(VietNamNet) - "Bản thân ngành GTCC không phải là người sắp bàn cờ đầu tiên. Chuyện ngập nước đã có trước giải phóng. Nhà tôi cũng bị ngập đến nửa mét"- ông Hà Văn Dũng (GĐ Sở GTCC TP.HCM) trả lời PV.
Sáng 7/5 tại buổi họp báo do Sở GTCC tổ chức, các lãnh đạo đầu ngành đã trả lời những câu hỏi đầy bức xúc của báo giới về vấn đề thoát nước tại TP.HCM
Ngập lụt ở TP.HCM: Chuyện muôn năm cũ. |
Ông Trần Đình Phú (Phó Giám đốc Sở GTCC): Nghiên cứu quy hoạch tổng thể về thoát nước đô thị của thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, được JICA khảo sát, đánh giá dựa trên nhiều yếu tố. Báo cáo đó đã nêu mốc thời gian năm 2020 là hoàn chỉnh hệ thống thoát nước mưa, nước thải thành phố và cũng là thời điểm thành phố không còn ngập. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng có một chương trình chung, trong đó nêu ra những định hướng thoát nước cho những đô thị lớn đến năm 2020. Theo đó, năm 2020 cũng là mốc thời gian để các đô thị hoàn chỉnh hệ thống thoát nước mưa nước thải và tình trạng ngập úng được xóa bỏ cơ bản. Tuy nhiên ngành GTCC không chỉ chờ đợi và ước muốn mà phải phấn đấu nhiều hơn để làm sao rút ngắn được thời gian này.
Phấn đấu đó cũng phụ thuộc vào những yếu tố chủ quan, khách quan. Những dự án lớn có tác động làm giảm ngập và thoát nước đã và đang khởi động. Ví dụ: dự án vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án Hàng Bàng - Tân Hóa - Lò Gốm. Trong số đó, phần lớn đều là những dự án có nguồn vốn ODA. Do vậy, thời gian để thực hiện các dự án đó rất dài, từ 5 năm trở lên, và để các dự án này phát huy tác dụng phải chờ đến năm 2007 hoặc năm 2010. Chúng ta có nóng ruột thì cũng không thể vượt qua những yếu tố khách quan này.
Chúng tôi đã đưa ra 20 điểm ngập và 17 điểm giảm ngập để giải quyết trong năm 2004. Trong đó, chúng tôi tập trung vào những khu vực như Bình Thạnh, Q.6... có hàng trăm điểm ngập, nếu rải đều ra thì quá sức mình. Có những điểm chúng tôi sẽ không làm mà sẽ để những dự án lớn tác động trong những năm tới.
Sở GTCC chủ trương tập trung nạo vét trong mùa khô để hệ thống thoát nước có thể phát huy tác dụng trong mùa mưa chứ không làm đều cả năm như những năm trước. Chúng tôi đang kiểm chứng xem chủ trương nạo vét mùa khô phát huy tác dụng ra sao. Ngoài ra, còn phải kết hợp với việc nạo vét kênh mương, rạch. Hiện nay tình trạng kênh rạch đang bị thu hẹp, lấn chiếm rất nghiêm trọng như đoạn Tân Hóa - Lò Gốm
- Trong năm 2003 đã phát sinh thêm nhiều điểm ngập mới. Vậy những biện pháp ông Phú đã kể ra liệu có làm phát sinh thêm nhiều điểm ngập nữa hay không?
Ông Hà Văn Dũng: - Chúng tôi đã xem xét những điểm ngập mới phát sinh. Trong thực tế có những hiện tượng trái ngược nhau, tức là có những điểm trước đây ngập nay tự nhiên hết ngập và cũng có cái mới phát sinh. Chúng tôi đã giao cho anh em khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân. Chắc là không phải do tự nhiên mà có lẽ do những tác động nào đó. Ví dụ ở những khu dân cư mới, chưa thực hiện hệ thống thoát nước đang trong quá trình đô thị hóa.
