221
1401
Đô thị
dothi
/xahoi/dothi/
851324
Kết luận bước đầu cho một dự án ''tai tiếng'' của HN
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Kết luận bước đầu cho một dự án ''tai tiếng'' của HN
,
Một kỳ tích đã bị phá đi của dự án Tăng cường năng lực quản lý GTĐT: "Giọt nước" kỳ cục giữa phố Cát Linh (Hà Nội), được sinh ra với ý tưởng là để ô-tô quay đầu cho tiện. Nhưng ô-tô đến đoạn đó đâu có được quay đầu vì phần đường bên kia là ngược chiều ô-tô!

(VietNamNet) - Tư vấn thì đưa ý tưởng ''trên mây''; nhà thầu thì đang thi công, bỏ dở; thiết bị nhập nhèm xuất xứ; tiến độ chậm hơn rùa... Hà Nội đã bỏ hơn 24 triệu USD để rồi đổi lại biết bao bất cập, lãng phí và cả tai tiếng!

Thanh tra Chính phủ vừa hoàn tất kết luận thanh tra việc thực hiện dự án ''Tăng cường năng lực quản lý giao thông đô thị tại Hà Nội'', thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4986/VPCP-NC ngày 5/9/2005.

Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 24,782 triệu USD (trong đó vay Ngân hàng Thế giới khoảng 22,304 triệu USD; vốn đối ứng do ngân sách TP. Hà Nội cấp khoảng 2,478 triệu USD) gồm: 15 triệu USD xây lắp; 4,17 triệu USD thiết bị. Nhiệm vụ quản lý dự án được giao cho Ban Quản lý dự án giao thông đô thị (Sở GTCC Hà Nội) từ năm 1998 đến nay.

Tư vấn sai, ai chịu tội?

Ngày 1/12/1999, Chính phủ có văn bản chấp thuận kết quả đấu thầu và UBND TP. Hà Nội ra quyết định phê duyệt giá trị hợp đồng gói thầu tư vấn là 1.399.943 USD cho Công ty Louis Berger International Inc. Song, sau đó tổng giá trị hợp đồng tư vấn này đã được bổ sung thêm thành 2.430.683 USD (bao gồm phần trọn gói là 1.551.395 USD và phần tính theo thời gian là 879.287 USD).

Kiểm tra cho thấy, việc khảo sát, thiết kế của Tư vấn Louis Berger còn thiếu nhiều điểm và không hợp lý, gây chậm tiến độ thi công... như: Phương án bào mặt đường các tuyến phố cổ sâu 3cm, 5cm và 6cm Tư vấn này đưa ra không phù hợp, buộc phải đổi sang phương án cào bóc mặt đường sâu 15cm - dẫn đến phải ngừng thi công và tăng giá thành hạng mục; Tư vấn không thực hiện thiết kế bản vẽ tổ chức thi công chủ chốt của mỗi đoạn để các cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt các biện pháp tổ chức thi công...

Thêm nữa, Tư vấn Louis Berger lập các bản vẽ ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật nên việc xác định tiên lượng cho các hạng mục công việc không sát thực tế sau này, dẫn đến giá các gói thầu do Tư vấn lập khác với giá trị thực hiện. Thực tế, khi thiết kế chi tiết và thi công, nhiều ý tưởng thiết kế ban đầu của Tư vấn này đã phải cắt bỏ, thay bằng các hình thức khác... như: nhà chờ xe buýt, dải phân cách hành lang Bạch Mai, nhiều đảo trong khu phố cổ - khiến tổng giá trị đề nghị phát sinh tăng 15.017.863.666 đồng, gây khó khăn cho quá trình giám sát, ảnh hưởng tiến độ thi công, lãng phí vật tư...

Nút giao thông Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông (Hà Nội) thuộc Dự án Tăng cường năng lực quản lý giao thông đô thị - một trong những nút giao thông do Ban Quản lý dự án giao thông đô thị (Sở GTCC Hà Nội) thực hiện vấp phải nhiều ''điều tiếng''. Ảnh: Lê Anh Dzũng.

