- Nỗi kinh hoàng vẫn chưa thôi ám ảnh những ngư dân trắng tay trở về từ đảo Hoàng Sa khi bị cướp tàu, đánh đập. Giờ đây, khi đã trở về an toàn sau bao sóng gió giữa biển khơi, ngay trên bờ, sống trong ngôi nhà của mình, họ lại đối mặt với nỗi lo khác: thất nghiệp, vợ con của họ đang đối mặt với cái đói giữa những ngày tết…
Những “ông chủ” trắng tay
Từ một ông chủ ăn nên làm ra nhờ mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu vươn ra khơi xa, chủ tàu, kiêm thuyền trưởng Dương Lúa, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) bỗng dưng trắng tay khi đánh bắt nơi vùng biển Hoàng Sa đã bị những người có vũ trang Trung Quốc bắt giữ, thu tàu và toàn bộ hải sản đánh bắt được vào ngày 8-12-2009.
Nhiều tàu đánh bắt xa bờ huyện đảo Lý Sơn sợ cướp nên phải nằm bờ
Cả con tàu cùng hải sản đánh bắt trong chuyến ra khơi kinh hoàng ấy có giá trị hơn 1 tỷ đồng đã bị thu giữ tải đảo Hoàng Sa. Lão kình ngư Dương Lúa cùng 13 thuyền viên của mình may mắn được thả cho về trong đói khát tả tơi.
“May mà còn giữ được mạng sống. Nhưng sống cũng như chết. Bởi nợ vay đóng tàu chưa trả xong, lại mất tàu, mất tài sản cả đời chắt bóp, giành dụm. Chiếc tàu, cùng ngư lưới cụ là phương tiện kiếm sống của cả gia đình và cả 13 anh em thuyền viên đi bạn. Tất cả đều trắng tay, không biết phải sống ra sao…” - thuyền trưởng Dương Lúa kể trong tiếng thở dài.
Suốt hơn 2 tháng kể từ ngày bị bắt giữ và trở về, thuyền trưởng Dương Lúa cũng như 13 anh em thuyền viên trên tàu đều lâm vào cảnh không có việc làm. Bởi như anh Lúa kể, anh em ngư dân ngoài đi biển đánh bắt chẳng còn biết làm nghề nào khác để kiếm sống.
Nhiều tàu vẫn phải ra khơi đánh bắt cuối năm
Còn bây giờ, tàu bị thu giữ, đã hơn 2 tháng nay chồng chị anh Lúa buồn phiền, bỏ nhà theo bạn tiếp tục ra khơi.
Một mình chị ở nhà đầu tắt mặt tối với đàn con và chạy chợ để kiếm cái ăn hàng ngày. Khi nguồn thu nhập chính từ chiếc tàu của gia đình đã không còn.
Hỏi chuyện tết, chị bật khóc và kể trong nước mắt: “Nợ vay đóng tàu còn mấy trăm triệu chưa có tiền để trả. Cái ăn hàng ngày chạy lo chưa đủ, tiền mô mà nghĩ đến tết…”.
Cùng hoàn cảnh như chủ tàu Dương Lúa, chủ tàu kiêm thuyền trưởng Lê Văn Lộc cũng chịu cảnh trắng tay trở về từ đảo Hoàng Sa. Cả con tàu với 11 thuyền viên bị những người có vũ trang của Trung Quốc bắt giữ tại đảo Hoàng sa khi tàu anh đang đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Việt
Ngay sau khi bắt giữ tàu, sau hơn 3 ngày giam giữ, toàn bộ thuyền viên được cho về, còn tàu và hải sản đánh bắt bị thu giữ. Chủ tàu Lê Văn Lộc cũng như những ngư dân đều trắng tay trở về trong đói khát tả tơi.
Chuẩn bị ra khơi của bà con gnw dân huyện đảo Lý Sơn
“Mất tàu, đồng nghĩa với đói. Bởi đó là phương tiện kiếm sống duy nhất của cả gia đình tui và các thuyền viên. Khỏ nhất là số nợ vay nóng để sắm chuyến hơn 100 triệu đồng. Cứ tưởng sau chuyến biển trở về là trả. Ai ngờ tàu bị thu giữ, nợ ngập đầu. Chừ có sống cũng như chết…” - Thuyền trưởng Lê Văn Lộc kể trong nỗi ngậm ngùi.
Nhiều ngư dân và chủ tàu tại miền hải đảo Lý Sơn tôi từng gặp đều bảo với tôi rằng, khi còn tàu ra khơi đánh bắt, hiểm nguy bão tố rập rình họ không sợ, bằng nỗi sợ bị bắt giữ, thu tàu.
Chủ tàu Dương Lúa bị mất tàu, rơi vào cảnh trắng tayi
Bởi như lời họ nói, bão tố của đất trời, của cơn cuồn nộ thủy thần, họ sẽ thầm khấn vái rồi cũng qua. Nhưng gặp những người có vũ trang của Trung Quốc tại vùng biển Hoàng sa là coi như cầm chắc cái chết trong tay.
Họ bảo cái chết không phải tức khắc mà chết từ từ. Bởi bị đánh đập, bắt giữ và thu tàu, trắng tay thế là đói. Mà đói thì đồng nghĩa với chết từ từ. Cái chết đó đã gây bao kinh hoàng cho ngư dân nơi miền hải đảo này.
Những ngày cận tết, những người vợ của các ngư dân trắng tay trở về từ Hoàng Sa đang tựa cửa ngồi thất thần. Chị Ngô Thị Ái, vợ của thuyền viên Lê Văn Nghĩa cùng đi trên tàu của anh Lê Văn Lộc bị Trung Quốc bắt giữ kể trong nước mắt nỗi lo cho cuộc sống cơm áo hàng ngày.
“Kể từ ngày anh Nghĩa trắng tay trở về từ đảo Hoàng Sa, đêm nào cả 5 mẹ con tui cũng không ngủ được. Không biết cái chi để lo cho mấy đứa nhỏ khi tết cận kề. Đã hơn 2 tháng ni, tui chạy đôn, chạy đáo để lo cái ăn hàng ngày cho 4 đứa nhỏ. Rồi nợ nần chồng chất chừ không biết lấy chi để trả. Tết nhất đến gần rồi, nhà không còn lon gạo, không biết phải mần răng đây…?” - chị Ngô Thị Ái thở than.
- Vũ Trung