- Rất nhiều câu chuyện cười ra nước mắt liên quan đến bệnh tâm thần. Người điên thật thì luôn miệng nói mình bình thường, không chịu uống thuốc điều trị. Ngược lại, có những kẻ vì muốn trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật lại đi mướn cố vấn tâm thần để được… điên giả. Tất cả những tình huống dở khóc, dở cười đó khiến các bác sĩ giám định tâm thần phải nhiều phen đấu trí căng thẳng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bị lật tẩy vì điên mà sợ…bẩn
Bị bắt do liên quan đến một đường dây buôn bán ma túy lớn, Nguyễn Văn Đ., một Việt kiều Úc được đưa đến Trung tâm Giám định Tâm thần TP.HCM với nghi vấn…hóa điên.
Người giám định tâm thần cho hắn lần này là bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Trung tâm Giám định Tâm thần TP.HCM, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần cơ sở Chợ Quán, quận 5.
Đ. được đưa đến trong tình trạng miệng méo xệch, nước dãi chảy ròng ròng. Gặp bác sĩ Thắng, hắn cất lên một tràng cười ngây dại rồi hằn học nhìn và hỏi: “Bệnh viện à? Ở bệnh viện thì có gì vui không?”.
Sau một loạt các câu hỏi chẩn đoán bệnh, thấy Đ. toàn trả lời huyên thuyên, lảm nhảm, lúc cười, lúc mếu, bác sĩ Thắng bèn vờ ra ngoài nghe điện thoại.
Khi đứng ngoài cửa sổ nhìn vào, bác sĩ mỉm cười đắc thắng vì thấy Đ. lôi ra trong túi quần một chiếc khăn tay trắng phau lau sạch nước dãi dưới cằm và cổ.
Lúc quay lại, bác sĩ Thắng trả lời tên tội phạm giả điên: “Ở bệnh viện chán lắm, chẳng có gì vui đâu, ra… tòa đi cho vui nhé. Anh bạn điên kiểu gì mà…sạch thế?”.
Biết mình bị hố, Đ. bực dọc vứt chiếc khăn tay xuống đất, buông mấy câu chửi thề.
Lần khác, bác sĩ Thắng làm giám định tâm thần cho một thanh niên. Hắn đến cùng người thân, làm giám định không nghiện ma túy nhằm được xuất ngoại qua Mỹ.
Không hề biết hắn là tay anh chị có "số má" trong giới giang hồ, tên là H. "pro", bác sĩ Thắng cứ vô tư vuốt râu hùm, mắng xối xả vào mặt: “Mày còn trẻ sao mà dại thế hả cháu, không lo học hành lại đi chơi bời, hút chích làm khổ bố, khổ mẹ. Thế bây giờ mày đã thấy sướng chưa? Chú nhìn mày là chú biết mày nghiện rồi, mày không đi Mỹ được đâu nhé, đừng có mà mơ…”.
Vừa xem xét các vết tiêm, chích trên tay tên H., bác sĩ Thắng cứ luôn miệng mắng mà không biết mấy lần tên "cô hồn" nguy hiểm đó bặm môi, nắm tay suýt…hành hung.
“Mãi sau này thấy báo chí đăng ảnh tên đó tôi mới biết hắn là cánh tay phải đắc lực của một "ông trùm" tại TP. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy sao mà mình…liều thế!”, bác sĩ Thắng cười nói.
Trong khi đó, bác sĩ giám định tâm thần Nguyễn Ngọc Quang (Bệnh viện Tâm thần, cơ sở Chợ Quán) vẫn còn nhớ như in chiến công của mình.
Cách đây không lâu, bác sĩ Quang làm giám định cho một bà lão 60 tuổi, tên Đặng Thị T., ngụ tại Sóc Trăng. Bà T. bị công an bắt giữ khi đang buôn bán heroin.
