(VietNamNet) - Dù mở lần đầu, tọa đàm ''Chung cư cũ, thực trạng, giải pháp'' do Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) vừa tổ chức đã không bị ''mất thì giờ'' vào những vấn đề đã ''cũ" như chính các chung cư ...
Tiền ở đâu? Tiền ở đây!
Các hộ tầng 1 đã lợi đơn, lại còn lợi kép, đã lợi trước, lại còn lợi sau... để bộ mặt đô thị mãi nhếch nhác với những nhà tập thể cũ nát như thế này? |
Để triển khai các dự án cải tạo, xây mới lại các khu chung cư đã hư hỏng nặng, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng quan trọng nhất là ''Tiền lấy đâu ra?''. Trong báo cáo, sở này trình bày ''khó khăn thấy trước'' khi giải bài toán biến chung cư cũ thấp tầng thành chung cư mới cao tầng, mật độ xây dựng thấp - số căn hộ mới dôi ra sau khi người cũ, hộ cũ đã tái định cư ''không đủ sinh lợi để khuyến khích nhà đầu tư''.
Do đó, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng sớm điều chỉnh Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở, cho phép các doanh nghiệp được huy động vốn ứng trước từ những người có nhu cầu thuê, mua nhà ở - đặc biệt tại các dự án xây dựng mới chung cư xuống cấp. Đồng thời, nên thêm hình thức mua trả góp với cơ chế linh hoạt, thay vì chỉ là thuê mua.
Cũng như vậy, Giám đốc Sở TN, MT & NĐ Hà Nội Vũ Văn Hậu cho biết, tuy đã có rất nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia xây dựng, cải tạo các khu chung cư cũ ở thủ đô, thậm chí có những doanh nghiệp đã ''khởi động'' từ 2, 3 năm nay vẫn ''giậm chân tại chỗ''... cũng bởi chưa cân đối được thu - chi, vốn - lãi của dự án. Ví dụ như, TCty VINACONEX đưa ra đề án nghiên cứu cải tạo toàn bộ khu Bắc Thanh Xuân đẹp, hiện đại và mới hoàn toàn so với khu cũ, song không thể nào cân đối nổi khoảng 2.400 tỉ đồng!
Trong khi Nhà nước lại càng không có khả năng và không thể bỏ vốn đầu tư xây dựng lại các khu này, theo ông Vũ Văn Hậu - ''nếu cứ cứng nhắc các chỉ tiêu về dân cư cũng như mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất thì các nhà đầu tư sẽ không có khả năng thực hiện dự án''.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân khẳng định: ''Tiền để làm việc này ở trong chính những dự án này''. Theo Bộ trưởng Quân, Nhà nước, chính quyền không nên lo lắng cho vấn đề này nhiều quá, hãy để doanh nghiệp tự tính toán và đề xuất! Tùy từng trường hợp cụ thể, ví như cải tạo một nhà chung cư đơn lẻ thì khác, cải tạo một khu chung cư lại khác - doanh nghiệp tự biết họ sẽ phải làm gì, và việc Nhà nước cần làm khi ấy chỉ là nghĩ ra cách để hài hòa các lợi ích, lắng nghe doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp có lợi trong công việc này.
Đâu đó trong bộ máy quản lý Nhà nước vẫn tồn tại một tư duy cũ, nhầm lẫn rằng chuyện dự án là chuyện của doanh nghiệp - nên cứ từ từ, cứ khó dễ, mà không nhận thức rằng việc cải tạo, chỉnh trang các khu, nhà chung cư cũ nát hiện nay rõ ràng phải ''cậy nhờ'' doanh nghiệp rất nhiều! Thậm chí, coi trọng quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong việc này còn phải là mối quan tâm đi trước của Nhà nước. Nói như ông Trịnh Huy Thục, Cục trưởng Cục Quản lý nhà - ''thay vì Nhà nước đầu tư vốn bằng việc Nhà nước tạo điều kiện về cơ chế chính sách và pháp lý''.
''Mật độ là ở ta, hệ số do ta quy định, tại sao lại không được nếu các dự án đó không những cải tạo chỗ ở cho dân tốt hơn mà còn góp phần chỉnh trang được đô thị, làm lợi cho doanh nghiệp?'' - Bộ trưởng Quân nhấn mạnh.
Không để lợi ích cá nhân cản trở sự đồng thuận chung!