- Khối lượng nạo vét đã đạt được trong mùa khô vừa rồi là bao nhiêu? Khối lượng như vậy có bảo đảm rằng những đoạn đã được nạo vét sẽ không ngập trong mùa mưa tới không?
- Năm qua đã nạo vét được 585.000m/618.000m chiều dài, tổng kinh phí 41 tỷ đồng. Cách làm cũ của Sở là nạo vét 1-2 lần/năm, tùy thuộc vào tính chất của cống như: quan trọng hay không quan trọng, mức độ rác do dân vứt xuống nhiều hay ít... Lâu nay, Sở quy định làm 1 lần, làm thời điểm nào trong năm cũng được. Thế nhưng, thời gian ngập là tháng 10, tháng 11 mới nạo vét thì đâu có hiệu quả. Do đó, chúng tôi chủ trương không nạo vét trong mùa mưa, có chăng chỉ nạo vét trong mùa mưa ở một ít tuyến cống nào đó. Tất cả các loại cống mà một năm nạo vét một lần thì phải làm vào khoảng thời gian sau Tết đến đầu mùa mưa.
Mùa mưa nào, TP.HCM cũng ngập. |
- Nếu nạo vét như vậy có hết ngập không?
- Theo tôi ngập là do nhiều nguyên nhân chứ không phải chỉ vì chuyện cống không thông. Về cơ bản chắc chắn những điểm cống bị bít, là sẽ ngập nhưng cũng dè chừng một số trường hợp cá biệt. Chúng tôi đã phát hiện ra ở khu vực chợ Hòa Bình (Q.5). Lâu nay nạo vét không đầy đủ cho nên triều cường xâm nhập ít. Bây giờ thông thoáng, nước mưa từ nơi khác đổ đến chợ Hòa Bình nhanh hơn làm khu vực này bị ảnh hưởng. Chúng tôi khắc phục bằng cách: nếu mưa kết hợp triều cường thì dùng phay chặn và bơm. Nói như thế không có nghĩa là sẽ để tình trạng nạo vét tệ hơn trước... Chắc chắn là sẽ giảm những điểm ngập trong mùa mưa sắp tới.
- Cũng phải thừa nhận ý thức người dân còn quá kém dẫn đến những hành động như: xả rác làm bít miệng cống, xả rác xuống kênh mương nhưng các lực lượng của Sở có quan tâm đến việc dọn dẹp rác không?
- Sở GTCC đã rất nhiều lần kết hợp cùng chính quyền địa phương để xử lý chuyện này, nhưng vẫn không hiệu quả, thành ra ngành thoát nước nói riêng và Sở GTCC nói chung phải bố trí lực lượng vớt riêng. Không chỉ vớt rác trên những dòng kênh mà ngay cả những điểm trên mặt đường. Nơi nào có rác tụ về hố ga anh em thoát nước cũng phải đội mưa mà vớt để tạo cho dòng chảy thoát nhanh hơn.
- Một trong những nguyên nhân gây ngập úng là do hệ thống kênh rạch của mình bị san lấp. Trong số 500 hệ thống kênh rạch, hồ được quy hoạch đến bây giờ có bao nhiêu cái bị cấm san lấp?
Ông Trần Đình Phú: - UBND đã ra quyết định 319 trong đó có đưa ra danh sách các kênh rạch cấm san lấp để kịp thời quản lý cho tốt. Quyết định này được xây dựng dựa trên danh mục bản đồ địa hình được ban hành vào cuối năm 2002 nhưng chưa chính xác và đầy đủ. Nên trong quy định có thêm điều khoản điều chỉnh lại danh sách trong quý 1 hàng năm.
- Thời gian vừa qua, một số kênh rạch nằm trong danh sách cấm nhưng vẫn bị san lấp, ý kiến Sở GTCC về việc này như thế nào?
