(VietNamNet) - Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2004, có đến 710 tuyến đường trên địa bàn TP.HCM bị đào bới với tổng chiều dài trên 400.000m.
Dẫn đầu là các đơn vị thi công đào đường để lắp đặt công trình cấp nước, với 560 tuyến, tổng chiều dài 369.000m, tiếp đến là các đơn vị lắp đặt công trình bưu điện, điện lực, thoát nước…
Theo Ban thanh tra GTCC, tuy các đơn vị có tái lập các rãnh đường sau thi công nhưng lại không giám sát phục hồi mặt đường trong trường hợp bị lún, sụt.
Tình trạng quét dọn để đá văng ra khỏi rãnh đường làm ảnh hưởng đến ATGT và vệ sinh môi trường như: đường Quang Trung, Nguyễn Huy Điển (Gò Vấp), Tô Ký (Q.12)... Nhiều tuyến đường sau khi được tái lập lại bị oằn lún chưa đạt tiêu chuẩn về mỹ thuật và kỹ thuật, còn gồ ghề, răng cưa... gây nguy hiểm cho người đi đường như ở tuyến đường: Trương Vĩnh Ký, Tân Sơn Nhì…
Không những thế, công đoạn đắp lớp bê tông nhựa nóng để trả mặt đường giống như hiện trạng ban đầu thường kéo dài hơn so với thời gian quy định. Hiện tượng này khá phổ biến trên các tuyến đường: Phan Văn Trị, Dương Quảng Hàm (Gò Vấp), Bến Bình Đông, Mễ Cốc, Lưu Hữu Phước (Q.8), Bình Long, Vườn Lài, Văn Cao, Thạch Lam, Trương Vĩnh Ký (Tân Phú)…
Nguyên nhân chính của tình trạng trên được chỉ rõ: Do chạy theo tiến độ thi công nên các đơn vị đào đường làm dàn trải nhiều nơi cùng một lúc, thi công nhiều vị trí dẫn đến không tái lập kịp trước 6h sáng; Các rãnh đường có chiều rộng nhỏ trong lúc đơn vị tái lập chưa có thiết bị phù hợp để lu lèn nên phải sử dụng phương pháp thủ công.
Công tác lu, cán chưa đảm bảo kỹ thuật nên mặt nhựa được tái lập không láng, gây gồ ghề (như đường Tân Sơn Nhì, Tân Kỳ - Tân Quý…). Và mặc dù việc đào tái lập mặt đường đã bị báo chí phê phán rất nhiều và cơ quan chức năng cũng đã ban hành những quy định nghiêm ngặt nhưng tình hình vẫn chưa thực sự được cải thiện.
- Trần Duy