Nơi đây, nhà chỉ rộng vài chục mét vuông nhưng có cả chục hộ dân sinh sống. Muốn vào, phải chui qua ngõ ''ống'' tối om, sâu thẳm, bề ngang chừng 80cm.
20 năm trước, phố cổ với lũ trẻ Hà Nội chúng tôi là nỗi đam mê chơi xu, đánh đáo. Đầu Ngõ Gạch, quá lên một chút là cổng Ô Quan Chưởng, rồi Phố Hàng Chiếu, sang đến Hàng Ngang, Hàng Đào - nơi vốn là niềm tự hào của “thương mại” ngoài quốc doanh chuyên bán đồ “xa xỉ” thời bao cấp khốn khó, đều in dấu kỷ niệm một thời không phai…
Giá như bằng Di sản Quốc gia được cho Phố cổ sớm hơn. Nay nhà cũ, phố cũ còn mấy đâu mà bảo tồn? Làm sao đón bằng Di sản Quốc gia khi mà phố cổ chẳng còn hình hài của nó?
Có những ngôi nhà đã 30 năm chưa một lần tu sửa. Sàn nhà tầng trên thủng to bằng cái rổ, cứ bắt nhà trên thấy mồn một ''mọi sự'' của nhà dưới. Nhiều nhà chỉ rộng vài chục mét vuông nhưng có đến hàng chục hộ dân sinh sống, chen chúc nhau chui ra chui vào qua con ngõ tối chỉ rộng chừng 80cm, tránh nhau cũng còn khó.
Có những hộ phải bật đèn suốt ngày vì chẳng bao giờ thấy ánh sáng trời. Nhà chật, nhiều gia đình ăn cơm cũng phải chia ca. Còn chuyện vệ sinh sáng sáng bao giờ cũng là “bi kịch”, là việc “trọng đại” bậc nhất của mọi người chung số nhà bởi thời điểm này, mấy chục con người chỉ biết trông cậy vào hai cái hố vệ sinh ẩm thấp.
Nhưng cũng còn may lắm đấy, vì mấy năm trở lại đây nước nôi đã khá hơn, điện cũng chẳng mất nữa nên mùa hè còn dễ thở đôi chút. Nhưng hỡi ôi! Dây điện thì chằng chịt, mạnh nhà nào nhà ấy kéo, nói dại nếu có cháy thì “thôi rồi”, vô phương cứu chữa…
|
|
Hà Nội đang có kế hoạch bảo tồn phố cổ. Ban quản lý phố cổ sẽ đề nghị Thành phố xếp hạng một số ngôi nhà cổ đã được người dân thực hiện bảo tồn đúng tiêu chuẩn, đồng thời cũng đề nghị thành phố đầu tư tôn tạo ô phố thí điểm (Hàng Bạc - Mã Mây - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiền). Ý kiến của bạn về vấn đề này ra sao, mời góp ý trên VietNamNet. |
-
Lê Anh Dzũng