Ông Hà Văn Dũng: - Về pháp lý, chúng tôi đã công bố danh mục các sông, kênh rạch cấm san lấp rồi. Tất cả những việc san lấp như vậy đều trái phép hết. Thái độ của Sở phụ thuộc vào quyền hạn của mình thôi! Sở có trách nhiệm giao cho Khu đường sông thống kê toàn bộ những kênh rạch đó. Khi làm xong việc thống kê, chúng tôi chuyển về cho chính quyền địa phương xứ lý. Có quận, huyện làm rất tốt, nhưng cũng có quận, huyện chưa tích cực xử lý chuyện này. Theo tôi hiểu đó là do yếu tố về tài chính, nhiều khi họ cũng chẳng có tiền để làm. Từ đó dẫn đến chậm chạp trong việc cưỡng chế những người san lấp trái phép. Cách đây 10 ngày, UBND đã ban hành văn bản giao cho Chủ tịch các quận, huyện xử lý triệt để việc này. Thái độ của Sở là: đã lấn chiếm trái phép thì phải trả lại hiện trạng ban đầu.
- Mùa mưa năm ngoái, có một học sinh trong khi đi học về, ngang qua khu vực Mễ Cốc 1 thuộc P.15, Q.8 đã bị rớt xuống sông và chết vì không phân biệt được làn ranh giữa đường và sông. Trong năm nay, những vùng nằm trong diện ngập tràn bờ như vậy sẽ được xử lý ra sao?
- Chúng tối mới tiến hành tổng rà soát sáng nay. Ai cũng nói khi nước ngập thì không thể phân biệt chỗ nào là bờ chỗ nào là sông, điển hình nhất là ở Mễ Cốc, Mễ Cốc 2. Chúng tôi cũng đã xem xét ở Thanh Đa, nhưng mức độ tràn bờ ở Thanh Đa không đến mức nguy hiểm.
Nhưng Mễ Cốc 1, Mễ Cốc 2 thuộc dự án ODA. Với những dự án có nguồn vốn ODA, sẽ phải tuân theo những quy trình đã thỏa thuận với nước ngoài. Nếu đấu thầu theo kiểu trong nước thì chỉ cần tối đa 3 tháng, nhưng với nước ngoài có khi trên 1 năm. Tuy nhiên, Sở cũng sẽ đảm nhiệm tất cả những công việc. Anh Sỹ (Huỳnh Ngọc Sỹ, Phó Giám đốc Sở GTCC), trưởng ban quản lý của dự án này cho biết, đối với Nhật Bản có khi là 14 tháng mới đấu thầu xong. Do vậy, trong năm 2004 này, Mễ Cốc không thể nào xoay xở được.
- Rõ ràng ngập nước không chỉ là chuyện gây phiền hà trong sinh hoạt của người dân mà còn liên quan đến tính mạng của họ nữa - Trách nhiệm của Sở GTCC trong chuyện này thế nào?
- Trước hết phải đặt trong bối cảnh, chúng tôi không phải là người sắp bàn cờ đầu tiên. Và bản thân ngành GTCC cũng không phải là người sắp bàn cờ đầu tiên. Có nghĩa là chuyện ngập đã có trước giải phóng rồi. Chúng tôi cho rằng chúng tôi cũng là những người có trách nhiệm chứ không phải là người coi thường tính mạng nhân dân. Tôi là người day dứt chuyện này lắm! Chính nhà tôi cũng ngập, ngập đến nửa mét.
Chúng tôi chỉ có thể giải quyết những việc nằm trong khả năng, chứ đâu có phép màu nào thổi phù một cái bữa nay ngập, ngày mai hết ngập. Giải quyết chuyện này cần nhiều giải pháp và phải có nhiều thời gian. Thực ra hiện trạng thiên nhiên là như thế này rồi, chúng tôi chỉ là những người thừa kế. Bây giờ muốn trách chúng tôi thế nào thì chúng tôi cũng không tìm ra cách. Còn không thì chúng tôi xin nghỉ chứ còn cách nào khác đâu!.
-
Trần Duy