Tầng 1 (hay còn gọi là tầng trệt) của các nhà tập thể, chung cư cũ là nguyên nhân gây ''oải'' nhất cho các doanh nghiệp khi bắt tay vào dự án cải tạo, xây mới các khu này. Theo số liệu Bộ Xây dựng đưa ra, do buông lỏng quản lý một thời gian dài, đa phần các hộ ở tầng 1 đều đã cơi nới, lấn chiếm trái phép dẫn đến mật độ xây dựng vào khoảng 70 - 80%. Vì ''cái lợi'', các hộ này bất chấp cả việc do cơi nới thêm nên ánh sáng tự nhiên vào căn nhà bị thiếu, không khí lưu thông cũng kém, không đảm bảo sức khỏe và nhất là việc xây dựng lấn chiếm của các hộ tầng 1 đã đè lên hệ thống cống ngầm, cống ngang của toàn khu, gây ngập tắc...
Lấn chiếm đã là một cái SAI, dùng diện tích lấn chiếm tại tầng 1 để kinh doanh, trục lợi lại là một cái NGANG NHIÊN SAI nữa. Theo các cán bộ chuyên ngành, các nhà tập thể, lắp ghép, chung cư cũ từ tầng trệt đến tầng cao nhất đều chung một mục đích sử dụng là: để ở. Khi các hộ tầng 1 lấn chiếm, cơi nới để kinh doanh tức là đã sai mục đích sử dụng, bởi lẽ một cơ sở kinh doanh phải hội đủ nhiều điều kiện và dĩ nhiên không thể chung thiết kế với nhà ở bình thường, nguy cơ cháy nổ cao, ảnh hưởng giao thông...
Những ''cảnh tượng hãi hùng'' này không hiếm có trên bộ mặt nhiều đô thị, tỉnh, thành phố lớn khắp đất nước. Ảnh: ashui.com |
Thế nhưng, dù sai phạm, chính những hộ dân tầng 1 này lại cản trở nhiều nhất đến việc cải tạo, xây mới chung của họ, đơn giản vì sợ mất đi ''cái lợi''. Đại diện Cty CP Đầu tư Xây dựng & Phát triển nhà số 7 HN cho biết, khi họ ''xắn tay'' cải tạo nhà tập thể Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), đa số dân mừng rỡ tán thành, chỉ các hộ tầng 1 nhất quyết không tán thành và ''chỉ đồng ý khi được tái định cư tại chỗ với phương án đền bù thỏa đáng và được sử dụng một diện tích kinh doanh ở tầng 1 (khi nhà mới đã xây xong) với điều kiện ưu đãi''.
Được biết, tại một số dự án xây mới chung cư cũ nát khác, các doanh nghiệp đã gặp cảnh ''trái ngang'': từ tầng 2 trở lên, các hộ dân đều mong mỏi, ủng hộ - nhưng những người ủng hộ thì im lặng chờ đợi, còn vài hộ tầng 1 không ủng hộ thì lại ngáng trở, khó dễ, thậm chí ''đăng đàn diễn thuyết'' ầm ĩ để phản đối, cung cấp thông tin sai lệch cho báo chí để dự án không thể tiến hành...
Nhiều ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà chuyên môn trong cuộc tọa đàm hôm nay thống nhất cho rằng hoàn toàn có thể cấm buôn bán, kinh doanh tại các căn hộ tầng 1 tập thể, chung cư cũ này (vì tất cả những lý do như đã nêu trên), ''hy sinh cái lợi nhỏ của một nhóm người để đạt được cái lợi lớn của số đông dân cư, của toàn thành phố''. Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần một sự đồng bộ, nhất là cần đến cái tâm, cái tầm, sự quả quyết và tư duy rành mạch của các nhà lãnh đạo chính quyền.
Vậy là, những vấn đề tưởng như nan giải nhất trong việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ xuống cấp qua cuộc tọa đàm lần đầu tiên này cũng đã bắt đầu định hình những ''lời giải'' đúng hướng. Các cơ quan, doanh nghiệp, người dân ''trong cuộc'' cùng mong từ tư duy đến hành động với công việc này sẽ không phải là một chặng đường quá xa, bởi nói như Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân - ''đây là một việc cấp bách và đầy ý nghĩa. Nhà dân đang ở, cũ nát, không làm nhanh, đổ sập, nguy hiểm đến tính mạng thì sao? Cần nhanh nhất, sớm nhất tìm được tiếng nói chung...''.
-
Hoàng Huy