
“Nếu đơn vị nào có ý kiến với TKV sẽ bị cắt than hoặc vì lý do này khác, sẽ chậm có than chuyển về nhà máy hay than xấu, không đảm bảo chất lượng. Chỉ cần dừng vận hành lò trong một ngày, mỗi hộ đã thiệt hại hàng tỷ đồng. Lợi bất cập hại nên đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt!” – ông Nguyễn Văn Thiện – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết.
Ông Thiện thông tin: từ năm 2008 VNCA đã nhận được nhiều công văn của các hội viên Hiệp hội phản ánh về tình hình giá than năm 2008 đã điều chỉnh tăng ở mức rất cao (tăng 72%). Đặc biệt, cước phí vận chuyển từ bến bãi tập kết về các cơ sở sản xuất xi măng không hợp lý, cao hơn gấp nhiều lần giá cước vận chuyển ngoài thị trường.
Về vấn đề nhiều DN cho biết, họ đã kiến nghị với TKV về việc TKV độc quyền vận chuyển nên áp giá cước cao. Khi các hộ tiêu dùng than có ý kiến thì bị TKV “dọa” ngừng bán than, ông Thiện khẳng định: Như thế thì không hợp lý và không chấp nhận được.
Ngày 31/1/2008, VNCA đã có công văn số 518/TTHH gửi Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Tổ điều hành thị trường trong nước và TKV để kiến nghị về việc giá cước vô lý, nhưng không có hồi âm.
Lãnh đạo VNCA lập luận: Giá thành của than được cấu thành từ ba yếu tố: giá bán gốc + giá cước + VAT. Giá bán gốc được tính trên giá than xuất khẩu trừ 10% (đây là cơ chế giá ưu đãi đối với các hộ sử dụng số lượng lớn than làm nguyên liệu ở thị trường trong nước, gồm 4 hộ: xi măng, đạm, giấy và điện).
Trong HĐKT với các hộ mua than ghi rõ: TKV giao hàng trên phương tiện tại kho của bên mua, thế nhưng TKV vẫn đưa ra các loại phí: phí bốc dỡ, chi phí hao mòn, chi phí quản lý.
“Chúng tôi không ý kiến về việc TKV tăng giá than, mặc dù việc tăng giá của TKV là quá cao khiến không ít hộ sản xuất phải lao đao, nhưng chỉ mong TKV thực hiện đúng giá gốc và giá cước vận chuyển, để các hộ sản xuất xi măng được ổn định và giảm thiểu chi phí trong quá trình sản xuất!”. – ông Thiện bức xúc.
TKV quyết giữ độc quyền vận chuyển?
Trên thực tế, các hộ mua than của TKV đã nhiều lần “xin” được tự vận chuyển than từ kho bên bán về cơ sở sản xuất của mình, nhưng đều bị TKV khước từ.
“Các hội viên của chúng tôi, trên thực tế đã yêu cầu được tự vận chuyển, nhưng TKV đều không đồng ý. Tất nhiên, những đề nghị này của các hội viên của VNCA đều chỉ là đề xuất… miệng, không dám đề xuất bằng văn bản, vì chúng tôi lệ thuộc nguồn than của TKV!”. – ông Nguyễn Văn Điệp – Chánh văn phòng VNCA chi biết.
Trong cơ cấu giá thành của mỗi tấn xi măng, nguyên liệu năng lượng (than) chiếm 30% giá thành. Việc TKV tăng giá than bán và giá cước vận chuyển, các hộ sản xuất xi măng là những đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp, tuy nhiên, suy đến cùng, người tiêu dùng mới chính là người phải gánh chịu.
“Thời gian qua, khi TKV tăng giá than và vẫn giữ độc quyền vận chuyển để từ đó áp đặt mức cước, VNCA vẫn chỉ đạo các hội viên không được tự ý nâng giá xi măng. Các đơn vị, để giảm thiểu chi phí sản xuất, bằng cách này cách khác đã cố gắng đổi mới, cải tiến công nghệ để giảm chi phí đầu vào. Tuy nhiên, theo tình hình này, thời gian tới, giá xi măng sẽ tăng từ 20.000 đồng/tấn – 30.000đồng/tấn!” – Chủ tịch VNCA cho hay.
Năm 2009, toàn ngành xi măng tiêu thụ hết 60 triệu tấn than. Nếu như mỗi một tấn than bị chịu mức cước đắt hơn mức cước ngoài thị trường khoảng vài chục ngàn đồng, TKV đã “bỏ túi” không dưới 2.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo VNCA cho rằng, TKV được giao quyền quản lý than – một loại tài nguyên quý và có vai trò quan trọng trong tất cả các ngành sản xuất của nền kinh tế, nhưng TKV đã "độc quyền" chi phối về giá cả và độc quyền vận chuyển, để từ đó nâng giá cước gây thiệt hại về kinh tế cho các hộ mua than.
Chủ tịch VNCA, ông Nguyễn Văn Thiện:
Chúng tôi tự vận chuyển được chứ!
- Chúng tôi bị lệ thuộc vào TKV về nguyên nhiên liệu, nên hầu hết phải chấp thuận các yêu cầu do TKV đưa ra. Chúng tôi không dám ý kiến, vì nếu ý kiến trực tiếp sẽ bị TKV ngừng bán than, mà phải dừng lò chỉ một ngày đã thiệt hại hàng tỷ đồng. Một trong những lý do TKV đưa ra khi họ giao hàng tại kho của bên mua, là đảm bảo việc các hộ được mua than giá ưu đãi của Nhà nước sử dụng đúng mục đích, không “tuồn” than ra cửa ngoài. Theo ông, lý do này có hợp lý không? - Chúng tôi không đồng tình với lý do này. Đã là bạn hàng của nhau, trước tiên phải có sự tin tưởng với nhau. Hơn nữa, ngành xi măng là một trong những ngành sản xuất trọng điểm của nền CNVN, các hộ sản xuất xi măng đều có tư cách pháp nhân của mình. Nếu như chúng tôi vi phạm pháp luật, không sử dụng than mua vào đúng mục đích, đã có cơ quan pháp luật xử lý các đơn vị vi phạm. Nếu như TKV đồng ý, các hộ mua than có tự vận chuyển được hay không? - Chúng tôi đảm bảo được chứ. Mỗi đơn vị sản xuất xi măng đều có các phương tiện vận chuyển hàng hóa của mình. Từ trước đến giờ, đội vận chuyển của các hộ sản xuất xi măng mới chỉ có mỗi nhiệm vụ vận chuyển sản phẩm thành phẩm, không được vận chuyển nguyên liệu mà mình bỏ tiền mua. Như thế là lãng phí một nguồn lực rất lớn của chúng tôi. Từ trước đến giờ, TKV giao hàng cho các hộ mua tại kho bên mua. Các đơn vị của TKV đã tự thuê các đơn vị vận chuyển trôi nổi ngoài thị trường để vận chuyển, rồi có cả tình trạng phun thêm nước để tăng độ ẩm… Liệu TKV có bảo đảm rằng các chủ phương tiện vận chuyển cho chúng tôi có đảm bảo chất lượng và số lượng than giao cho chúng tôi hay không? |
-
Kiên Trung