Những năm qua, các cơ quan chức năng loay hoay với bài toán hạn chế xe hai bánh gắn máy vì cho rằng đây là tác nhân chính gây ra ùn tắc, kẹt xe. Trong khi đó, một tác nhân quan trọng khác là xe ô tô lại không được chú trọng đang trỗi dậy và trở thành nguy cơ hàng đầu gây kẹt xe tại TP.HCM.
Tăng trưởng nóng Với nhận định xe máy là một tác nhân hàng đầu gây ra nạn kẹt xe, làm thiệt hại ước tính 5 tỉ đồng mỗi ngày nên hầu như các cơ quan chức năng chỉ tập trung đưa ra hàng loạt biện pháp hạn chế loại phương tiện này. Những biện pháp này đã có tác dụng giảm lượng xe gắn máy đăng ký (chưa hẳn là lượng xe lưu thông) tại thành phố. Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ Công an TP.HCM, tốc độ tăng xe gắn máy đăng ký mới (so với năm trước) đã giảm từ 25,4% năm 2001 và 16% năm 2002 xuống còn 0,9% năm 2003 (năm đầu tiên áp dụng các biện pháp hạn chế), 5,3% năm 2004 và dưới 8% năm 2005.
Quá mải mê với việc tìm biện pháp hạn chế xe gắn máy, các cơ quan hầu như bỏ quên phương tiện xe ô tô, nhất là ô tô cá nhân. Thượng tá Võ Văn Vân, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ, cho biết việc đăng ký ô tô ở TP.HCM dễ hơn... đăng ký xe gắn máy: "Chỉ cần người đứng tên đăng ký có CMND, không cần phải có giấy phép lái xe ô tô, điểm đậu xe... và đặc biệt là diện KT3 cũng có thể đăng ký ô tô". Hệ quả là lượng ô tô đăng ký mới gia tăng đến chóng mặt. Nếu ở thời điểm cuối năm 2002, toàn thành phố có 158.000 ô tô các loại thì đến cuối năm 2003 đã tăng lên 221.600 xe (tăng 40,2%), cuối năm 2004 là 252.800 xe và cuối năm 2005 đã là trên 275.000 xe, gấp hơn 2 lần số xe ở thời điểm cuối năm 2000 (131.000 xe).
Nhưng lượng ô tô đăng ký sẽ không dừng lại ở mức tăng như trên khi từ giữa năm 2005, một số loại xe ô tô lắp ráp trong nước có linh kiện từ Trung Quốc, giá rẻ đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường. Rồi từ đầu năm 2006, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đã bắt đầu giảm từ 100% xuống còn 90%. Tất cả chắc chắn sẽ kéo giá ô tô xuống thấp, làm tăng lượng xe đăng ký mới.
Hậu quả nhãn tiền
"Với mức tính mỗi xe gắn máy chiếm 3m2 diện tích đường khi lưu thông, như vậy, mỗi ngày thành phố cần thêm 1.700m2 đường cho lượng xe gắn máy đăng ký mới. Trong khi đó, suốt nhiều năm qua diện tích đường giao thông ở TP.HCM không tăng thêm được là bao. Năm 2006, bài toán giao thông sẽ hóc búa hơn nhiều" - một chuyên viên Ban An toàn giao thông TP.HCM nhận định. Nhưng đó mới chỉ là vấn nạn xe gắn máy còn hiện nay, bình quân mỗi ngày Phòng CSGT nhận trên 100 hồ sơ đăng ký ô tô. Khi lưu thông, một xe ô tô con chiếm diện tích mặt đường khoảng 22m2 thì diện tích mặt đường cần cho xe ô tô đăng ký mới mỗi ngày còn lớn hơn xe gắn máy.
Thực tế từ khoảng 1 năm nay, dù đã cấm xe tải lưu thông trong giờ cao điểm nhưng trên nhiều trục đường chính ở thành phố như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Cách Mạng Tháng Tám..., khi dừng đèn đỏ thì ô tô vẫn sắp hàng nối đuôi nhau thành hàng dài vài trăm mét, có khi kéo qua 2-3 giao lộ.
Không thể hạn chế kiểu như xe gắn máy!
"Chỉ cần vài phần trăm số người đang sử dụng xe gắn máy chuyển sang xe hơi thì hệ quả sẽ vô cùng tệ hại, TP.HCM sẽ trở thành thành phố đi bộ" - GS-TSKH Lê Quả, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển giao thông phía Nam, cảnh báo và khuyến cáo: "Vấn đề là ta có đủ các biện pháp hữu hiệu, có lý, có tình để hạn chế xe cá nhân không?". Một trong những giải pháp ông Quả đưa ra là tạo lập các khu vực ra vào có cấp phép thu phí đối với các phương tiện giao thông cá nhân, trước mắt ở khu vực trung tâm và dần dần mở rộng ra các khu vực lân cận. Về lâu dài, phát triển mạnh hệ thống vận tải khách công cộng có sức chở lớn để đáp ứng nhu cầu đi lại khi xe cá nhân ngày càng tăng.
TS Hồ Hữu Nhựt, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết xung quanh việc hạn chế xe cá nhân, trung tâm của ông đã tiến hành một cuộc điều tra xã hội học trên 3.000 người thuộc 21 đối tượng quần chúng và gần chục cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học. Trong quá trình này, cũng có ý kiến đề xuất áp dụng biện pháp mỗi gia đình chỉ được đăng ký một ô tô con. Tuy nhiên, thượng tá Võ Văn Vân không chỉ không đồng tình việc "hạn chế sở hữu của người dân" mà còn cho rằng không thể buộc người đăng ký phải có giấy phép lái xe ô tô. "Nếu quy định phải có bằng thì các doanh nghiệp taxi đăng ký ra sao? Rồi một số người già, sức khỏe yếu, tàn tật có nhu cầu muốn mua xe, thuê người lái để đi lại cũng không thể đăng ký ô tô..." - ông Vân nói.
Đức Trung (Thanh Niên)