(VietNamNet) - Theo tìm hiểu của VietNamNet, tuyến đường dẫn phía Bắc của cầu Vĩnh Tuy được thiết kế đi qua Công ty 20, Công ty 26 (thuộc Tổng cục Hậu cần) và chạm tới hệ thống mốc giới quốc gia do Cục Bản đồ quản lý.
Mô hình cầu Vĩnh Tuy |
Nếu cứ theo thiết kế cũ, sẽ vừa ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng của các đơn vị trên vừa gây thiệt hại về kinh tế. Bởi Công ty 20 và Công ty 26 đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt đầu tư gần 80 tỷ đồng từ năm 2000 cho các công trình phục vụ mục tiêu an ninh quốc phòng. Ngoài ra, tuyến đường dẫn phía Bắc của cầu Vĩnh Tuy nếu được xây dựng theo thiết kế cũ cũng sẽ gây ảnh hưởng tới một số công trình ngầm của một số đơn vị khác thuộc Bộ Quốc phòng.
Để khắc phục vấn đề, Bộ Quốc phòng đã có công văn số 522/2005 do Thượng tướng Phùng Quang Thanh ký đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu điều chỉnh hướng tuyến đường lên cầu phía Bắc nhằm đảm bảo cả hai mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố và hạn chế ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ quốc phòng.
Đường dẫn cầu Vĩnh Tuy sẽ phải khảo sát lại |
Về phía UBND TP. Hà Nội, đã tuân thủ đúng nguyên tắc, trình tự lập dự án là gửi văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan để có ý kiến thống nhất trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, trong báo cáo đầu tư và công văn gửi Bộ Quốc phòng, TP.Hà Nội chỉ xin ý kiến về chủ trương đầu tư, các thông số kỹ thuật chính chứ không hề có những nội dung liên quan đến các đơn vị của Bộ Quốc phòng. Vì thế, Bộ Quốc phòng đã có ý kiến thống nhất về chủ trương đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy và tuyến đường dẫn hai đầu cầu.
Cầu Vĩnh Tuy là cây cầu thứ 5 bắc qua sông Hồng, được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư theo cơ chế đặc biệt nhằm đẩy nhanh tiến độ để giải bài toán ách tắc giao thông cho Hà Nội. Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy có vốn đầu tư giai đoạn 1 là 3.597 tỷ đồng, thời hạn thi công 24 tháng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lại thiết kế tuyến đường dẫn có thể gây phát sinh chi phí và ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
-
Thuỵ Du