(VietNamNet) – Giữ chặt vô-lăng, liếc mắt nhìn hai bên gương chiếu hậu... "Chưa có cái trạm nào như cái này, tuyến đường dành cho xe buýt như tụi tui hẹp quá! Có ngày kéo bay luôn cái trạm thu phí" - anh Nghĩa cằn nhằn trong lúc lái xe qua trạm thu phí Bình Triệu II (TP.HCM), mới được thiết lập ngay đường dẫn lên cầu.
Vị trí đặt trạm thu phí: quá nhiều bất ổn
Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 (Cienco 5) giao cho đơn vị trực thuộc, Công ty 565 trực tiếp thực hiện việc thu phí nhằm hoàn vốn đầu tư giai đoạn 1. Theo báo cáo của đại diện công ty này, mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất. Thế nhưng, có mặt tại cầu, chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều bất ổn.
Cầu Bình Triệu nằm trên QL13, là một trong những cửa ngõ quan trọng, nối các tỉnh miền Đông Nam Bộ với TP.HCM. Vì thế, lượng xe lưu thông trên cây cầu này rất lớn. Đã có lúc cầu Bình Triệu (cũ) muốn sập... Dự án cầu Bình Triệu II được xây dựng nhằm giảm tải cho cầu Bình Triệu cũ. |
Đường vào cầu Bình Triệu II cũng rất hẹp, nếu cố định các loại xe phải đi đúng với làn xe như dự định thì khi các loại xe này nhập dòng sẽ gây ùn tắc ngay tại chân cầu. Trong khi đó, tại làn xe dành cho xe 2 bánh và xe quá khổ, đơn vị thiết kế đã đặt thanh chắn ngang quy định cao độ 2m. Theo ý kiến người dân, quy định cao độ, cũng như vị trí đặt thanh chắn ngang như thế là không hợp lý. Cách đây một vài ngày, đã có trường hợp tài xế xe lam chạy ngang qua do không áng chừng được độ cao nên mui xe đụng phải, nên đập đầu vào cabin bất tỉnh nhân sự.
Nguy hiểm nhất là cách cầu khoảng 200m, lại có tuyến đường sắt Bắc - Nam tại ngã tư Bình Triệu (Kha Vạn Cân - QL13). Khi chưa xây dựng trạm thu phí, nơi đây đã có tình trạng ùn tắc. Nếu trạm thu phí chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 1/4, tình trạng ùn tắc tại các trạm soát vé có thể kéo dài đến tận trường Đại học Luật, cách trạm khoảng 500m. Đúng lúc ấy xe lửa tuyến Bắc - Nam chạy ngang qua…. quả là một đại họa.
Kiến nghị dẹp bỏ trạm thu phí?
Cầu Bình Triệu II được xây dựng song song nhằm giảm tải cho cầu Bình Triệu cũ. Các xe lưu thông từ hướng thành phố ra về phía cầu Bình Triệu cũ, các xe vào thành phố đi vào cầu Bình Triệu II. Nhưng khi ách tắc tại điểm giao ngã tư ga Bình Triệu, sẽ có lượng xe lớn đậu ngay trên cầu Bình Triệu cũ. Liệu cây cầu này có đủ sức chịu nổi tải trọng lớn như vậy? Trước đây, các cơ quan chức năng đã từng cảnh báo: "Cầu Bình Triệu (cũ) có thể gãy bất cứ lúc nào!".
Thêm vào đó, hiện nay, dòng xe máy lưu thông từ đường Kha Vạn Cân - Bình Lợi đã bị cấm vì cầu Bình Lợi đang được sửa chữa đến tháng 11/2004 mới xong. Như vậy, áp lực giao thông của xe máy sẽ đè nặng lên tuyến đường đặt trạm thu phí. Ngoài ra, hệ thống chiếu sáng ở đoạn đường dẫn vào trạm thu phí cũng chưa đạt yêu cầu.
Theo ý kiến của ông Trần Quang Phượng, (Phó Giám đốc Sở GTCC TP.HCM), Sở sẽ kiến nghị UBND TP dẹp bỏ trạm thu phí trên nếu không nhận được phương án chi tiết đảm bảo an toàn giao thông tại đoạn đường này. Ngoài ra, ông còn yêu cầu phải tổ chức nhiều điểm bán vé tháng để giảm được thời gian dừng tại trạm mua vé. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các chủ xe mà chúng tôi tiếp xúc đều khẳng định chưa có thông tin gì về vé tháng do trạm thu phí cầu Bình Triệu II phát hành.
Đến thời điểm này, phía Cienco 5 cũng chưa nắm được lịch chạy của các tuyến tàu Bắc – Nam và theo ông Phạm Văn Thịnh (Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, TP.HCM), ngành đường sắt chưa có sự quan tâm đúng mức đối với việc đặt trạm thu phí tại cầu Bình Triệu II trong việc phối hợp với giao thông đường bộ để bảo đảm an toàn. Ông cũng băn khoăn, có nên đặt trạm thu phí tại vị trí này hay không khi tình hình giao thông tại khu vực này quá phức tạp!
Cầu đường Bình Triệu II được khởi công xây dựng vào ngày 3-2-2001. Khi bắt đầu khởi công cũng là lúc vốn của dự án thay đổi theo từng ngày, để rồi phải lập dự án điều chỉnh từ 341 tỉ đồng lên đến gần 1.600 tỉ đồng. Thiếu vốn, đã làm công trình ngưng trệ. Sau 500 ngày thi công, chủ đầu tư -Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5- mới hoàn thành giai đoạn1. Vốn phát sinh đã làm chủ đầu tư bỏ cuộc, phải đề nghị UBND TP.HCM cho thu phí cầu Bình Triệu II để có vốn tiếp tục thi công. Nếu không có vốn, dự án cầu đường Bình Triệu nhằm giảm tải cho cầu cũ và mở rộng mặt đường QL13 thành 53 sẽ không thực hiện được. |
-
Trần Duy