- "Sát nhân" thầm lặng trú ẩn trong nghĩa trang. Những vết lở loét trên thân thể nạn nhân loang dần. Nạn nhân có thể "bất đắc kỳ tử".
Thời gian gần đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM đã tiếp nhận hai trường hợp bị mắc một chủng loại nấm nguy hiểm, hiếm gặp và rất khó chẩn đoán. Các bệnh nhân này đều còn rất trẻ, tổn thương do nấm gây ra khiến họ không thể hòa nhập với cộng đồng, thậm chí tính mạng cũng bị đe dọa nghiêm trọng.
Suốt nhiều năm khổ sở
Sinh viên trường Cao đẳng tên Trần Quốc A., 20 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân, TP.HCM đã phải sống cảnh khốn khổ do mắc chứng bệnh lạ suốt hơn 2 năm qua.
Đang sống trong quãng thời gian đẹp nhất của đời sinh viên, bỗng dưng vào một ngày, A. phát hiện vùng da phía dưới hai cánh tay nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy. Chẳng bao lâu sau, vệt đỏ lan rộng ra nhiều phần khác của cơ thể như bụng, đùi, hai bên hố chậu…
Bệnh nhân A. khi đã hồi phục. Ảnh: Thanh Huyền
A. hoảng sợ đi khám nhiều nơi và đều được chẩn đoán là bị chàm bội nhiễm. Tuy nhiên, dù tích cực điều trị thuốc kháng sinh, kháng viêm theo toa của bác sĩ, vùng da chàm đỏ chẳng hề thuyên giảm.
Vết thương trên da của A. càng ngày càng ngứa ngáy, lở loét, chảy nước khiến anh vô cùng đau đớn mỗi khi mặc quần áo.
Cứ đến tiết học thể dục, A. lại viện cớ bị ốm để trốn ở nhà vì sợ bạn bè phát hiện mình mắc chứng bệnh quái lạ.
Cuối cùng, trong lần đến khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, A. đã may mắn tìm được lời giải đáp cho căn bệnh của mình cũng như chấm dứt những tháng ngày đầy đau khổ, tự ti và mặc cảm.
Sau khi soi tươi và cấy sang thương da cho A., các bác sĩ của bệnh viện đã phát hiện những khúm nấm Aspergillus hình tròn.
Ngay lập tức, bệnh nhân được dùng thuốc đặc trị, sau 5 tuần đã hoàn toàn bình phục. Những vết loét đỏ trên da dần khô và teo lại.
Qua điều tra bệnh sử, BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM cho biết, có khả năng môi trường sống của A. cạnh nghĩa trang Bình Hưng Hòa chính là nguyên nhân khiến cậu ta bị mắc loại nấm này (nấm Aspergillus thích mọc trên những chất hữu cơ phân hủy).
Tính mạng của chị Tạ Thị H., sinh năm 1965, ngụ tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An cũng đang hết sức nguy hiểm do bị nấm Aspergillus đóng thành một khối u trong phổi.
Nấm Aspergillus trong phổi. Ảnh: Thanh Huyền
Kết quả sinh thiết cho thấy, khối u kia chính là do những tế bào nấm Aspergillus đóng lại.
Trường hợp của nữ bệnh nhân này vô cùng phức tạp. Các bác sĩ không dám can thiệp phẫu thuật bóc tách bởi khối nấm xâm lấn rất gần động mạch chủ. Chỉ cần sơ sẩy một li khi thao tác làm động mạch vỡ ra thì bệnh nhân sẽ chết ngay tại chỗ bởi không có cách nào kịp thời cầm được máu.
Aspergillus sống trong thực phẩm mốc
Chúng ta khó mà ngờ được nấm Aspergillus chính là loại nấm mốc mà dân gian vẫn thường gọi. Chúng tồn tại khắp nơi trong thiên nhiên, trên cây xanh và ở cả thực phẩm như ngô, lúa hay thức ăn ôi thiu…
Loại nấm này có chủng lây truyền cho con người qua đường hô hấp, lơ lửng trong không khí và phát tán theo gió.
Nếu bị nấm Aspergillus nhiễm vào phổi sẽ rất khó nhận biết bởi không có triệu chứng rõ rệt. Chỉ khi nào tế bào nấm xâm lấn vào phế quản thì bệnh nhân mới có phản xạ ho.
Theo BS Siêu, loại nấm Aspergillus chính là kẻ giết người thầm lặng, chúng âm thầm phát triển trong cơ quan nội tạng, xâm lấn lên động mạch chủ, gây vỡ động mạch làm người bệnh "bất đắc kỳ tử".
Hiện nay, cách duy nhất để phát hiện nhiễm nấm Aspergillus nội tạng là qua các kỳ khám tổng quát định kỳ.
Bác sĩ Siêu khuyên người dân nên chụp phổi 6 tháng/lần để kịp thời tầm soát bệnh. BS lưu ý người dân không ăn và hít phải các thực phẩm bị mốc để tránh nguy cơ lây nhiễm nấm Aspergillus.
-
Thanh Huyền