(VietNamNet) - Vào cuối năm 2006, UBND TP.Hà Nội sẽ khởi công xây dựng ga đường sắt thuộc ''dự án đường sắt thí điểm'' đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Đây sẽ là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Dự án 10.300 tỷ đồng
Đường sắt nội đô Hà Nội sẽ thành hiện thực? Ảnh minh họa: đường sắt đô thị ở Bangalore, Ấn Độ (www.photobucket.com) |
Ngày 17/10, lãnh đạo TP.Hà Nội đã có buổi nghe báo cáo cuối kỳ Dự án Đường sắt thí điểm trước khi thống nhất cùng các Bộ để trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Lãnh đạo Thủ đô đã thống nhất về hướng tuyến của đoạn đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Theo đó, xuất phát từ ga đường sắt tại Nhổn (ngã tư đường 70 và QL32), tuyến đi theo QL32 về nội thành qua các đường phố Hồ Tùng Mậu - Xuân Thuỷ - Cầu Giấy - Kim Mã - Núi Trúc - Giảng Võ - Quốc Tử Giám - ga Hà Nội (đoạn trước cửa ga, cuối đường Trần Hưng Đạo).
Theo báo cáo, tổng chiều dài của đoạn tuyến này là 12,5 km với 9,6 km đi trên cao và 2,9 km đi ngầm, có 11 ga trên cao, 4 ga dưới ngầm và 1 ga ở đầu Nhổn. Được biết, đoạn đường sắt từ Nhổn đến vành đai 3, từ vành đai 3 nối đến Đại sứ quán Thuỵ Điển sẽ đi trên cao. Đoạn từ Đại sứ quán Thuỵ Điển đến Văn Miếu và từ Văn Miếu đến ga Hà Nội sẽ đi ngầm sâu. Loại phương tiện được tư vấn lựa chọn là tàu Metro có chiều dài từ 19 - 20 m, tốc độ tối đa là 80 km/h.
Tổng chi phí đầu tư của dự án theo báo cáo cuối kỳ này là hơn 10.300 tỷ đồng (tương đương hơn 504,22 triệu EURO). Về nguồn vốn vay, từ chính phủ Pháp (RPF) là 200 triệu EURO (dùng chủ yếu cho việc cung cấp, lắp đặt các thiết bị và dịch vụ tư vấn); Từ cơ quan phát triển Pháp (AFD) là 80 triệu EURO (bổ sung cho chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng). Tổng số vốn 280 triệu EURO này, Chính phủ Việt Nam đứng ra vay cấp phát cho dự án tổ chức thực hiện. Vốn đối ứng phía Việt Nam là 225 triệu EURO (dưới dạng phát hành trái phiếu Thủ đô).
Chuẩn bị cho dự án này, các cơ quan chức năng đã lường trước được những tác động. Cty tư vấn đầu tư xây dựng đường sắt đã kiến nghị điều chỉnh, rút ngắn một số tuyến buýt trùng với đường sắt đô thị. Hiện tại, có 12 tuyến buýt trùng với tuyến đường sắt đô thị. Tuyến có lộ trình trùng dài nhất là tuyến 20 (BX Kim Mã - Phùng) có 9/11 bến đỗ nằm trên trục ĐSĐT, tuyến thứ hai là tuyến 32 (Giáp Bát - Nhổn), các tuyến khác là 5, 7, 16, 25, 29, 34, 38, 50 đều trùng với tuyến ĐSĐT.
Tuy nhiên, đơn vị tư vấn cũng kiến nghị bổ sung một số tuyến mini buýt hoạt động trên các tuyến “xương cá” cắt ngang tuyến đường sắt đô thị để gom hành khách. Đồng thời đề nghị Bộ GTVT cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện hiện dự án QL 32, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của Dự án Đường sắt đô thị.
Một vấn đề rất quan trọng khác được đặt ra là đánh giá tác động môi trường của dự án. Theo đơn vị tư vấn thì việc đánh giá này đã được Trung tâm khoa học công nghệ bảo vệ môi trường GTVT (Viện KH&CN GTVT) nghiên cứu, phân tích và đánh giá ở các góc độ như môi trường tự nhiên (như tắc nghẽn giao thông, chất thải...); môi trường xã hội (như ngập lụt...); môi trường sống (như ô nhiễm không khí, tiếng ồn, độ rung).
Hà Nội làm bằng mọi giá
Đóng góp ý kiến cho dự án, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng phương án thi công, bởi nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề giao thông và môi trường. Thêm nữa, đây là dự án được thực hiện đầu tiên ở Hà Nội, nên chưa có kinh nghiệm, nên phải đề xuất áp dụng theo tiêu chuẩn nước ngoài.
Về vấn đề này, ông Hà Huy Quang - Giám đốc Ban quản lý phát triển vận tải công cộng và xe điện Hà Nội (chủ đầu tư dự án) cho biết: ''Đây là dự án mới, chúng ta chưa có kinh nghiệm. Vì vậy, chắc chắn sẽ phải xin áp dụng khung tiêu chuẩn Châu Âu, bởi tiêu chuẩn của Pháp cũng chỉ là một trong số những nước trong liên minh Châu Âu...''.
Bộ GTVT cho rằng, đối với một số dự án đường sắt hướng tâm vào Hà Nội, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, nếu không sẽ khó khăn khi thực hiện. Ví dụ như tuyến đường sắt Hà Đông vào đến Hà Nội thì ở trên cao (sau này ga Hà Nội cũng sẽ được đưa lên cao), trong khi đó đối với dự án này từ khách sạn Horrison vào đến ga Hà Nội lại là ngầm...
Về vấn đề khai thác, vận hành công trình sau khi hoàn thành, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, đối với đơn vị được giao khai thác sau này cũng phải được hỗ trợ về cơ chế như thế nào. Nếu không, sẽ không thể “trụ” được trong thời gian đầu...
TP.Hà Nội đang quyết tâm và hy vọng vào sự phối hợp tốt của các bộ, ngành hữu cho dự án lớn của Thủ đô. ''Bằng mọi cách thành phố sẽ khởi công xây dựng ga đường sắt ở Nhổn vào cuối năm 2006. Và đây sẽ là công trình xây dựng thiết thực kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội'' - Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu nói.
-
Thế Lê Vinh