- Một trong những tình cảnh dở khóc dở cười của các y, bác sĩ ở bệnh viện tâm thần là bị bệnh nhân điên... yêu. Chuyện kể rằng: Khi được bệnh nhân bày tỏ tình cảm, bác sĩ cần dùng lời lẽ dỗ ngọt để tháo gỡ. Nếu phản ứng gay gắt, lập tức bác sĩ bị rơi vào tình thế nguy hiểm khôn lường.
>> Khi người điên ’yêu’
>> Giáo sư dễ mắc tâm thần gấp đôi người thường
>> Những bi kịch do bệnh nhân tâm thần gây ra
Nghề thầy thuốc là mơ ước của nhiều người nhưng các bác sĩ chữa bệnh cho người tâm thần lại bị bạn bè nhìn với con mắt ái ngại. Vấp phải phản ứng rất nhiều từ người thân và mối nguy hiểm bị bệnh nhân hành hung nhưng nhờ tình thương và lòng đồng cảm với những người bệnh ngây ngô, mất trí mà tập thể nhân viên y, bác sĩ vẫn kiên trì với nghề.
Bác sĩ phải giỏi "võ" né khi người điên…yêu
Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Đào làm việc tại Bệnh viện Tâm thần, cơ sở Chợ Quán từ năm 1986, tính đến nay đã được 24 năm. Trong suốt quá trình hành nghề đó, bác sĩ Đào đã nhiều phen bị bệnh nhân làm cho khốn đốn.
Thời gian mới vào nghề, ngày nào đi làm bác sĩ Đào cũng khóc vì sợ hãi, chỉ muốn mau hết giờ làm việc. Tuy nhiên, sau ngần ấy năm gắn bó với nghề, người phụ nữ này đã nhận ra sợi dây liên kết, níu chân mình ở lại bệnh viện không phải là trách nhiệm với công việc như đã tưởng mà chính là lòng thương cảm đối với bệnh nhân.
“Ngay lúc mới vào nghề tôi đã bị một nam bệnh nhân rượt chạy vòng vòng rồi đấm gẫy sống mũi làm máu chảy lênh láng, đến nay vẫn còn mang sẹo.
Một lần khác, khi đang đi ngoài hành lang của khu khám bệnh, bất ngờ tôi bị một bệnh nhân nam thất tình, chạy đến ôm cứng từ phía sau rồi cắn mạnh vào vai đến nỗi rách luôn cả áo blouse.”, bác sĩ Đào kể.
Không chỉ thế, có hôm đang nghỉ trưa trong phòng, bác sĩ Đào đã bị một bệnh nhân xông vào ôm trầm kèm theo các lời lẽ tỏ tình. Rất may, một đồng nghiệp nam trông thấy đã chạy tới giải vây kịp thời.
Một bệnh nhân tâm thần đang được khám lâm sàng. Ảnh: Thanh Huyền.
Không phải riêng bác sĩ Đào, bác sĩ Thanh cũng từng bị bệnh nhân xông vào siết cổ khi đang ngồi một mình trong phòng trực. Tất cả các bác sĩ ở đây đều có “chiêu” để ứng phó riêng cho mình.
Theo bác sĩ Thanh, nếu bị bệnh nhân nam yêu thầm thì tốt nhất nên khéo léo né tránh. Khi được bệnh nhân bày tỏ tình cảm, bác sĩ cần dùng lời lẽ dỗ ngọt để tháo gỡ. Nếu phản ứng gay gắt bệnh nhân sẽ hiểu là họ bị từ chối, lúc đó nữ bác sĩ sẽ rơi vào tình thế nguy hiểm khôn lường.
Không chỉ các bác sĩ trực tiếp khám bệnh mới bị hành hung mà ngay cả Phó giám đốc bệnh viện cũng suýt “dính” đòn. Bác sĩ Phạm Văn Trụ, Phó giám đốc chuyên môn, bệnh viện Tâm thần, cơ sở Chợ Quán kể lại: “Vừa mới đây, một bệnh nhân ngoại trú đến khám bệnh đã đuổi đánh điều dưỡng và leo lên lầu vào tận phòng của tôi đập bàn “kiện” với lý do không hài lòng với toa thuốc được kê.
Bác sĩ Phạm Văn Trụ rất được bệnh nhân tin tưởng, yêu mến. Ảnh: Thanh Huyền. |
Tuy chưa bị đánh nhưng bác sĩ Trụ cũng bị nam bệnh nhân trên vỗ vai, xô đẩy.
Khi đang ở nhà, thỉnh thoảng bác sĩ Trụ cũng được các bệnh nhân tín nhiệm gọi điện thoại “tâm sự” cả tiếng đồng hồ, có bệnh nhân ở tận Châu Đốc, Kiên Giang. Thậm chí, đôi khi bệnh nhân còn tự bắt xe ôm đến tận nhà riêng để xin thuốc.
Thông thường, các bác sĩ khám bệnh tâm thần chỉ ngồi trên chiếc ghế quay, phòng khám phải có đủ không gian để né tránh, có cửa hậu để thoát hiểm, phòng khi bị bệnh nhân kích động hành hung. Tuy nhiên, hiện nay, do điều kiện còn hạn chế, chật hẹp nên bác sĩ của bệnh viện luôn phải đối mặt với nguy hiểm.
"Thày thuốc như từ mẫu" cũng bị ái ngại
Các bác sĩ thường trêu đùa nhau đã làm ở bệnh viện tâm thần thì rất khó lòng chuyển công tác đi nơi khác. Có lẽ do hằng ngày họ phải thường xuyên tiếp xúc với những bệnh nhân bất thường về tâm lý nên bạn bè cũng ái ngại khi gặp.
Bác sĩ Trụ nói: “Do mỗi ngày đều đối diện với người tâm thần, mối quan hệ giữa thầy thuốc với bệnh nhân đã khiến đa số các bác sĩ bị ảnh hưởng một phần.
Khi điều trị cho bệnh nhân tâm thần phân liệt, chúng tôi phải đặt mình vào tâm trí của người bị bệnh để hiểu họ. Chính vì thế, bản thân chúng tôi lại nhận được phần nào các biểu hiện bệnh lý của bệnh nhân chia sẻ lại. Do cùng chung sống nên vợ, con chúng tôi cũng đã quen với biểu hiện đó nhưng bạn bè thì lại thấy nhột nhạt, ái ngại.
Theo lý thuyết thì các biểu hiện trên sẽ dần mất đi khi bác sĩ không còn tiếp xúc với người bệnh nữa.”
“Cả khoa điều trị nội trú nam và nữ của bệnh viện có khoảng 30 giường bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế bệnh viện phải tiếp nhận từ 40 đến 50 bệnh nhân. Việc bệnh nhân tâm thần nằm chung giường cũng là một vấn đề khiến các bác sĩ đau đầu. Họ không có khái niệm nhường nhịn nhau nên thường xuyên xảy ra xung đột, cắn xé lẫn nhau để giành chỗ.”, bác sĩ Nhữ Văn Minh, khoa Điều trị nam nói.
Được biết, Bệnh viện Tâm thần cơ sở Chợ Quán là nơi khám và tiếp nhận cấp cứu cho các bệnh nhân tâm thần nặng đang lên cơn kích động. Nhiều bệnh nhân tâm thần nhập viện còn bị kèm theo một số bệnh lây nhiễm như HIV, lao…Do họ không có ý thức như người bình thường nên khó điều trị và dễ lây bệnh cho nhau. Ngay bản thân bác sĩ khi tiếp xúc với nhóm bệnh nhân này có nguy cơ bị phơi nhiễm rất cao.
-
Thanh Huyền