Trong giám sát, Louis Berger bị đánh giá là thiếu chặt chẽ, phải chịu trách nhiệm chính trong việc các nhà thầu thi công thiếu khối lượng tại các tuyến phố cổ, cũng như đồng tình để các nhà thầu xây lắp thi công định mức vật tư khác với định mức trong hồ sơ trúng thầu (dẫn đến chênh lệch thiếu vật tư trị giá 3.857.348.290 đồng). Tư vấn này lại ''không hay biết gì'' khi quá nhiều thiết bị các đơn vị thi công lắp đặt không hề ghi tên nước sản xuất, như: 3 bộ nạp điện máy đo tốc độ, 4 máy đếm xe tự động (trị giá 28.545,4 USD) của Cty Xây dựng & Thương mại Alex; cáp tín hiệu trị giá 30.804,95 USD, hệ thống tủ điều khiển trung tâm trị giá 13.761,61 USD của Nhà thầu Tyco Building Service... vi phạm nghiêm trọng quy chế nhãn mác hàng hóa nhập khẩu và sử dụng tại Việt Nam.

Cùng với Tư vấn Louis Berger, Tư vấn MVA và Cty Tư vấn đầu tư xây dựng GTCC Hà Nội cũng bị quy trách nhiệm chính trong việc sử dụng dải phân cách Newjersey vào dự án, sau đó lại phải gỡ bỏ gây dư luận không tốt trong nhân dân và ảnh hưởng tiến độ chung. Chính vì sự thiếu tính toán của các Tư vấn này mà UBND TP. Hà Nội đã phải trình Chính phủ xin được điều chỉnh biện pháp tổ chức giao thông tại hành lang Lê Duẩn, và xin bố trí dải phân cách Newjersey sang các dự án khác.

Được biết, các nhà thầu thi công đã sản xuất tất cả 1.144 cấu kiện bê-tông để làm dải phân cách với giá trị là 1.372.513.376 đồng, trong đó 713 cấu kiện (trị giá 855.173.178 đồng) đã lắp đặt vào hành lang Lê Duẩn phải dỡ bỏ và chỉ một phần trong số đó hiện được dùng vào dự án đường Lạc Long Quân để có nguồn kinh phí thanh toán cho các nhà thầu.

Nhà thầu thích thì làm, không thích bỏ đi?!

Một vấn đề đông đảo dân Thủ đô cũng như báo giới quan tâm đặt ra thời gian gần đây là hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại Hà Nội - qua thanh kiểm tra việc cung cấp và lắp đặt, nổi lên mấy ý sau:

Thứ nhất,
theo hồ sơ trúng thầu và hợp đồng đã ký giữa Ban Quản lý dự án giao thông đô thị và nhà thầu Tyco thì toàn bộ cột đèn tín hiệu là vật tư được cung cấp từ nước ngoài (gồm 5 loại, số lượng là 663 cột, tổng trị giá 327.710 USD), song khi thực hiện, nhà thầu Tyco đã có văn bản xin thay thế bằng vật tư sản xuất trong nước và đã được UBND TP. Hà Nội chấp thuận. Thế là, nhà thầu Tyco đã thay đổi toàn bộ cột đèn tín hiệu từ nhập ngoại sang sản xuất tại Việt Nam, và giảm giá là 2,5% (8.192,75 USD).

Nút giao thông ĐH Ngoại ngữ - Triều Khúc (Hà Nội) - một trong nhiều nút giao thông thuộc dự án Tăng cường năng lực quản lý GTĐT bị báo chí mệnh danh là "đốt" tiền ngân sách. Ảnh: Lê Anh Dzũng

Thứ hai, được tạo điều kiện như vậy nhưng đến nay mặc dù đã qua một lần gia hạn (đến 31/12/2005), nhà thầu Tyco vẫn chưa thực hiện xong phần việc của mình là lắp đặt 78 nút đèn tín hiệu giao thông trong đó có phần thay thế 23 nút đèn đang sử dụng. Nhà thầu này sau khi đã được thanh toán 1.726.719,04 USD (vốn vay) thì viện một loạt lý do: nào là Ban Quản lý dự án giao thông đô thị thanh toán chậm; thủ tục hành chính rườm rà cản trở thi công... để bỏ lửng cả dự án lẫn 750.643,96 USD còn lại!