Trước đó, bằng các thủ thuật như: giả bộ lo lắng, hoảng hốt, không ăn, ngủ, sợ hãi khi tiếp xúc, bà T. đã qua mặt được các bác sĩ ở phòng khám.
Các bác sĩ tâm thần ngày càng đau đầu vì phải phân biệt bệnh nhân điên thật và điên giả. Ảnh: Thanh Huyền. |
Tuy nhiên, không may cho “quái” bà này vì vào vòng trong đã gặp đúng cao thủ.
“Đôi mắt của bà ta đã tố cáo chính mình. Người bị bệnh thật có đôi mắt thất thần, ngây dại. Tuy nhiên, tôi nhìn tới nhìn lui vẫn thấy đôi mắt của bà lão này rất đỗi… bình thường. Bằng một vài câu hỏi lừa để kiểm tra, tôi thấy trí nhớ của bà ta khá tốt”, bác sĩ Quang nói.
Cuối cùng, không tránh được các cạm bẫy trong câu hỏi của bác sĩ Quang, bà T. đã phải cúi đầu chấp nhận: “Thôi thôi bác sĩ không cần hỏi nữa đâu. Thực tình đúng là tôi không bị bệnh gì cả. Tôi phải làm cái nghề vận chuyển heroin đó chẳng qua cũng chỉ vì phải nuôi một thằng con nghiện ngập”.
Giả điên để… trốn đi nghĩa vụ
Trong suốt quãng thời gian mấy mươi năm làm giám định tâm thần, bác sĩ Quang đã gặp phải nhiều trường hợp giả điên để trốn nghĩa vụ quân sự.
Bác sĩ Quang cho biết: “Tôi phát hiện, khi đi khám sức khỏe để đi nghĩa vụ quân sự (bắt đầu từ năm 17 tuổi), nhiều gia đình đã chuẩn bị sẵn cho con, em những “chiêu” giả điên để đối phó bác sĩ”.
Cụ thể, nhiều bà mẹ đưa con đến với quyển sổ khám chứng nhận bị bệnh tâm thần. Tuy nhiên, những quyển sổ này mới toanh, thời gian khám phát hiện bị bệnh tâm thần chỉ cách ngày đi giám định vài bữa.
Thậm chí, có gia đình tinh vi hơn, thuê người bị bệnh tâm thần thật đi khám giám định thay cho con mình.
Để tránh tình trạng tráo người, hiện nay, các bác sĩ giám định tâm thần yêu cầu khi đi khám, bệnh nhân phải mang theo chứng minh thư nhân dân, trên sổ khám của bệnh nhân phải dán ảnh.
Nhiều tên tội phạm khi biết chắc sẽ phải nhận một khung hình phạt cao bèn đi thuê cố vấn để…giả điên hòng trốn tội, hoặc có tên, tự tìm hiểu đọc sách về bệnh tâm thần để bắt chước cho thật…giống. Điều này đã khiến các bác sĩ giám định vô cùng đau đầu, luôn trong trạng thái căng như dây đàn để tìm sơ hở của “đối thủ”.
Theo bác sĩ Quang, để phát hiện ra người giả bệnh tâm thần mỗi bác sĩ có một phương cách khác nhau.
Bản thân người giả điên bị nhốt chung với người điên trong một thời gian sẽ tự khắc lộ ra chân tướng. Tuy nhiên, nhằm phán đoán chính xác, các bác sĩ giám định vẫn chủ yếu dựa vào nghiệp vụ chuyên môn và kinh nghiệm.
“Có thể kẻ phạm tội nào đó giả điên thành công, tạm thời chưa bị pháp luật sờ gáy nhưng trong mỗi con người luôn có một tòa án lương tâm phán xử. Khi đã gây ra tội ác, tự kẻ đó sẽ bị ám ảnh bởi hành động của mình. Do đó, nhiều trường hợp ban đầu là điên giả nhưng sau đó lại thành…điên thật”, bác sĩ Quang nói.
(*) Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
-
Thanh Huyền