Thứ ba, khi kiểm tra hiện trạng một số thiết bị do nhà thầu Tyco thực hiện, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện nhiều thiết bị với tổng trị giá khoảng 44.566,56 USD không ghi tên nước sản xuất.

Ngoài ra, khi tiến hành khoan xác xuất 47 vị trí tại các tuyến phố cổ và phố kiến trúc kiểu Pháp để kiểm tra phần bê-tông nhựa, đoàn thanh tra phát hiện nhiều chỗ không đạt chiều dày thiết kế, khối lượng bê-tông bị thiếu là 61,28m3 (trị giá 332.620.288 đồng). Tại 24 vị trí vỉa hè khác, phát hiện thêm 2 phần vữa và bê-tông lót không đạt chiều dày thiết kế - khối lượng thi công thiếu là 340,63m3 vữa lót; 180,72m3 bê-tông lót và 64m3 cát vàng (trị giá 112.500.009 đồng). Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Ban Quản lý dự án giảm trừ quyết toán của các nhà thầu số tiền trên.

Đâu là trách nhiệm của Ban Quản lý dự án giao thông đô thị?

Theo Kết luận Thanh tra số 1885/KLTT-TTCP ngày 9/10/2006, Ban Quản lý dự án giao thông đô thị đã không quản lý được các đơn vị thi công, tư vấn dẫn đến một số nhà thầu thi công thiếu chiều dày tại một số điểm kiểm tra; cung cấp, lắp đặt các thiết bị không có tên nước sản xuất; chưa kịp thời hoàn tất các thủ tục pháp lý để thanh quyết toán giá trị công việc phần phát sinh hợp lý cho các nhà thầu.

Đồng thời, Ban Quản lý dự án giao thông đô thị còn phải chịu trách nhiệm chính trong việc trình, UBND TP. Hà Nội chịu trách nhiệm trong việc phê duyệt phương án thực hiện gói thầu đèn tín hiệu lần thứ nhất không kịp thời bổ sung trung tâm điều khiển ATC mở độc lập mới, dẫn đến phải hủy kết quả đấu thầu lần 1 và đấu thầu lại lần 2 làm chậm tiến độ dự án.

Ngoài các kiến nghị xử lý về tài chính trong toàn bộ dự án, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và xử lý nghiêm túc các tập thể và cá nhân liên quan đến những thiếu sót, sai phạm trong tham mưu, đề xuất, quyết định cũng như thực hiện công tác quản lý dự án, tư vấn thiết kế, giám sát và thi công lắp đặt thiết bị, xây lắp gây lãng phí, kéo dài thời gian thực hiện dự án.

  • Hoàng Huy

TIN LIÊN QUAN:

Phân luồng giao thông Hà Nội: "Đạp số" rồi lại về "mo"
Đèn giao thông mới: “Phơi nắng” 3,5 triệu đôla!
Người đi bộ sẽ bấm tín hiệu để qua đường
Hà Nội: Vận hành đèn giao thông cho người đi bộ
Hà Nội: Nhiều đèn tín hiệu giao thông chỉ để... “trang trí”

Đèn tín hiệu giao thông mắc lỗi... “ ngớ ngẩn”!

Đèn tín hiệu giao thông mới: “Phơi nắng” 3,5 triệu đôla !

Những nút giao thông “đốt” tiền ngân sách
Cầu tại nút giao thông Hà Nội: Đơn điệu, kém thẩm mỹ
Xe tác chiến cho CSGT lại quá giống xe... ăn chơi!

Môtô CSGT giống xe ăn chơi ở TP.HCM: Có thể ra tòa?

TP.HCM: Bàn giao 150 môtô giống xe “ăn chơi” cho CSGT
Dựng “lươn”, đắp “trạch”, thảm đường rồi... phá!
Giao thông Hà Nội tê liệt vì mưa ngập ngày đầu tuần

Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,